Nhiều hộ kinh doanh karaoke, vũ trường mong hỏi được mở cửa trở lại phục vụ khách có nhu cầu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc quản lý loại hình kinh doanh karaoke, vũ trường hiện nay còn nhiều lỗ hổng khiến nơi đây thường xuyên xảy ra tệ nạn xã hội gây bức xúc.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2.6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay sẽ tiếp thu ý kiến của báo chí, báo cáo, đề xuất với Thủ tướng ủng hộ đưa hai dịch vụ này trở lại hoạt động bình thường.
Tại Chỉ thị 19, Thủ tưởng cho phép mở các dịch vụ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh), trừ vũ trường và karaoke.
Trong văn bản “kêu cứu” gửi tới báo Lao Động, một chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở Long An cho biết hậu quả của dịch COVID-19 để lại cho ngành kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke là vô cùng tàn khốc.
Chi phí đầu tư trung bình cho một cơ sở kinh doanh karaoke, là khoảng 5-20 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là tiền vay ngân hàng. Các cơ sở Kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá 3 tháng. Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại hơn 1000 điểm kinh doanh karaoke quy mô vừa ở Thành phố và Hà Nội thì sẽ có hàng ngàn người lao động mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.
Chúng tôi đã hết sức vận dụng những nguồn lực tài chính cuối cùng, thậm chí phải đem cả những đồng tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, điện nước, thuế, phí, bảo hiểm cũng như các chi phí phòng dịch rất lớn… Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí!”.
Vì thế, chủ hộ kinh doanh này mong muốn: “Cơ quan ban ngành đồng cảm và chia sẻ với sự khó khăn chưa từng có mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke đang đối mặt. Trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke được phép mở cửa hoạt động kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân trên toàn quốc”.
Một lý do khác được đưa ra là hiện tại các địa phương đang kích cầu du lịch nội địa. Tại các điểm du lịch việc thiếu các loại hình vui chơi giải trí như vũ trường, karaoke cũng phần nào khiến du lịch kém sức hút.
Tuy nhiên, còn một vấn đề gây tranh cãi xung quanh loại hình dịch vụ này đó là nguy cơ biến cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thành tụ điểm của tệ nạn xã hội như sử dụng ma tuý, mại dâm…
Năm 2004, Bộ Văn hoá- Thông tin đã khiến dư luận ngỡ ngàng khi đề xuất lên Chính phủ cấm tổ chức, cá nhân Việt Nam kinh doanh karaoke trên địa bàn toàn quốc (ngoại trừ cơ sở có vốn nước ngoài vẫn được kinh doanh nhằm bảo đảm môi trường đầu tư mà Việt Nam đã cam kết). Lý do đưa ra là từ đánh giá của dư luận: phần tích cực mà karaoke hiện nay đem lại chỉ chiếm vỏn vẹn 10-20% so với 80-90% tiêu cực. Cho nên việc cấm kinh doanh karaoke là cần thiết và loại hình giải trí này chỉ nên tồn tại trong sinh hoạt gia đình, cơ quan…
Tất nhiên, đề xuất này đã bị bác vì sự phi lý của nó. Nhưng quản lý dịch vụ karaoke, vũ trường còn nhiều bất cập nhất là các chủ cơ sở kinh doanh hám lợi đã làm ngơ cho tệ nạn xã hội hoành hành.
Pháp luật đưa kinh doanh karaoke, vũ trường vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Việc mở cửa cần được xem xét nhưng đây cũng là cơ hội để rà soát, siết chặt hoạt động này không phải nhắc đến karaoke, vũ trường là ám ảnh bởi ma tuý, mại dâm…
Đề xuất mở lại vũ trường, karaoke sau hơn 2 tháng đóng cửa |
Cụm dịch mới ở phố đêm Itaewon liên quan tới quán karaoke |
Hà Nội bỏ yêu cầu giãn cách ở quán ăn, chưa cho mở lại karaoke và vũ trường |