Chẳng riêng gì người dân bức xúc về nạn tham nhũng mà tất cả những người có cương vị lãnh đạo cũng thấy sốt ruột.
Mấy hôm nay, sau báo cáo về kết quả phòng chống tham nhũng trong thời gian qua được trình bày trước Quốc hội, dư luận lại “ào” lên về việc chống tham nhũng ở nước ta.
Có đại biểu Quốc hội yêu cầu rằng, phải “chỉ mặt đặt tên” ngành nào tham nhũng nhiều, ngành nào tham nhũng ít, ai phải chịu trách nhiệm…?
Lại có người thắc mắc rằng, tại sao lại chỉ bắt được đám tham nhũng vặt, còn những “con cá lớn” thì không tóm được?
Rồi lại có đại biểu cho rằng, quyền lực của cơ quan chống tham nhũng nhiều quá, lớn quá cho nên chính bộ máy phòng chống tham nhũng cũng lại có “vấn đề”!
Rồi lại có thắc mắc rằng, sao nhiều án treo thế? Sao mà các vụ án tham nhũng lại xử lý hành chính lắm thế?
Nói tóm lại, chẳng riêng gì người dân bức xúc về nạn tham nhũng mà tất cả những người có cương vị lãnh đạo cũng thấy sốt ruột.
Ảnh minh họa |
Người viết bài này thấy rằng, rất có thể những người hay nói về tham nhũng lại chưa hiểu nhiều một cách thực sự bản chất và hình thức về tham nhũng ở Việt Nam. Thậm chí, có vị đại biểu Quốc hội là ông Đỗ Văn Dương còn cho rằng chúng ta “ngại chống tham nhũng vì ai cũng đầy rẫy khuyết điểm nhập nhằng” và quả quyết “nếu đưa vào tay tôi chỉ đạo sẽ làm được trong thời gian ngắn nhất” (!).
Nhân chuyện tham nhũng này tôi xin hầu bạn đọc một chuyện cách đây hơn chục năm rồi.
Hồi đó, nhà nước chi tiền để làm một đề tài mang cấp quốc gia với tiêu đề là: “Nhận diện tội phạm có tổ chức ở Việt Nam và cách phòng chống”.
Tham gia đề tài này toàn là những người có học hàm, học vị cao của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát, tư pháp…
Sau ngót một năm trời, tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp bàn luận và tiêu mất cả trăm triệu đồng nhưng vẫn không thống nhất được mấy khái niệm. Đó là: Thế nào là Tội phạm có tổ chức? Và thế nào là Tổ chức phạm tội?
“Ông” công an thì trình bày theo quan điểm của công an, nhưng cũng trong lực lượng công an thì Interpol lại định nghĩa một kiểu khác, cảnh sát hình sự gồm những người đánh án thuộc hàng cao thủ võ lâm thì lại định nghĩa một kiểu khác.
Và “ông” tòa án, “ông” viện kiểm sát cũng có những ý kiến khác nhau.
Rồi còn tranh luận với nhau là, Việt Nam có mafia hay không? Người thì bảo có, người thì cho rằng, loại như tổ chức tội phạm Năm Cam là mafia. Nhưng cũng có người thì lại bảo, nếu chiếu theo Công ước La Hay định nghĩa về mafia thì một trong những yếu tố để băng nhóm tội phạm “được” gọi là mafia là chúng phải có hoạt động tẩy rửa tiền và thao túng chính quyền.
Vậy với nhóm tội phạm của Năm Cam không thể được gọi là mafia mà đó chỉ là một nhóm tổ chức cờ bạc, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi. Bọn chúng không buôn người, buôn ma túy; không có tẩy rửa tiền? Còn nói chuyện chúng “thao túng chính quyền” thì đây là chuyện “hoang đường”.
Từ chuyện có mấy cái định nghĩa ấy mà cãi nhau mãi không thống nhất được thì mới thấy rằng, tội phạm ở Việt Nam - trong đó có tội tham nhũng - là không giống với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Chỗ này, chỗ khác, vụ này, vụ nọ chúng có thể giống tội phạm Tây, rồi lại có lúc chúng giống như tội phạm Tàu.
Các hình thức tham nhũng ở Việt Nam cũng hoàn toàn khác với tất cả các nước.
Xin đơn cử một ví dụ thế này.
Công ty A cần xin giấy phép để xây dựng một khu chung cư. Họ sẽ phải bỏ tiền ra để “chạy” giấy phép. Nhưng nếu họ mang tiền đến nói với những quan chức có trách nhiệm trong cấp phép rằng: “Ông anh cứ ký cho em thực hiện dự án này. Em sẽ chi phần trăm trong tổng số giá trị cho ông anh…” thì chắc chắn vị quan chức đó sẽ xổ toẹt ngay, thậm chí đuổi thẳng. Nhưng, nếu như họ lại “nhè” đúng dịp sinh nhật hoặc ngày tết, ngày lễ, ngày giỗ chạp… và họ mang tiền đến biếu thì mặc nhiên, người nhận quà biếu đấy sẽ biết rằng, đối tượng biếu mình món quà “trên mức bình thường” như vậy là vì cái dự án đó.
