Ngũ cốc từ Ukraine đã có đường rời biển Đen?

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo nước này đã mở hai hành lang nhân đạo ở biển Đen và biển Azov, đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hàng hải.

RiaNovosti hôm nay (5/7) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, Nga đã mở hai hành lang nhân đạo phục vụ hoạt động đi lại của tàu bè dân sự ở biển Đen và biển Azov, đồng thời hoàn tất rà phá bom mìn xung quanh cảng Mariupol.

Ngũ cốc Ukraine đã có đường rời biển Đen? -0
Nga khẳng định tàu bè dân sự có thể đi lại an toàn theo hành lang trên biển Đen. Ảnh: TASS

"Một loạt biện pháp đang được thực hiện để đảm bảo an toàn hàng hải trong vùng biển của biển Đen và biển Azov", ông Shoigu nói thêm.

Nga hiện kiểm soát khu vực dọc biển Azov ở Ukraine và chiếm ưu thế quân sự vượt trội trên biển Đen.

Tại các khu vực cảng mà Ukraine kiểm soát bên bờ biển Đen, bao gồm cảng lớn nhất ở Odessa, Nga hối thúc đối phương khẩn trương rà phá bom mìn để đảm bảo an toàn cho các hoạt động đi lại của tàu bè.

Thông báo của ông Shoigu được đưa ra trong bối cảnh Liên Hợp Quốc (LHQ) và các quốc gia ở khu vực nỗ lực thiết lập hành lang an toàn nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng biển Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/7 xác nhận đang có các cuộc thảo luận với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiểm soát các eo biển kết nối biển Đen với các vùng biển quốc tế, về khả năng tìm kiếm một hành lang an toàn từ các cảng biển để nối lại xuất khẩu ngũ cốc.

Ông Zelensky cũng nói rằng, hiện có 22 triệu tấn ngũ cốc đang kẹt trong các kho ở Ukriane do chiến sự. "Chúng tôi dự kiến có khoảng 60 triệu tấn vào mùa Thu tới. Khi đó chúng ta có thể rơi vào một tình huống khó khăn, rất khó khăn", ông Zelensky cảnh báo.

Trước đó, trong bước đi thể hiện thiện chí, Nga tuyên bố rút lực lượng khỏi đảo Rắn trên biển Đen, cách thành phố Odessa của Ukraine chừng 35km, nhằm ủng hộ nỗ lực mở hành lang xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine của LHQ.

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, chiếm tới 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu. Bên cạnh đó, Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt, còn Ukraine là nhà cung cấp chính ngô và dầu hướng dương.

Việc nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine thiếu hụt khiến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, đồng thời kéo theo nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh thiếu ăn, từ đó có thể dẫn tới các bất ổn về chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/ngu-coc-tu-ukraine-da-co-duong-roi-bien-den--i659306/

Thái Hà / cand.com.vn