Kịch bản khi Covid-19 không thể bị xóa sổ

Chưa bao giờ thế giới mong chờ vaccine xuất hiện như trong đại dịch Covid-19, nhưng nhiều người đã nghĩ tới kịch bản tệ nhất: không có vaccine. 

Nhiều nước đang chạy đua nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 khi đại dịch này đã khiến hơn 252.000 người chết trong số hơn 3,6 triệu người nhiễm trên toàn cầu. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/5 cho biết nhiều công ty Mỹ đang tích cực nghiên cứu vaccine và ông "rất tự tin" rằng Mỹ sẽ có vaccine ngừa nCoV trước cuối năm nay. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ có vaccine sớm hơn thay vì muộn hơn", ông nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News.

 

 

Một mẫu vaccine Covid-19 được nghiên cứu tại công ty Novavax ở bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, trong đó có Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci, cho rằng quá trình phát triển vaccine Covid-19 phải mất tới 12-18 tháng. Chris Whitty, cố vấn y tế cho chính phủ Anh, thậm chí nhận định một năm có thể là quá sớm để có vaccine Covid-19. 

"Chúng ta sẽ chưa thể có vaccine trong vòng một năm tới 18 tháng nữa. Điều này không có nghĩa việc phát triển vaccine là chuyện không thể, nhưng nếu thành công đó sẽ là một thành tựu rất lớn. Chúng ta cần có những kế hoạch dự phòng khác nhau", tiến sĩ Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới thuộc Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, Mỹ, cho hay.

Hầu hết chuyên gia đều tin rằng vaccine Covid-19 rốt cuộc sẽ được phát triển thành công, một phần bởi vì họ cho rằng nCoV không biến đổi nhanh chóng giống các bệnh trước đây như HIV và sốt rét. Tuy nhiên, một số người không thực sự lạc quan về điều này, bởi lịch sử y học thế giới đã ghi nhận những loại virus chưa có vaccine.

"Có vài loại virus mà chúng ta vẫn chưa tạo ra được vaccine phòng ngừa. Chúng ta không thể tin chắc rằng vaccine sẽ chắc chắn xuất hiện, hoặc nếu có thực sự được phát triển, liệu nó có vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm để chứng tỏ tính hiệu quả và an toàn hay không", David Nabarro, giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học Hoàng gia London và là đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Covid-19, cho hay. 

Năm 1984, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Margaret Heckler thông báo tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington rằng các nhà khoa học đã xác định thành công loại virus sau này được biết đến là HIV, đồng thời dự đoán vaccine sẽ sẵn sàng thử nghiệm trong hai năm nữa. Nhưng gần 4 thập kỷ qua đi và 32 triệu người đã chết vì đại dịch này, thế giới vẫn đang chờ đợi vaccine HIV ra đời.

Trong nhiều năm sau đó, kết quả dương tính HIV không chỉ là bản án tử, mà còn khiến người nhiễm virus phải sống những tháng ngày cuối đời trong cảnh bị cộng đồng hắt hủi, trong khi các bác sĩ tranh luận trên các tạp chí y khoa về việc những người nhiễm HIV có đáng được cứu hay không.

Công cuộc tìm kiếm vaccine HIV không dừng lại ở đó. Tới năm 1997, cựu tổng thống Bill Clinton thách thức người Mỹ tìm ra loại vaccine này trong vòng 10 năm. Nhưng 14 năm sau, các nhà khoa học cho biết nhân loại vẫn phải chờ thêm khoảng 10 năm nữa.

Những khó khăn của việc phát triển vaccine ngừa HIV đến từ chính bản chất của loại virus này. "Virus HIV tiếp tục biến đổi trong cơ thể người nhiễm, như thể bạn bị nhiễm hàng nghìn virus HIV khác nhau. Trong khi biến đổi, nó làm tê liệt hệ thống miễn dịch của bạn", Paul Offit, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là người đồng phát triển vaccine ngừa virus rota gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, nói. 

Tuy nhiên, vì HIV biến đổi phức tạp hơn nCoV, nên nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về việc tìm ra vaccine Covid-19.

 

 

Người phụ nữ thử nghiệm loại vaccine ngừa Covid-19 tại Viện nghiên cứu Sức khỏe Kaiser Permanente ở Washington, Mỹ, hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Nhưng có những căn bệnh khác vẫn gây khó khăn cho các nhà khoa học và con người. Một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết, căn bệnh khiến khoảng 400.000 người nhiễm mỗi năm theo WHO, vẫn chưa được phát triển sau nhiều thập kỷ. Năm 2017, một nỗ lực trên phạm vi lớn nhằm phát triển loại vaccine này đã thất bại sau khi phát hiện nó làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. 

