Những hạn chế về tính năng kỹ chiến thuật cũng như độ bền khung thân và chi phí bảo dưỡng đã khiến Không quân Nga quyết định thay thế MiG-29 bằng Su-30SM
Tiêm kích huyền thoại MiG-29 Fulcrum ra đời từ thập niên 1970 trong giai đoạn cao trào của chiến tranh Lạnh. Do được sản xuất với tư duy chuẩn bị cho chiến tranh quy mô lớn, chấp nhận tiêu hao nên có khá nhiều hạn chế.
Độ bền khung thân của MiG-29 chỉ được khoảng 1.500 - 2.000 giờ bay, mức rất thấp so với chiến đấu cơ hiện đại. Ngoài ra cũng phải nhắc đến việc động cơ RD-33 của nó vốn nổi tiếng có hiệu suất thấp khi thường xuyên phun khói mù mịt, tầm hoạt động của máy bay cũng khá hạn chế nhất là so với lãnh thổ rộng lớn của Nga.
Năng lực không chiến tầm xa của MiG-29 bị đánh giá chỉ ở mức trung bình, khả năng đánh đất yếu. Mặc dù phiên bản hiện đại hóa MiG-29SMT đã khắc phục nhược điểm này tuy nhiên chỉ có một lượng nhỏ được sản xuất trong khi chi phí vận hành vẫn chưa được tiết giảm.
Trước những vấn đề nêu trên và thực hiện chủ trương hiện đại hóa lực lượng tiêm kích trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo kế hoạch thay thế toàn bộ số tiêm kích MiG-29SMT của Trung đoàn số 14 bằng Su-30SM.
Trong giai đoạn trước mắt đơn vị sẽ vận hành cả hai loại chiến đấu cơ trên, tuy nhiên sắp tới toàn bộ trang bị của trung đoàn sẽ chỉ còn Su-30SM sau khi quá trình chuyển loại hoàn tất. Đây sẽ là trung đoàn tiêm kích tiền tuyến thứ ba của Nga dùng Su-30SM.
Bên cạnh đó, Trung đoàn không quân số 426 đóng ở Erebuni, Armenia đang vận hành các tiêm kích MiG-29S cũng sẽ huấn luyện chuyển loại lên Su-30SM, đánh dấu quá trình hoàn tất việc thay thế Su-30SM trong các đơn vị không quân tiền tuyến.
So với MiG-29 các thế hệ thì Su-30SM được đánh giá cao hơn nhiều ở khả năng không chiến cả tầm xa lẫn tầm gần nhờ được trang bị radar mạnh mẽ và độ cơ động cực kỳ linh hoạt dựa vào động cơ kiểm soát vector lực đẩy hai chiều.
Năng lực tấn công mặt đất bằng vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao của Su-30SM dĩ nhiên cũng "ăn đứt" MiG-29, nó còn sở hữu tầm hoạt động dài, tải trọng vũ khí lớn và đặc biệt là chi phí khai thác sử dụng tiết kiệm hơn đáng kể.
Số lượng tiêm kích MiG-29 dư thừa hiện chưa rõ sẽ được Không quân Nga xử lý ra sao, có thể chúng sẽ rút về các đơn vị ở tuyến sau, đồng thời cũng không loại trừ khả năng sẽ dùng để viện trợ cho các quốc gia "phên dậu" hoặc bán thanh lý giá rẻ.
Tùng Dương