Không chỉ ngũ cốc Ukraine, phân bón Nga cũng được "giải cứu"

Nga và Ukraine kí các thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về việc mở đường cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua biển Đen; cũng như dỡ bỏ các hạn chế với ngũ cốc và phân bón của Nga.

Washington Post ngày 22/7 cho biết, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc mở đường cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua biển Đen; cũng như dỡ bỏ các hạn chế với ngũ cốc và phân bón của Nga.

Không chỉ ngũ cốc Ukraine, phân bón Nga cũng được
Đại diện Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ kí thoả thuận tại Istanbul. Ảnh: TASS

Đại diện Nga tham gia lễ ký kết cùng Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, trong khi Ukraine cử Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Oleksandr Kubrakov.

Dù là các thoả thuận tách biệt, nội dung của chúng có tính gắn kết chặt chẽ, được Tổng Thư ký LHQ Guterres gọi là "Sáng kiến biển Đen".

Về ngũ cốc Ukraine, theo hãng tin AFP, các thoả thuận cho phép hoạt động xuất khẩu diễn ra tại 3 cảng của Ukraine là Odessa, Chornomorsk và Yuzhny.

Hiện nay, khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đang mắc kẹt tại các kho chứa. Reuter nói rằng các bên sẽ hướng tới mục tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn ngũ cốc Ukraine mỗi tháng.

Không chỉ ngũ cốc Ukraine, phân bón Nga cũng được
Khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đang mắc kẹt. Ảnh: Getty Images

Để tránh tốn thời gian, hoạt động rà phá bom mìn sẽ không được thực hiện, thay vào đó, tàu chở ngũ cốc Ukraine sẽ rời biển Đen dọc theo hành lang an toàn do các bên định sẵn. Chúng sẽ được hoa tiêu của Ukraine dẫn lối, nhưng các bên cùng tham gia giám sát.

Ngoài ra, một trung tâm điều phối chung dưới sự bảo trợ của LHQ sẽ được thiết lập tại thành phố Istanbul với đại diện của Nga và Ukraine. Cơ quan này có nhiệm vụ chính là kiểm tra để đảm bảo các tàu hàng tới và đi khỏi biển Đen không chở theo vũ khí.

Nga và Ukraine cũng đồng ý ngăn các đợt tập kích nhằm vào bất cứ tàu hàng hoặc cảng nào tham gia sáng kiến vận chuyển hàng hoá ở biển Đen, trong khi LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có mặt tại các cảng của Ukraine để phân định các khu vực được bảo vệ theo thỏa thuận.

Về nông sản và phân bón của Nga, theo RiaNovosti, các thoả thuận ở Istanbul có nội dung quy định trách nhiệm của LHQ trong đảm bảo dỡ bỏ mọi hạn chế trực tiếp và gián tiếp đối với hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón từ Nga sang các thị trường thế giới.

Từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu, Moscow bị hạn chế xuất khẩu nông sản và phân bón do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Không chỉ ngũ cốc Ukraine, phân bón Nga cũng được
Các thỏa thuận vừa kí kết cũng sẽ "giải cứu" phân bón Nga. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, song song với nỗ lực của LHQ, những ngày qua, Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo làm rõ rằng phân bón và "hàng hóa nông nghiệp" của Nga không bị hạn chế thương mại. Liên minh châu Âu (EU) cũng loại trừ trừng phạt lúa mì và phân bón Nga.

Dự kiến, các thoả thuận vừa được kí kết có hiệu lực 120 ngày, nhưng có thể gia hạn. "Hôm nay đã xuất hiện một ngọn hải đăng trên biển Đen", Tổng Thư ký LHQ Guterres nói. " Đó là ngọn hải đăng của hy vọng, ngọn hải đăng của niềm tin, ngọn hải đăng của sự cứu trợ với một thế giới đang cần nó hơn bao giờ hết".

Theo lời người đứng đầu cơ quan LHQ, việc các bên đạt thoả thuận sẽ cứu giúp "các nước đang phát triển bên bờ vực phá sản và những người dễ bị tổn thương nhất bên bờ vực của một nạn đói". "Nó sẽ ổn định giá lương thực toàn cầu vốn đã ở mức kỷ lục - một cơn ác mộng thực sự đối với các nước đang phát triển", ông Guterres giải thích thêm.

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường thế giới. Ngoài lúa mì, Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt, còn Ukraine là nhà cung cấp chính ngô và dầu hướng dương.

Việc nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine và Nga thiếu hụt khiến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, đồng thời kéo theo nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh thiếu ăn, từ đó có thể dẫn tới các bất ổn về chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) thông tin, 50 quốc gia, bao gồm có nhiều nước châu Phi và Trung Đông, nhập khẩu ít nhất 30% lúa mì từ Nga, Ukraine; trong đó 26 nước nhập tới trên 50% nông sản từ hai "vựa lương thực" thế giới này.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/khong-chi-ngu-coc-ukraine-phan-bon-nga-cung-duoc-giai-cuu-i661420/

Thiện Nhân / cand.com.vn