Khi nào khởi động đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM?

Dự án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố khởi động cách đây 12 năm, nhưng hiện dự án chưa thể triển khai và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM liên quan tới việc lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Theo đó, Sở GTVT đề xuất tiếp tục lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, kiến nghị TP về phương án đầu tư cho phù hợp.

Chờ phương án thu phí

img-bgt-2021-thu-phi-o-to-1-1660571640-width700height393
TP.HCM tiếp tục lập đề xuất dự án thu phí ô tô vào trung tâm

Theo Sở GTVT, dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm Thành phố nằm trong đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”.

Nhiệm vụ thu phí ô tô vào khu vực trung tâm đã được HĐND TP.HCM và UBND TP xác định thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 thông qua Nghị quyết 25 ban hành năm 2020 của HĐND TP và Quyết định 3998 năm 2020 của UBND TP.

Dự án cũng đạt được sự đồng thuận của đa số thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị của thành phố và hội đồng này đề xuất thực hiện theo hình thức đầu tư công khi được Sở GTVT tổ chức lấy ý kiến.

Sở GTVT cho rằng, dự án đã thống nhất về mặt chủ trương, vấn đề triển khai nghiên cứu thực hiện dự án nêu trên theo hình thức nào.

Cụ thể giao một đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong dự án sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách thành phố.

Theo Sở GTVT, việc này nhằm tránh dư luận phản đối tiêu cực và vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh (việc thu phí do cơ quan nhà nước thực hiện và chỉ thuê doanh nghiệp vận hành hệ thống).

Với sự cần thiết, cơ sở pháp lý, chủ trương của Chính phủ nêu trên và văn bản đề xuất của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (chủ đầu tư) về nội dung sơ bộ dự án và tự bỏ kinh phí để tham gia nghiên cứu, đề xuất dự án, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối, tham mưu UBND TP các hoạt động liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư; nghiên cứu quy định pháp luật liên quan, chủ động làm việc với nhà đầu tư để báo cáo và tham mưu UBND TP văn bản trả lời đề xuất của nhà đầu tư; đồng thời tham mưu hình thức đầu tư hệ thống thu phí phù hợp với quy định hiện hành về đầu tư.

Hạn chế ô tô, hạ tầng giao thông phải đồng bộ

Trao đổi với PV, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, về phương thức đầu tư dự án thì hình thức nào cũng được, tư nhân tham gia góp vốn sẽ đỡ cho ngân sách nhà nước. Quan trọng là đầu tư ra sao, quản lý thu chi thế nào.

“Khi tình trạng kẹt xe, xe cá nhân chiếm số lượng lớn như hiện nay thì việc sớm triển khai thu phí ô tô là cần thiết. Tuy nhiên, việc hạn chế ô tô phải đi đôi với hệ thống giao thông công cộng, tàu điện ngầm, metro, xe buýt đóng vai trò quan trọng, hạn chế mà không có phương thức thay thế thì không có ý nghĩa gì”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, mục đích thu phí để giảm ùn tắc giao thông trong khi giao thông công cộng chưa có phương tiện để thay thế, thì cần xác định việc thu phí không chỉ giảm ùn tắc mà là kiểm soát sự bùng nổ việc sử dụng xe cá nhân. Về góc độ kỹ thuật, giải pháp này hạn chế xe cá nhân, tạo sự bình đẳng cho mọi người sử dụng mặt đường khi tham gia giao thông. Nếu người dân sử dụng ô tô, chiếm dụng mặt đường lớn hơn xe máy thì cần phải thu phí để tạo sự công bằng.

Ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho biết về pháp lý dự án đã được HĐND TP, UBND TP thông qua. Dự án này đã được công ty ấp ủ nghiên cứu gần 13 năm nay vấn đề đầu tư theo hình thức PPP hay theo hình thức nào, thu như thế nào đều có phương án. Dự án đã sẵn sàng để khởi động. Tuy nhiên hiện dự án vẫn chưa thể triển khai do mới ở bước xin chủ trương, quay lại từ đầu như những lần trước.

Theo đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín quanh khu vực quận 1 và 3. Cụ thể, vành đai thu phí bắt đầu từ đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám - 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, một số cổng thu phí đặt tại các đoạn đường có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng là Cộng Hòa, Trường Sơn (quận Tân Bình).

Thời gian thu phí được tiến hành theo 2 khung giờ là từ 6 đến 9h và từ 15 đến 19h. Số tiền người dân phải trả khi lưu thông vào khu trung tâm là 40.000 đồng cho xe con tiêu chuẩn, 70.000 đồng cho xe tải và xe khách (kể cả xe biển xanh, nhằm bảo đảm sự đồng thuận của xã hội), không thu phí xe đi ra. Taxi có đăng ký tại TP.HCM được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe. Riêng xe buýt và các loại xe ưu tiên như cứu thương, cứu hỏa... sẽ được miễn phí.

Đỗ Loan / Báo Giao thông