Đây là một sự hiểu ngầm với nhau, là một loại luật bất thành văn; là “ý tại ngôn ngoại”; là “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”; là “nói ít hiểu nhiều”…
Đến khi vụ việc có vỡ lở, nếu như giám đốc công ty đó khai với cơ quan công an rằng: “Tôi đã phải biếu ông Y, ông Z nào đó X tiền” và công an phải đi xác minh. Nhưng khi gặp ông Y, ông Z đó thì tất nhiên ông ta sẽ nói: “Tôi biết đâu đấy, hình như trong sinh nhật của tôi, nó có biếu chai rượu thì phải, còn tiền nong tôi chịu”.
Một vụ việc cụ thể, đó là trong vụ án Mường Tè, cách đây hơn chục năm, khi công an thu được cuốn sổ ghi chép của một gã tên là Thiết, trong đó hắn ghi rất tỉ mỉ từng khoản tiền tiêu, từ chuyện đi ăn đi uống, mua thực phẩm cho gia đình, tới chuyện biếu ông A, bà B… Đến khi cảnh sát điều tra đến hỏi các ông bà đấy thì tất cả đều chối bay chối biến, còn ông nào “thật thà” thì nói rằng, “để về hỏi vợ”?
Một vấn đề nữa về tham nhũng ở Việt Nam là bất kể ai có tí chức tí quyền và thậm chí chẳng có chức quyền gì cũng đều có thể “kiếm chác” được bằng cách “hành” người khác.
Cô giáo bắt học sinh phải học thêm. Nếu không học, liệu có yên được với cô không?
Nhân viên y tế sẽ tiêm cho người bệnh hết sức nhẹ nhàng, có lời nói “dịu dàng, ân cần” nếu như gia đình biết “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Các nhân viên công quyền sẽ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân một cách nhanh chóng nếu như người dân “biết điều”, còn nếu không thì sẽ “hành là chính”.
Chúng ta cứ nói, chống tham nhũng nhưng với cách làm như hiện nay thì còn phải rất lâu.
Liệu chúng ta có dám làm mạnh như Singapore, Trung Quốc không?
Trung Quốc lôi cả tội phạm tham nhũng ra để tử hình mà còn chưa ngăn được thì với cách làm mang nặng tính “giáo dục” như của ta, còn lâu kẻ tham nhũng mới biết sợ.
Ấy là chưa kể người ta sẵn sàng tham nhũng để “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nếu có bị đi tù thì ở trong tù có tiền cũng sướng chán.
Chúng ta đã nói nhiều rằng, tham nhũng đang là quốc nạn, là một loại “giặc”. Ấy vậy mà “đánh giặc” lại như kiểu “gãi ngứa” thì đánh làm sao được? Và đã coi tội phạm tham nhũng là “quốc nạn” thì phải có những biện pháp cực kỳ đặc biệt, cực kỳ cứng rắn và phải có một cơ quan đặc biệt chịu trách nhiệm chống tham nhũng. Còn như bây giờ, một thanh gươm chống tham nhũng được giao cho đến bốn cơ quan cùng “múa” là công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra… “múa” gươm mà “bốn tay” thì khó lắm.
Một điều nữa cần phải làm, phải có những khung hình phạt đặc biệt đối với tội tham nhũng, nghĩa là những kẻ nào định tham nhũng thì sẽ phải “run” tay nếu như vụ việc bị phát giác.
Tham nhũng một đồng thì phải nộp lại mười đồng. Có như vậy thì mới răn đe được.
Một vấn đề nữa, muốn chữa bệnh thì phải biết nguyên nhân gây bệnh. Vậy muốn chữa căn bệnh tham nhũng này thì phải nhận dạng được: Tham nhũng ở Việt Nam là như thế nào? Đặc trưng của nó ra sao? Các hình thức biểu hiện của tham nhũng ở Việt Nam là thế nào? Các thủ đoạn để tham nhũng ở Việt Nam được thể hiện dưới những hình thức gì…?
Có định nghĩa xong thì mới “bắt mạch kê đơn” được. Và, quan trọng nhất, đó là: Cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về chống tham nhũng? Nếu như không giao được quyền cho một người chịu trách nhiệm thì lại phải nhớ câu của các cụ xưa: “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”./.
Nguyễn Như Phong
Theo Năng lượng Mới (năm 2014)
Lại lạm bàn về chống tham nhũng
Tình hình tham nhũng ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. |
Việt Nam có cần thạc sĩ, tiến sĩ chống tham nhũng?
Có thật khu vực công muốn chống tham nhũng là được, chẳng cần đến nghiên cứu, chẳng cần đến thạc sĩ, tiến sĩ? |
Quan cấp tỉnh Trung Quốc nộp mình cho siêu ủy ban chống tham nhũng
Ai Wenli, cựu cố vấn chính trị tỉnh Hà Bắc, là quan chức cấp tỉnh thứ hai ra đầu thú trong chiến dịch "đả hổ ... |
\'Chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, không phải chuyện đánh ai\'
Cuộc chiến chống tham nhũng không phải làm trong một sớm, một chiều, và đặc biệt là không có chuyện "đánh ai" trong nội bộ. |