- Khai thác cát trái phép trên sông Hồng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi
- Ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm về khai thác cát trái phép trên sông Đà, sông Hồng
Trước thực trạng khó khăn về vật liệu làm các công trình trọng điểm trên địa bàn như đường Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… ngày 16/7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về xử lý khó khăn, vướng mắc đối với thủ tục đất đai để thực hiện khai thác vật liệu cung cấp cho các dự án này.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ 2 dự án trên, nhu cầu đất đắp đã lên đến gần 6 triệu m3. Dù các đơn vị đã khảo sát, đề xuất 3 vị trí bổ sung tại huyện Long Thành và TP Biên Hòa với diện tích hơn 30 ha, trữ lượng gần 5 triệu m3 đất để phục vụ thi công, song nguồn gốc đất, các vị trí đề xuất đã cấp “sổ hồng” cho hộ gia đình, cá nhân, không phải là điểm mỏ, không có trong quy hoạch khoáng sản, không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án giao thông.
Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình trên, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh khai thác, sử dụng nguồn đất đắp làm vật liệu san lấp không thuộc quy hoạch tại 3 khu vực nói trên để phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó bao gồm cả việc xem xét điều phối nguồn đất đắp cho đường Vành đai 3.
Nếu được chấp thuận, nhà thầu thi công dự án có trách nhiệm tự thỏa thuận với người dân có đất để thực hiện thu hồi vật liệu san lấp; cam kết khối lượng vật liệu chỉ phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia. Cùng lúc nhà thầu phải có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí với Nhà nước theo quy định. Sau khi hoàn tất khai thác vật liệu, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo “sổ hồng” đã cấp và quy hoạch sử dụng đất tại các vị trí khai thác này vẫn giữ nguyên theo quy hoạch hiện hành.
Sau khi Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) đề xuất, UBND tỉnh Đồng Nai đã rà soát và xác định việc lấy đất san lấp từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 trong sân bay Long Thành để phục vụ thi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là không đảm bảo quy định pháp lý. Ngày 2/8 vừa qua, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở TNMT lấy ý kiến và tham mưu lại việc này.
Theo ông Phi, Sở TNMT xác định thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép thực hiện khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại khu vực quy hoạch nhà ga T3 sân bay Long Thành để thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhưng chưa đối chiếu chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua cũng như Luật Khoáng sản và hướng dẫn của Bộ TNMT là chưa phù hợp theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh. Do đó, Phó Chủ tịch Võ Văn Phi yêu cầu Sở TNMT phải phối hợp với các đơn vị liên quan xác định thẩm quyền và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xác định sai thẩm quyền.
Ngoài ra, phải tiến hành đánh giá tác động khi sử dụng khối lượng vật liệu rất lớn dùng san lấp tại khu vực quy hoạch nhà ga T3 có hay không làm thay đổi tổng mức đầu tư Dự án sân bay Long Thành. Bởi việc này dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do khi thực hiện giai đoạn 2, Dự án sân bay Long Thành sẽ bị thiếu hụt hơn 5 triệu m3 vật liệu san lấp. Mặt khác cần đánh giá có hay không việc gây thiệt hại cho Dự án sân bay Long Thành.
Sau thời gian rà soát theo chỉ đạo, Sở TNMT đã báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về vấn đề này. Theo Sở TNMT Đồng Nai, để rà soát những vấn đề trên, Sở TNMT đã phối hợp Sở Tài chính, Sở Tư pháp, đại diện ACV và chủ đầu tư... thống nhất đề xuất một số nội dung. Trong đó, đối với việc xác định thẩm quyền, các đơn vị thống nhất báo cáo UBND tỉnh để trình Thủ tướng giao Bộ TNMT xác định thẩm quyền cho phép khai thác đất tại nhà ga T3 để làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo quy định của Luật Khoáng sản.
Về vấn đề đánh giá tác động khi sử dụng khối lượng vật liệu san lấp tại nhà ga T3 có làm thay đổi tổng mức đầu tư, có gây thiệt hại dự án sân bay Long Thành hay không, Sở TNMT cho rằng giai đoạn 2 của Dự án sân bay Long Thành chưa được cấp thẩm quyền duyệt, chưa xác định thời gian thực hiện. Do vậy, chưa có cơ sở để xác định việc khai thác khoảng 5 triệu m3 vật liệu san lấp từ nhà ga T3 làm thay đổi tổng mức đầu tư, hoặc gây thiệt hại đến việc thực hiện dự án. Trong khi đó để thi công giai đoạn 1 của dự án, đơn vị liên quan đã phải hạ thấp độ cao tự nhiên tại khu vực dự kiến làm nhà ga T3 trong giai đoạn 2.
Kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận phương án trên, Sở TNMT còn cho rằng, theo chủ đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các nguồn đất đắp từ các mỏ thương mại có khối lượng hạn chế, tính chất nhỏ lẻ nên đến nay các nhà thầu mới huy động được 50.000m3, tương đương 1,6% tổng nhu cầu. Việc chấp thuận chủ trương cho phép khai thác một phần diện tích khoảng 52ha tại khu vực 187ha quy hoạch xây dựng nhà ga T3 có rất nhiều lợi thế về thủ tục, chi phí, về thời gian do đây là đất công đang được UBND tỉnh Đồng Nai quản lý.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), việc thi công Dự án đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn thành phố có chiều dài hơn 47km cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu cát xây dựng. Đến gần đây, tổng khối lượng cát nhà thầu huy động mới chỉ đạt 400 nghìn m2, bằng 25% so với tổng nhu cầu cát cần huy động. Trong khi đó tổng nhu cầu sử dụng cát để xây dựng tuyến Vành đai 3 tại thành phố trong năm nay là 4,7 triệu m3, nguồn cát xây dựng này được dự kiến huy động từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.
Để phục vụ thi công, đến hết tháng 8 sẽ cần phải có 3,7 triệu m3 cát được huy động về các công trường. Trong số này, huy động từ tỉnh Vĩnh Long 0,7 triệu m3, huy động từ Tiền Giang 2 triệu m3 và huy động từ Bến Tre là 1 triệu m3. Riêng lượng cát do các nhà thầu tự huy động về công trường đạt 0,5 triệu m3. Như vậy trong thời gian chờ đợi các mỏ cát đắp nền được cấp phép từ 3 tỉnh trên, từ cuối tháng 6 đến tháng 8, các nhà thầu phải huy động 1 triệu m3 từ các mỏ đã được cấp phép và nguồn cát nhập khẩu.
Do nguồn cát từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre chỉ có thể cung cấp cho Dự án đường Vành đai 3, đoạn thuộc địa bàn thành phố từ cuối tháng 8 trở đi nên để đảm bảo khối lượng cát phục vụ thi công trong các tháng 7 và 8, Ban Giao thông đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương cho các nhà thầu thi công mua cát từ nguồn nhập khẩu.
Song, để nguồn cát nhập khẩu này có thể đưa vào thi công, UBND thành phố cần giao Sở Xây dựng đề xuất cơ chế, quy trình, phương thức thực hiện việc tính bù giá. Đồng thời tham mưu UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bù giá và phương thức bù giá cho khối lượng cát mua từ nguồn nhập khẩu.
Ngoài ra, trong trường hợp nguồn cát huy động từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre không đáp ứng đủ công suất khai thác, khối lượng yêu cầu, Ban Giao thông đề nghị một số vị trí thi công phải chuyển đổi các giải pháp xử lý đất yếu để đảm bảo đáp ứng tiến độ. Việc này cũng cần phải được UBND thành phố chấp thuận chủ trương.
Cát thiếu, nhưng việc sử dụng nguồn cát biển để thay thế được Ban Giao thông cho rằng, từ ngày 11/3 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để thông báo về việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông.
Trong đó Bộ GTVT nêu rõ: “Hội đồng cấp Bộ thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc với một số điều kiện như chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012; sử dụng cho nền đắp có độ chặt K95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm. Trước mắt nên xem xét sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp có độ chặt K95, nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải. Bên cạnh đó cần triển khai các giải pháp quan trắc môi trường để giám sát mức độ tác động trong quá trình thực hiện”.
Năm 2024 nguồn cát phục vụ thi công đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn thành phố đã khó khăn, thì sang năm 2025, dự án cần tiếp tục huy động thêm 5,7 triệu m3 cát từ 3 địa phương trên để phục vụ thi công. Vì vậy, ngay từ bây giờ việc huy động khối lượng cát đắp nền rất lớn này cần phải được bảo đảm một cách chắc chắn, nhất là về tính pháp lý trong khai thác để tránh bị động, tránh tình trạng nhà thầu phải thi công cầm chừng để chờ cát về công trường gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2026.