Karaoke và những hiểm họa cháy, nổ

Lúc 20h30' ngày 6/9/2022, vụ cháy quán karaoke An Phú nằm trên địa bàn phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương xảy ra khiến 33 người thiệt mạng, 17 người khác bị thương. Đã đến lúc không thể chần chừ trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại những nơi này.

Trước đó, lúc 13h ngày 1/8/2022, tại số nhà 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội đã xảy ra vụ cháy quán karaoke khiến 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an Thành phố Hà Nội hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

1-1662652990037
Cảnh sát PCCC dùng xe thang giải cứu hàng chục người mắc kẹt trong đám cháy vào tối 6/9 tại vụ cháy quán karaoke phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: A.X

Hiểm họa lơ lửng

Từ những vụ cháy thảm khốc trên, các chuyên gia về lĩnh vực PCCC đánh giá hiểm họa cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ này còn rất nhiều bất cập, đồng thời chỉ ra những “điểm chết” luôn tiềm ẩn và lơ lửng, chực chờ.

Hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh tại các cơ sở karaoke không được đấu nối chắc chắn, gọn gàng, không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện. Chính vì vậy, nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện, quá tải điện của các cơ sở này là rất cao.

Với đặc thù kết cấu không gian kín, cách âm, nhiều thiết bị điện công suất lớn, lại sử dụng các vật liệu dễ bắt lửa, nên khi xảy ra hỏa hoạn các cơ sở karaoke, tốc độ cháy lan nhanh, mức độ tàn phá rất lớn.

Do tận dụng tối đa diện tích sàn cho kinh doanh nên các cầu thang bộ, hành lang thường chật hẹp, đường đi lại giữa các khu vực ngóc ngách, tối tăm. Nhiều công trình do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, do vậy cơ sở không đảm bảo số lối ra thoát nạn. Thậm chí có cơ sở chỉ có duy nhất một cầu thang thoát nạn hở bên trong nhà, không có lối ra mái, vì vậy khi có sự cố tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, việc thoát nạn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đa số các cơ sở kinh doanh karaoke đều là nhà ống nhiều tầng, thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, các khu vực bằng vật liệu dễ cháy. Nhiều nơi còn gắn biển hiệu, biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây cản trở khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, xe thang để cứu nạn và chữa cháy, khi xảy ra hỏa hoạn, công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn.

Cháy quán karaoke được đánh giá rất khó để dập tắt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phòng hát karaoke bị cháy, nổ là do thiết kế phòng hát không đảm bảo an toàn về PCCC. Đa phần các quán karaoke đều thiết kế phòng hát cách âm rất cao, không gian trong và ngoài đều kín. Điều này khiến người bên ngoài khó nhận biết đám cháy trong phòng hát và người bên trong phòng cũng không định hình được những mối nguy hại cháy, nổ bên ngoài.

Khi quán karaoke cháy sẽ vô cùng nguy hiểm. Điểm chung của các quán bar, karaoke, khách sạn… đa phần đều được chủ cơ sở thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa và trang trí nội thất thật sang trọng, bắt mắt để thu hút khách hàng. Quá trình tiến hành sửa chữa là một trong những mối nguy hại lớn dẫn đến cháy, nổ tại quán karaoke khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, hút thuốc, bật lửa khi làm việc. Cùng với đó, hiểm họa từ sự cố chập điện do các quán karaoke thường xuyên sử dụng công suất điện lớn cho hệ thống âm thanh, ánh sáng, biển quảng cáo…

Khi xảy cháy tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ  karaoke là cháy công trình, nhà, không gian kín; cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ luôn phải đối mặt trực tiếp với nhiều nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, như: các yếu tố sập đổ công trình, nguồn nhiệt cao đột ngột của ngọn lửa, thiếu oxy... Bên cạnh những tình huống nguy hiểm đó, phải kể đến hiện tượng có thể xảy ra là Backdraft - hiện tượng được xem là “sát thủ thầm lặng”, “nỗi kinh hoàng của lính chữa cháy”. Khi gặp tình huống này, mức độ nguy hiểm cho tính mạng của những người làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rất cao như vụ cháy tại Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 vừa qua khiến cho 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH đã hy sinh.

