Quan cấp tỉnh Trung Quốc nộp mình cho siêu ủy ban chống tham nhũng

Ai Wenli, cựu cố vấn chính trị tỉnh Hà Bắc, là quan chức cấp tỉnh thứ hai ra đầu thú trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc.

quan cap tinh trung quoc nop minh cho sieu uy ban chong tham nhung

Ai Wenli, 63 tuổi, cựu cố vấn chính trị tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Weibo.

Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), siêu cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, hôm qua cho biết Ai Wenli, cựu cố vấn chính trị cấp cao tỉnh Hà Bắc, đang bị điều tra sau khi ra đầu thú vì "vi phạm nghiêm trọng luật pháp và kỷ luật đảng", ám chỉ hành vi tham nhũng, theo SCMP.

Cố vấn 63 tuổi này là quan chức cấp tỉnh thứ hai ra đầu thú kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" nhằm chống nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Trước đó, Tong Mingqian, cựu phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân tỉnh Hồ Nam, cũng nộp mình cho chính quyền vào năm 2014. Ông này bị kết án 5 năm tù vì tội lơ là nhiệm vụ và được trả tự do hồi tháng 6.

NSC cho biết Ai từ chức phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân tỉnh Hà Bắc hồi tháng 1. Trước đó, Ai từng giữ chức bí thư huyện Thừa Đức và thị trưởng thành phố Thạch Gia Trang.

Năm 2013, Chủ tịch Tập đã tổ chức phiên tự phê bình kéo dài 4 ngày với giới chức tỉnh Hà Bắc. Tại đây, Ai thừa nhận đã "chi tiêu quá mức" vào năm 2012 và "lãng phí" 3,3 triệu nhân dân tệ (483.800 USD) để thuê khách mời nổi tiếng tới tham dự lễ hội mùa xuân của tỉnh năm đó, theo Beijing Times.

"Khi đề cập tới việc đưa ra quyết định, tôi chưa từng thực sự coi bản thân là người nhà, công bộc và bạn tâm giao của nhân dân. Đã có lúc tôi ưu tiên danh tiếng, lợi ích cá nhân, và đặt ý chí chủ quan lên trên nhân dân", Xinhua dẫn lời Ai phát biểu trong phiên tự phê bình. Hãng thông tấn này tiết lộ thêm rằng đồng nghiệp mô tả Ai là một người "đam mê và có kinh nghiệm", nhưng thiếu kỹ năng "điều hành" và đôi lúc lạm dụng chức quyền.

Ai ra đầu thú ngay sau khi nhóm giám sát trung ương số 15 hôm 22/7 công khai chỉ trích giới chức Hà Bắc vì không giải quyết được một số vấn đề, bao gồm việc xóa bỏ sức ảnh hưởng của cựu bí thư tỉnh ủy Chu Bản Thuận và phe cánh của ông này. Chu bị kết án 15 năm tù giam vào năm 2017 vì nhận hối lộ và có mối quan hệ thân cận với Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, người bị kết án chung thân vì tham nhũng và làm lộ bí mật nhà nước.

Zhuang Deshui, phó giám đốc Trung tâm Chính phủ Trong sạch tại Đại học Bắc Kinh, cho biết nhiều quan chức cấp thấp hơn đã tự nộp mình từ khi NSC được thành lập hồi tháng 3.

"Hành động của Ai thật hiếm hoi bởi ông ấy là một quan chức cấp cao", Zhuang giải thích. "Các cán bộ biết rằng đảng rất nghiêm túc trong việc chống tham nhũng. Do không còn cơ hội nào, ngày càng nhiều người đang xem xét việc tự thú với hy vọng sẽ được xét xử khoan dung hơn".

Được coi là một siêu cơ quan chống tham nhũng, NSC có quyền lực rất lớn, được phép giám sát hành vi sai trái của bất kỳ đảng viên nào, cũng như những cán bộ trong cơ quan lập pháp, các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương, quản lý trong các bệnh viện và trường học công lập.

quan cap tinh trung quoc nop minh cho sieu uy ban chong tham nhung \'Người gác cổng Internet\' Trung Quốc bị cáo buộc tham nhũng

Lỗ Vĩ, cựu quan chức phụ trách an ninh mạng Trung Quốc, bị các công tố viên cáo buộc từng nhận số tiền hối lộ ...

quan cap tinh trung quoc nop minh cho sieu uy ban chong tham nhung \'Chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, không phải chuyện đánh ai\'

Cuộc chiến chống tham nhũng không phải làm trong một sớm, một chiều, và đặc biệt là không có chuyện "đánh ai" trong nội bộ.

Ánh Ngọc

/ https://vnexpress.net