Tương tự, việc phát triển vaccine ngừa virus rhino và virus adeno gây triệu chứng  giống như cảm lạnh cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện chỉ có một loại vaccine ngăn ngừa hai chủng của adeno, nhưng nó chưa được lưu hành rộng rãi trên thị trường. 

"Bạn đặt nhiều kỳ vọng rồi sau đó thất vọng. Chúng ta đang đối phó các hệ thống sinh học chứ không phải các hệ thống cơ khí. Nó phụ thuộc rất nhiều vào cách phản ứng của cơ thể", Nabarro chia sẻ.

Đại học Oxford ở Anh đang tiến hành thử nghiệm trên người vaccine ngừa Covid-19 được phát triển từ virus ở loài tinh tinh, trong khi ở Mỹ, loại vaccine do công ty Moderna cũng đang được thử nghiệm. Tuy nhiên, khâu thử nghiệm là nơi nhiều nỗ lực phát triển vaccine thất bại. "Phần khó khăn nhất là bạn phải chứng minh được nó hiệu quả và an toàn", tiến sĩ Hotez cho hay. 

Theo Rob Picheta, biên tập viên CNN, nếu điều tương tự xảy ra với vaccine Covid-19, nCoV có thể tiếp tục lây lan trong nhiều năm nữa. Nhưng cách đối phó với HIV/AIDS sẽ cung cấp định hướng về cách sống chung với căn bệnh mà con người chưa thể ngăn chặn.

"Với HIV, chúng tôi có thể biến nó thành căn bệnh mạn tính bằng thuốc kháng virus. Chúng tôi đã làm điều mà chúng tôi luôn hy vọng nó hiệu quả với ung thư. HIV giờ không còn là án tử như những năm 1980 nữa", Offit nói, đề cập tới phương pháp PrEP hay sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để ngăn nguy cơ phơi nhiễm HIV.  

Một số cách điều trị tương tự đang được thử nghiệm với Covid-19, khi nhiều nhà khoa học tìm kiếm phương án B cho trường hợp các thử nghiệm vaccine thất bại. Nhưng tất cả những thử nghiệm này mới ở giai đoạn đầu. Các nhà khoa học cũng thử nghiệm thuốc remdesivir chống virus Ebola, trong khi các phương pháp điều trị bằng huyết tương cũng đang được nghiên cứu. 

Hydroxychloroquine (tên khác là HCQ hay Plaquenil), thuốc mà Tổng thống Donald Trump từng xem "món quà của Chúa" có khả năng "thay đổi cuộc chơi", đã được chứng minh không hiệu quả với những bệnh nhân nặng.

"Những loại thuốc trên là các \'ứng viên\' tốt nhất", Keith Neal, giáo sư về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, Anh, nói và thêm rằng vấn đề giờ nằm ở việc thử nghiệm chúng.

Giáo sư Neal cũng cho biết những thử nghiệm đầy đủ hơn đã được thực hiện và nếu một trong những loại thuốc này phát huy hiệu quả với Covid-19, các dấu hiệu tích cực sẽ xuất hiện trong vài tuần. Thuốc đầu tiên có vẻ đạt hiệu quả là remdesivir, khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ nói rằng có thể dùng nó cho bệnh nhân Covid-19, khi có những dấu hiệu tích cực cho thấy nó giúp tăng tốc độ phục hồi.

Nếu một loại thuốc có thể giúp giảm thời gian bệnh nhân nằm phòng điều trị tích cực dù chỉ vài ngày, nó có thể giúp bệnh viện tăng tốc độ giải phóng giường bệnh và giúp chính phủ thêm tin tưởng để cấp phép sử dụng phổ biến hơn.

Nhưng remdesivir không phổ biến trên thị trường quốc tế và việc tăng quy mô sản xuất có thể gây ra nhiều vấn đề. Điều quan trọng là bất kỳ phương pháp nào cũng đều không ngăn được lây nhiễm trong cộng đồng, đồng nghĩa nCoV có thể dễ dàng kiểm soát hơn và đại dịch sẽ giảm dần, nhưng căn bệnh này sẽ tồn tại dai dẳng cùng con người trong nhiều năm nữa.

 

 

 Remdesivir, thuốc chống Ebola, được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AFP.

Nhiều chuyên gia nhận định nếu không thể phát triển thành công vaccine, cuộc sống của con người sẽ không thể duy trì như bây giờ hay khó có thể trở lại bình thường. 

"Phong tỏa không phải giải pháp bền vững về mặt kinh tế và chính trị. Do đó chúng ta cần tìm kiếm những biện pháp khác để kiểm soát dịch", Neal nói.