Nguy cơ là vậy song công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu; nhiều cơ sở không có phương án chữa cháy, thoát nạn theo quy định; nhân viên thường xuyên thay đổi, không được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa hỏa hoạn; người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết về PCCC; lực lượng chức năng thiếu sâu sát, thiếu cương quyết… nên chỉ cần một chút bất cẩn, cẩu thả thì sẽ phải trả giá đắt.

Không thể cứ mãi cảnh báo!

Các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi đi vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC theo tiêu chuẩn đã đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ những quy định này.

“Trên thực tế, đã có những quy định và tiêu chuẩn cho việc thiết kế và hệ thống PCCC tại các quán bar, karaoke. Điều kiện về PCCC với các cơ sở kinh doanh karaoke thường quy định rất nghiêm ngặt. Thông tư 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ về biện pháp đảm bảo an toàn PCCC&CNCH với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Tại Điều 5 Thông tư này nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/ NĐ-CP như sau: Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m³ trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC. Cụ thể, có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.

Đồng thời, phải có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hệ thống chống sét, hệ thống điện, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC” (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH).

“Thông tư 147/2020/TT-BCA cũng đã quy định cụ thể chi tiết điều kiện về đảm bảo PCCC. Với quy định tại các văn bản nêu trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ karaoke có nghĩa vụ đảm bảo an toàn PCCC theo đúng quy định. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải bảo đảm có khoảng cách an toàn PCCC với các công trình khác theo quy định của QCVN 06:2020/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình”. Khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tới trường học thực hiện theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường…

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, tại các cơ sở kinh doanh quán karaoke cần phải trang bị đầy đủ thiết bị phương tiện chữa cháy ban đầu, thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, tổ chức tuyên truyền kỹ năng PCCC&CNCH cho cán bộ nhân viên tại cơ sở cách xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra. Kiểm tra hệ thống điện định kỳ, tuyệt đối không tự ý đấu nối thêm các thiết bị gây chập cháy, quá tải, ngắt nguồn điện các phòng khi không sử dụng. Khi cải tạo sửa chữa phải đảm bảo an toàn về PCCC, chỉ được thực hiện việc sửa chữa khi công tác PCCC đã đảm bảo và thường xuyên có người giám sát việc thi công” (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH).

Không phải đến bây giờ những hiểm họa cháy, nổ từ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke mới được phân tích mà đã được mổ xẻ kỹ lưỡng, đề cập, phản ánh rất nhiều sau các vụ cháy từ nhỏ đến lớn. Sau mỗi vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, các cấp, các ngành đều khẩn trương có những văn bản chỉ đạo khắc phục hậu quả, tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao… Tuy nhiên, những tưởng sau khi bàng hoàng, hoảng hốt về mức độ của các vụ cháy, người dân sẽ ý thức hơn để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình, nhưng đáng tiếc, khi sức nóng của các vụ cháy lắng xuống thì hầu hết lại thờ ơ, coi thường, xem nhẹ việc PCCC. Do vậy, không khó hiểu khi sau những thảm họa cháy, nổ này thì những thảm họa cháy, nổ khác vẫn liên tục xảy ra, vẫn với những lý do... quá cũ.

Cũng từ sau những vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là thiệt hại về người, điều mà nhiều người quan tâm là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý ở đâu? Bởi khi ý thức PCCC của người dân còn hạn chế thì chế tài phải mạnh, quản lý phải thật nghiêm nếu không những vụ tai nạn như vậy sẽ mãi chỉ là bài học cảnh tỉnh mà không giải quyết triệt để được vấn đề. Các cấp thẩm quyền, cơ quan quản lý cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện này, không nên “đánh trống bỏ dùi” rồi một thời gian lại lơ là, lãng quên.

“Cẩn tắc vô áy náy” - cần có sự chuẩn bị một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong quản lý, điều hành, sự vào cuộc và ý thức trách nhiệm của người dân thì mới giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Dương Thiên Hương / CAND