"Làm việc suốt đời" - Bí quyết giúp Nhật vươn mình thành siêu cường

Từng là một nước nghèo và triền miên hứng thiên tai, Nhật Bản nhanh chóng vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới, phần lớn là nhờ sự kiên cường, đoàn kết, thái độ nghiêm túc, chăm chỉ trong công việc của người dân nước này.

Nổi tiếng là đúng giờ, tuân thủ kỉ luật tuyệt đối, chịu khó và không bao giờ nói "Không" với công việc, đa số người Nhật luôn làm việc chăm chỉ cho đến tận khi về già.

Ảnh: Alamy

Một ngày làm việc bình thường của người Nhật bắt đầu bằng việc bắt những chuyến tàu điện đông đúc đến văn phòng rồi dốc sức làm việc nhiều giờ liên tục, tuân thủ những quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt. Làm thêm là chuyện bình thường nên những chuyến tàu lúc nửa đêm thường chật kín dân văn phòng.

Vậy vì sao người Nhật có thể đạt tới công suất làm việc như vậy, duy trì hàng ngày và qua nhiều thế hệ?

Theo BBC, động lực thúc đẩy người Nhật lao động chăm chỉ mỗi ngày có thể liên quan đến ikigai - niềm hạnh phúc khi thức dậy mỗi ngày được làm điều có ích cho xã hội.

Với những người phương Tây quen thuộc với ikigai, khái niệm này thường liên hệ đến một biểu đồ Venn với 4 giá trị đan xen: thứ bạn thích, thứ bạn làm tốt, thứ thế giới cần, và những gì bạn có thể được tiền để làm.

Tuy nhiên, với người Nhật, khái niệm này có chút khác biệt. Ikigai của một người không liên quan gì đến thu nhập. Thực tế, khảo sát của Central Research Services đối với hơn 2.000 đàn ông và phụ nữ Nhật năm 2010 cho thấy chỉ 31% coi công việc là ikigai.

Với một số người, giá trị cuộc sống là công việc, nhưng với nhiều người thì không chỉ giới hạn ở đó mà còn là việc tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.

Người Nhật nổi tiếng tham việc. 

Giám đốc điều hành của công ty tuyển dụng Probity Global Search, Yuko Takato, người dành thời gian mỗi ngày với những người lao động có trình độ cao, cho biết nhóm người này luôn coi công việc là ikigai của họ và tinh thần này đã truyền lửa cho họ luôn dốc hết sức mình làm việc một cách nhanh chóng và tự tin.

Về tính "tham việc", đặc biệt là ở người trẻ, có thể nói Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới. Một khảo sát cho thấy, có tới 37% số lao động trong độ tuổi 18-35 của nước này khẳng định họ sẽ làm việc cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay.

Ngoài chất lượng công việc luôn được đảm bảo, người Nhật còn coi trọng hiệu suất lao động. Đa số trung thành với công việc đã chọn nên hiện tượng "nhảy việc" là khá hiếm. Một khi đã xác định công việc muốn làm, người Nhật sẽ cần cù và nỗ lực làm việc đó đến khi về hưu, duy trì cảm hứng để không bị nhàm chán.

Ngoài giờ làm, nhiều người vẫn đi tới các quán rượu, câu lạc bộ... để giải tỏa áp lực sau những giờ làm việc căng thẳng... Quan điểm của họ là phải vui chơi và tận hưởng cuộc sống cá nhân thật tốt thì bạn mới có đủ năng lượng để hoàn thành tốt công việc.

Và với những người coi công việc là ikigai, việc phải về hưu có thể coi là mất mát to lớn trong cuộc đời họ. Do vậy, kể cả khi họ không làm việc nữa, họ vẫn cảm thấy có nghĩa vụ truyền đạt kinh nghiệm sống tới người trẻ hơn bằng cách tham gia phục vụ cộng đồng, giúp đỡ người khác để thấy cuộc đời mình thêm ý nghĩa.

Một trong những tên tuổi điển hình về sự tận tụy và cống hiến đó là bác sĩ Shigeaki Hinohara nổi tiếng, người đã qua đời vì suy hô hấp hồi tháng 7/2017, hưởng thọ 105 tuổi.

Bác sĩ Shigeaki Hinohara năm 2015. (Ảnh: Reuters)

Sinh năm 1911, Shigeaki Hinohara là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới và được người Nhật tôn vinh là huyền thoại y học. Tuy tuổi đã cao nhưng cho đến tận những năm tháng cuối đời, ông vẫn hàng ngày cần mẫn tới bệnh viện khám chữa và trò chuyện với các bệnh nhân.

Năm 2000, Shigeaki Hinohara sáng lập "Phong trào Người cao tuổi mới" dành cho người từ 75 tuổi trở lên có sức khỏe tốt, mục đích là khuyến khích họ sử dụng kinh nghiệm và kiến thức đóng góp cho xã hội. Ông ủng hộ lối sống lành mạnh để đẩy lùi bệnh tật ở người già.

Là tác giả của 75 cuốn sách, gồm cả cuốn sách bán chạy mà ông viết năm 101 tuổi, Shigeaki Hinohara là khách mời thường xuyên trên truyền hình Nhật.

"Tiến sĩ Hinohara là người năng động nhất tôi từng gặp", nhà báo nổi tiếng Nhật Bản Judit Kawaguchi thốt lên khi hay tin về cái chết của ông.

"Tôi gặp khi ông ấy đã 90 tuổi và tôi thay đổi ngay suy nghĩ của mình về lão hóa. 90 tuổi nhưng ông ấy vẫn làm việc 18 giờ/ngày trong cả tuần. Ông ấy là người nhiều năng lượng nhất mà tôi từng gặp. Ông luôn tin cuộc sống là sự cống hiến, mỗi mai thức dậy ông đều làm điều tuyệt vời cho mọi người".

Ngày làm việc cuối cùng của nội các Indonesia nhiệm kỳ 2014-2019
Đạo diễn Trần Vi Mỹ: ‘Tôi thích làm việc với nghệ sĩ có nghề - tôn trọng nghề, vị trí của họ không quan trọng’
7 cách khiến bản thân nổi bật khi làm việc nhóm
/ vietnamnet.vn