Điều này có nghĩa các chuyên gia sẽ phải thúc đẩy các chính phủ đưa ra những quy định mới trong lối sống và cách giao tiếp của người dân để thế giới có thêm thời gian, có thể là vài tháng, vài năm hoặc vài thập kỷ, cho tới khi Covid-19 bị xóa sổ bằng vaccine.

"Điều này là hoàn toàn cần thiết để sẵn sàng sống chung với Covid-19", Nabarro nhận định. Ông kêu gọi thiết lập các "khế ước xã hội" mới, trong đó công dân mỗi quốc gia sẽ phải có trách nhiệm tự cách ly nếu xuất hiện triệu chứng bệnh hoặc từng tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm, khi bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường mới. Đồng thời, mọi người cũng không còn được phép xem thường các triệu chứng cảm lạnh nhẹ hoặc ho và tiếp tục đến nơi làm việc.

Nhiều chuyên gia cũng dự đoán Covid-19 sẽ làm thay đổi vĩnh viễn quan điểm của mọi người về làm việc từ xa, học trực tuyến.... Tuy nhiên, họ nhận định đây sẽ là một thách thức lớn đối với các nước nghèo. 

Trước mắt, Nabarro cho rằng các quốc gia cần thực hiện chương trình xét nghiệm và truy vết tiếp xúc quy mô lớn để cho phép mọi người có thể sống chung với Covid-19.

"Điều vô cùng quan trọng là phải có một hệ thống y tế công cộng đảm bảo việc theo dõi tiếp xúc, khám bệnh ở nơi làm việc, theo dõi các triệu chứng, đề xuất sớm về việc có cần phải tái thực hiện cách biệt cộng đồng hay không. Hệ thống này có thể thiết lập được, nhưng rất phức tạp và chúng ta thực sự chưa từng làm điều này trước đây", Hotez nói. 

Hệ thống đó có thể cho phép người dân nối lại một số tương tác xã hội. Nếu tỷ lệ lây nhiễm là rất thấp, các sự kiện đông người hoặc địa điểm kinh doanh lớn có thể mở lại nhưng liên tục được các cơ quan chính phủ và y tế cộng đồng giám sát, đánh giá, theo Hotez. 

Giáo sư Nabarro nhận định các biện phong tỏa, hạn chế có thể được dỡ bỏ hoặc thiếp lập lại bất cứ lúc nào cho tới khi có vaccine ngừa nCoV. Tiến sĩ Hotez dự đoán Mỹ có thể phải tái áp đặt các lệnh hạn chế vào mùa đông, thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh nhất. 

 

 

Người dân Mỹ vui chơi ở công viên Prospect, Brooklyn, Mỹ, hôm 2/5. Ảnh: NYTimes.

Giới chuyên gia cũng cho rằng các cuộc tranh luận về miễn dịch cộng đồng sẽ tiếp tục nổ ra. Tuy nhiên, Offit khẳng định miễn dịch cộng đồng bằng cách để lây nhiễm tự nhiên không phải là lựa chọn tốt nhất, bởi tiêm vaccine mới là cách tạo miễn dịch cộng đồng tốt nhất. 

Chuyên gia này chỉ ra rằng dịch sởi chính là một "ví dụ hoàn hảo" cho điều đó. Trước khi vaccine trở nên phổ biến, mỗi năm có 2-3 triệu người nhiễm sởi và ông cho rằng điều này sẽ đúng với Covid-19. Hay nói cách khác, số người chết và nhiễm nCoV sẽ rất lớn dù phần lớn dân số thế giới không dễ nhiễm bệnh.

Dù có niềm tin rất lớn rằng sẽ có vaccine Covid-19, chuyên gia bệnh truyền nhiễm này nhận định thế giới sẽ phải đợi thêm một thời gian khá lâu. "Tôi không nghĩ có thể phát triển được vaccine một cách nhanh chóng. Tôi sẽ vô cùng kinh ngạc nếu chúng ta có vaccine Covid-19 trong vòng 18 tháng", ông chia sẻ. 

Thanh Tâm (Theo CNN)

Những cáo buộc tình báo 5 nước nhắm vào Trung Quốc
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Italia cao hơn 40% so với mức công bố
Mỹ dự kiến khoảng 3.000 người chết mỗi ngày vì COVID-19 vào tháng 6
Nguy cơ 3.000 người tử vong/ngày, Mỹ tìm bệnh nhân đầu tiên chết vì Covid-19
Ứng dụng truy vết Covid-19 phát huy tác dụng như thế nào?

/ vnexpress.net