Làm gì để đón cơ hội khi có 3.000km cao tốc?

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hệ thống đường cao tốc đang thành hình sẽ trở là lực hút rất lớn với các nhà đầu tư.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến năm 2025 và 5.000km đường cao tốc đến năm 2030, hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm khác đã và đang được triển khai trên cả nước.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đây sẽ là lực hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.

Làm gì để đón cơ hội khi có 3.000km cao tốc? 1

TS. Lê Xuân Nghĩa

Ưu tiên hàng đầu cho hạ tầng giao thông

Trong bối cảnh khó khăn chung, song hạ tầng giao thông vẫn được quan tâm đầu tư, ưu tiên nguồn lực. Hàng loạt công trình trọng điểm đã và đang được triển khai, gấp rút hoàn thành. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào đối với bức tranh kinh tế chung của đất nước?

Thời gian qua, chúng ta đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Hàng loạt lĩnh vực suy giảm mạnh. Tuy nhiên, chúng ta đã xác định rất rõ ràng, nhất quán: Đầu tư công là động lực, là cứu cánh của nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt đánh giá cao vai trò của hạ tầng giao thông, có lẽ cũng một phần từ những gì ông đã làm được với Quảng Ninh thời còn là Bí thư Tỉnh ủy. Nhờ phát triển hạ tầng mạnh mẽ, giao thông kết nối từ đường bộ đến đường biển, Quảng Ninh đã rất thành công trong phát triển kinh tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn cả về đầu tư, thương mại, du lịch...

TS. Lê Xuân Nghĩa

Dù nguồn lực đất nước còn eo hẹp, song vốn, cơ chế, chính sách dành cho đầu tư công nói chung và cho hạ tầng giao thông nói riêng thời gian qua và tới đây luôn là ưu tiên hàng đầu.

Do vậy, xây dựng cao tốc Bắc - Nam nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung là một trong những mục tiêu mà Thủ tướng tập trung nhất ở nhiệm kỳ này.

Sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ là thuận lợi lớn. Tinh thần này cũng được “tiếp lửa” đến ngành GTVT và các Bộ, ngành, địa phương để cùng hành động.

Ngoài các cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, theo ông để các dự án giao thông trọng điểm đảm bảo tiến độ, đâu là những vấn đề cần lưu tâm, thưa ông?

Quan trọng nhất và cũng khó nhất là công tác GPMB. Thực tế, địa phương nào người đứng đầu làm Trưởng ban GPMB, thì đầu tư công vào hạ tầng đều được giải ngân rất nhanh.

Như Quảng Ninh, thời Thủ tướng Phạm Minh Chính còn làm Bí thư Tỉnh ủy, ông cũng đồng thời làm Trưởng ban GPMB trên địa bàn. Tương tự là Hưng Yên, trước Tết năm 2023, tỉnh này đã hoàn thành 93% giải ngân vốn đầu tư công của năm 2022...

Cùng đó, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang đối mặt như nguyên, vật liệu khan hiếm và đắt đỏ, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tiến độ thanh toán… Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo rất tích cực, từ hành lang pháp lý đến kiểm tra, giám sát cũng như chế tài xử lý để tháo gỡ từng bước.

Chuẩn bị giao thông kết nối bài bản

Khi đã có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, theo ông, các địa phương cũng như vùng kinh tế trọng điểm cần làm gì để đón đầu cơ hội để bứt phá?

Hiện nay, tôi chưa thấy địa phương nào có sự chuẩn bị bài bản để kết nối với trục cao tốc Bắc - Nam nói riêng cũng như các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nói chung.

Tất nhiên, con đường này, cây cầu kia hay sân bay, bến cảng chưa có trên thực tế nhưng các địa phương phải có tầm nhìn ở thời điểm nó đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Nếu không, sẽ không kịp chuẩn bị về logistics và nhân lực và kết nối… để đón đầu.

Chẳng hạn, với đường cao tốc Bắc - Nam, chúng ta phải có phương án kết nối quốc tế, với Lào, Campuchia hay Trung Quốc, giúp tiết giảm chi phí giao thương, xuất, nhập khẩu thuận lợi.

Tôi lấy ví dụ, Lào có những mỏ than lộ thiên rất lớn, có mỏ chiều dài lên tới 40km. Tôi đã đi khảo sát rất kỹ. Lào từng đầu tư hơn nửa tỷ USD để chuẩn bị cho khâu khai thác. Tuy nhiên, chúng ta chưa có hệ thống giao thông kết nối tốt giữa Lào - Việt Nam. Đường sắt từ Lào về Vũng Áng thì chưa có, còn vận tải đường bộ thì chi phí quá lớn, nên không làm sao đưa được lượng than đó về Việt Nam.

