Khủng hoảng nhà ở Tây Ban Nha: Loay hoay với “bài toán” khó

Gần 3 tháng kể từ khi ban hành các chính sách nhằm giảm giá nhà ở, Chính phủ Tây Ban Nha vẫn loay hoay với những diễn biến của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này. Giá thuê và giá bán bất động sản tăng cao, trong khi thu nhập của người dân không theo kịp, khiến việc sở hữu hoặc thuê nhà trở thành giấc mơ xa vời đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ và người lao động có thu nhập thấp.

nha-o.jpg
Hàng trăm nghìn người Tây Ban Nha đã xuống đường tuần hành yêu cầu giảm giá nhà ở. Ảnh: Euroweekly News

Bất mãn của người dân được thể hiện qua cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng trăm nghìn người qua 40 thành phố của Tây Ban Nha vào cuối tuần qua để phản đối tình trạng giá thuê nhà tăng cao và thiếu nhà ở giá rẻ. Một số yêu cầu của người biểu tình bao gồm lập tức hạ giá thuê nhà 50%, cải tạo 3,8 triệu ngôi nhà bỏ trống và cấm trục xuất những gia đình dễ bị tổn thương...

Dữ liệu từ trang bất động sản Idealista cho thấy, giá thuê nhà trung bình ở Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi và giá nhà tăng 44% trong thập kỷ qua. Nguồn cung nhà cho thuê đã giảm một nửa kể từ đại dịch Covid-19 năm 2020. Trong khi năm 2024, Tây Ban Nha đón lượng khách du lịch kỷ lục, lên đến 94 triệu người và trở thành quốc gia được ghé thăm nhiều thứ hai trên thế giới. Dòng người di cư trở về cũng tạo áp lực nặng nề cho cuộc khủng hoảng nhà ở.

Ngân hàng Tây Ban Nha cho biết, có khoảng 120.000 ngôi nhà mới được xây dựng ở nước này những năm gần đây, bằng 1/6 mức trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo các hiệp hội chủ nhà cũng như các chuyên gia, nhiều quy định hiện hành không khuyến khích việc cho thuê dài hạn. Bên cạnh đó, chính sách thuế ưu đãi cho các nhà đầu tư bất động sản đã vô tình khuyến khích đầu cơ, trong khi quy hoạch đô thị chậm trễ và thiếu nhà ở xã hội khiến người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở.

Với sự bùng nổ về du lịch, việc cho du khách hoặc người nước ngoài thuê ngắn hạn có lợi nhuận cao hơn và an toàn hơn. Quan điểm này đã thúc đẩy sự gia tăng chóng mặt các căn hộ cho thuê ngắn hạn và làm giảm nguồn cung nhà ở dài hạn. Tại thành phố Barcelona, ước tính khoảng 10.000 căn hộ đã chuyển sang cho thuê du lịch, khiến thị trường nhà ở địa phương thêm căng thẳng.

Những tháng gần đây, chính phủ trung tả của Tây Ban Nha đã phải vật lộn để tìm ra điểm cân bằng giữa việc thu hút khách du lịch, người di cư để lấp đầy khoảng trống việc làm và giữ giá thuê nhà ở mức phải chăng đối với người dân. Giá thuê nhà ngắn hạn đã tăng vọt ở các thành phố lớn và các điểm đến ven biển, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà còn gây áp lực lớn lên các nhà lãnh đạo, buộc họ phải tìm kiếm những giải pháp khả thi hơn trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Để ngăn chặn nguy cơ có thể thâm hụt 600.000 nhà ở vào cuối năm nay, Chính phủ Tây Ban Nha đã phải quyết định ngừng cấp thị thực cư trú cho công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU) đầu tư bất động sản, khép lại con đường trở thành công dân Tây Ban Nha theo hướng này từ đầu tháng 4-2025.

Thị thực đầu tư cho phép công dân ngoài EU và người thân của họ có được thị thực cư trú và có thể nộp đơn xin quốc tịch Tây Ban Nha nếu đầu tư 500.000 euro vào bất động sản. Những người sở hữu thị thực này không có nghĩa vụ phải sống, làm việc hoặc học tập tại Tây Ban Nha. Điều này có nghĩa, họ có thể dễ dàng sử dụng bất động sản làm nhà nghỉ dưỡng cá nhân hoặc cho khách du lịch thuê.

Trên thực tế, khi chương trình “thị thực vàng” được triển khai vào năm 2013, Tây Ban Nha coi đây như một cách để củng cố ngân khố sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Gần 15.000 thị thực đã được cấp theo diện này, chủ yếu cho công dân Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ, Ukraine, Iran, Venezuela và Mexico.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc dừng chương trình “thị thực vàng”, Chính phủ Tây Ban Nha còn phải triển khai nhiều biện pháp khác như tăng tốc độ xây dựng thêm nhà ở xã hội, siết chặt kiểm soát giá nhà và đánh thuế cao đối với các bất động sản bỏ trống.

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Tây Ban Nha không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là thách thức xã hội sâu sắc. Nếu không có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ, tình trạng này sẽ tiếp tục làm xói mòn chất lượng cuộc sống, gia tăng bất bình đẳng và gây bất ổn chính trị. Các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha đang đứng trước bài toán khó: Làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích của thị trường bất động sản và quyền có nhà ở của người dân? Câu trả lời được cho là sẽ góp phần định hình tương lai của nước này trong những thập kỷ tới.

https://hanoimoi.vn/khung-hoang-nha-o-tay-ban-nha-loay-hoay-voi-bai-toan-kho-698129.html

Quỳnh Dương / HNM