Làn sóng đình công tại châu Âu: Nguy cơ nhiều lĩnh vực bị đình trệ

Trong bối cảnh đang chật vật đối phó với cơn “bão giá” tăng cao do thiếu hụt nguồn cung năng lượng, các quốc gia châu Âu tiếp tục lao đao bởi những rắc rối do “làn sóng” đình công kéo dài từ đầu tháng 7 tới nay. Diễn biến bất ổn trong nhiều lĩnh vực gia tăng làm dấy lên lo ngại Cựu lục địa sẽ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng xã hội khó lường, nhiều lĩnh vực trước nguy cơ bị đình trệ hoạt động.

Các cuộc đình công khiến việc lưu thông hàng hóa tại cảng Felixstowe (Anh) gặp nhiều khó khăn.

Cuộc đình công mới nhất diễn ra vào cuối tuần qua với sự tham gia của trên 115.000 nhân viên của Công ty Dịch vụ bưu chính Royal Mail (Anh) khi người lao động đòi tăng lương do khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát dự báo vượt 13% trong năm nay. Royal Mail khẳng định đã đề nghị tăng 5,5% lương cho nhân viên, mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, Nghiệp đoàn Lao động ngành thông tin liên lạc (CWU) cho rằng công ty đã áp mức tăng 2% đối với các nhân viên và chỉ tăng thêm 1,5% tùy thuộc vào điều kiện. Dự kiến, các cuộc đình công tiếp theo sẽ diễn ra vào các ngày 8 và 9-9.

Trong khi đó, các nhân viên của Công ty Đường sắt Hà Lan (NS) đã đình công ở nhiều địa phương sau khi các cuộc đàm phán về điều kiện trả lương thất bại. Tại các thành phố Friesland, Groningen, Drenthe và các khu vực của Flevoland, Overijssel ở Hà Lan, hầu hết các chuyến tàu đã ngừng hoạt động. Các nhóm công đoàn cũng thông báo về một cuộc đình công trên toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 9 nếu NS không đáp ứng các yêu cầu của họ.

Tại Đức, các phi công của Hãng hàng không Lufthansa đã lên tiếng cảnh báo sẽ tiếp tục đình công bất cứ lúc nào nếu hãng không đáp ứng được yêu cầu của công đoàn, bao gồm việc tăng lương 5,5% trong năm nay cho các phi công và tự động bù lạm phát sau đó. Các cuộc đình công và tình trạng thiếu nhân viên đã buộc các hãng hàng không, trong đó có Lufthansa, phải hủy hàng nghìn chuyến bay trong mùa hè này.

Tình hình còn nghiêm trọng hơn tại các cảng biển. Theo thông tin từ các hệ thống cung ứng toàn cầu, các cuộc đình công và lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã làm gián đoạn lịch trình tàu, khiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ngày càng trầm trọng. Hiện các cảng Rotterdam (Hà Lan), Hamburg (Đức) và Liverpool (Anh) đang phải vật lộn để tiếp nhận tàu đúng giờ… Các cuộc đình công cũng cản trở hoạt động vận tải các mặt hàng xuất khẩu chính như ô tô, máy móc và các sản phẩm hóa chất… Tình trạng này có thể khiến các vấn đề trong chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng, gia tăng sức ép giá cả trong bối cảnh kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu vốn đã gặp phải hàng loạt khó khăn.

Điều mấu chốt gây nên sự chia rẽ giữa người lao động và giới chủ là mức lương không theo kịp tốc độ lạm phát. Nhiều điều kiện đã được các nhóm công đoàn đưa ra, song không được đáp ứng. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, liên đoàn lao động nước này đang kêu gọi xây dựng một thỏa thuận tập thể mới về tiền lương được tự động điều chỉnh theo lạm phát hằng năm cho công nhân tại 58 cảng và nhà ga. Tuy vậy, quá trình thương thảo đang hết sức khó khăn khi Hiệp hội Các công ty cảng biển Đức (ZDS) và liên đoàn lao động nước này chưa thể đạt được đồng thuận. Nhiều cuộc đàm phán khác giữa người lao động và ban lãnh đạo tập đoàn ở Tây Ban Nha, Hà Lan cũng không đạt được kết quả khả quan...

Dự kiến, giá điện và khí đốt vào cuối năm nay sẽ tiếp tục tăng lên từ 5 tới 10 lần so với cùng thời điểm năm 2021, khiến tỷ lệ lạm phát tiếp tục “phi mã”. Chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi mức lương không đủ trang trải cuộc sống sẽ là nguyên nhân thúc đẩy “làn sóng” đình công lan rộng. Điều này không chỉ dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa mà còn khiến gia tăng nguy cơ đình trệ trên nhiều lĩnh vực khác.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1040718/lan-song-dinh-cong-tai-chau-au-nguy-co-nhieu-linh-vuc-bi-dinh-tre

QUỲNH DƯƠNG / HNM.com.vn