Không chỉ ích lợi về mặt kinh tế đâu, việc kết nối này còn giúp chúng giao lưu phát triển văn hóa, xã hội và du lịch. Khi kết nối với họ, chúng ta sẽ hòa nhập vào hệ sinh thái của khu vực, khai thác được rất nhiều giá trị gia tăng.

Nhánh thứ hai, đó là kết nối nội địa. Tức là phải có những tuyến phù hợp để kết nối với các trung tâm kinh tế, các lĩnh vực kinh tế thế mạnh mà từng địa phương muốn phát triển mạnh hơn hoặc các khu vực cần ưu tiên, hỗ trợ theo quy hoạch, chiến lược trên địa bàn.

Khi hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư mạnh mẽ, theo ông cần thêm những “hạ tầng mềm” nào nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu suất của nền kinh tế?

Trong khoảng 10 năm tới, trọng tâm của Việt Nam vẫn là tập trung phát triển hạ tầng. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam có thể trở thành con đường mang tính lịch sử về hệ thống giao thông cấp cao, xuyên suốt chiều dài cả nước. Trục đường xương sống này mang đến triển vọng mở rộng các khu đô thị cũ, phát triển các khu đô thị mới, thúc đẩy tăng trưởng.

Muốn tối đa hóa lợi ích từ việc đô thị hóa đó, phải quy hoạch toàn bộ mạng logistics đi kèm. Chúng ta phải thiết kế ngay từ đầu, con đường này sẽ đi qua đâu, hình thành những khu đô thị nào, từ đó dành đất đai để xây dựng bến bãi, kho tàng, kho trung chuyển. Các nhà quy hoạch cũng có thể nhận ra chỗ này xây khu công nghiệp, chỗ kia là nhà ở công nhân, hay dịch vụ đi kèm...

Còn như hiện nay, ví dụ như cảng Vũng Áng được coi là một trong những cảng biển lý tưởng ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng ta không khai khác được hết công năng, công suất, ngoài Fomosa không có doanh nghiệp lớn nào đưa hàng về đó cả. Lý do vì không có logistics.

Cùng đó, Việt Nam phải bằng mọi cách đẩy nhanh, mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có như vậy, chúng ta mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa được. Khi có lực lượng lao động hùng hậu, chất lượng cao, chúng ta sẽ đảm đương được các đơn hàng trên tất cả các lĩnh vực.

Kỳ vọng bứt phá ngoạn mục

Làm gì để đón cơ hội khi có 3.000km cao tốc? 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thị sát thực tế và chỉ đạo tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu ngày 14/4. Ảnh: Tạ Hải

Theo ông, sức hút của kinh tế Việt Nam thời gian tới sẽ thế nào, khi chúng ta đã có một hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại?

Hiện nay, nước ngoài đánh giá rất cao về triển vọng phát triển của Việt Nam, bởi họ nhìn vào những thế mạnh của chúng ta, từ lực lượng lao động, cho đến hạ tầng là những con đường cao tốc, những cây cầu, sân bay, bến cảng... và khát vọng vươn lên.

Tôi đã và đang làm việc với nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm, tìm kiếm cơ hội và chuẩn bị kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Họ luôn có tầm nhìn xa và họ sẽ nhìn chúng ta bằng hình hài của con đường cao tốc cao cấp, nối 2 đầu đất nước hay những dự án hạ tầng khác đã và đang hình thành. Như vậy, họ sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn, dài hạn hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải có giải pháp từ bây giờ để những dự án, công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm không bị đẩy vào vòng xoáy hỗn loạn về bất động sản. Thực tế thời gian qua cho thấy, lĩnh vực bất động sản hưởng lợi nhất từ hạ tầng, khiến phần lớn nguồn lực và doanh nghiệp đều tập trung vào bất động sản.

Do vậy, bằng mọi cách, phải chấn chỉnh, thiết lập lại thị trường bất động sản, để nguồn lực được phân bổ hợp lý. Khi ấy, các dự án hạ tầng thực sự phục vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ, tạo ra hiệu ứng lớn cho kinh tế, đáp ứng được đa số nguyện vọng của người dân Việt Nam là có việc làm và có nhà ở.

Cùng với tầm nhìn, quy hoạch, phát triển các “hạ tầng mềm” như logistics, nhân lực, hay sự chuẩn bị bài bản của các địa phương, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ có bứt phá ngoạn mục.

Cảm ơn ông!

 https://www.baogiaothong.vn/lam-gi-de-don-co-hoi-khi-co-3000km-cao-toc-d589609.html

Xuân Thu / Báo Giao thông