Trên đường dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brasila, Brazil ngày 13 và 14.11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm 3 ngày tới Hy Lạp. Nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên dự kiến ký văn kiện hợp tác về giáo dục, vận tải và năng lượng.
Hy Lạp là một ưu tiên của Trung Quốc
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm Athens của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương và thúc đẩy động lực mới cho quan hệ Trung Quốc - Liên minh Châu Âu (EU) cũng như sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
“Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là nâng cấp hợp tác song phương bên trong tất cả các lĩnh vực, bằng cách làm sâu sắc thêm hợp tác trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng phạm vi đầu tư” - Chủ tịch Trung Quốc chia sẻ trong bài viết trên tờ Kathimerini hôm 10.11.
“Quan hệ với Hy Lạp là một ưu tiên của Trung Quốc. Họ tới và đầu tư vào Hy Lạp trong khi các bên khác tránh xa (trong cuộc khủng hoảng kinh tế)” - Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias chia sẻ hồi tuần trước.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra sau khi Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis dẫn đầu phái đoàn có hơn 60 doanh nhân tới Thượng Hải dự Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. Thủ tướng Hy Lạp cũng có ý định thăm Trung Quốc lần nữa vào tháng 4 tới.
Kể từ khi đắc cử Thủ tướng Hy Lạp hồi tháng 7, ông Kyriakos Mitsotakis tập trung vào đầu tư nước ngoài và tư nhân hóa nhằm khôi phục kinh tế Hy Lạp sau cuộc khủng hoảng 10 năm. Ông muốn đưa Hy Lạp trở thành trung tâm của đầu tư nước ngoài cũng như đưa nước này trở thành nền kinh tế hướng xuất khẩu do đó sẽ muốn đảm bảo sự đầu tư của Trung Quốc, theo SCMP.
Trước đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis tới Thượng Hải, ông Tập Cận Bình đã đề cập tới khả năng Hy Lạp “trở thành một trung tâm hậu cần” cho hàng hóa Trung Quốc xuất sang Châu Âu.
Giải bài toán về quan hệ với Trung Quốc
SCMP cho hay, các nhà ngoại giao Mỹ và EU thận trọng khi Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự quan tâm tới Hy Lạp, đặc biệt là liên quan tới sự tham gia vào đầu năm nay của Athens vào nền tảng hợp tác “17+1” do Bắc Kinh dẫn đầu. Nền tảng này có sự tham gia của các quốc gia Đông và Đông Nam Âu là thành viên của EU hoặc không thuộc EU.
Một quan chức EU giấu tên nói rằng, Trung Quốc “có thể đề nghị Hy Lạp đóng vai trò lớn hơn trong việc hợp tác ở 17+1 vì một số bên Châu Âu tham gia sáng kiến đã hững hờ với nó”, phần đa là do cảm thấy ít lợi ích tài chính.
Plamen Tonchev - lãnh đạo bộ phận Châu Á tại Viện Quan hệ Kinh tế quốc tế ở Athens cho biết, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis coi nền tảng hợp tác “17+1” là con đường để Hy Lạp giành lại vai trò tại Đông Nam Âu và đặc biệt là ở tây Balkan.
Một cố vấn trong chính phủ của ông Kyriakos Mitsotakis nói rằng, từ góc độ của Athens, vấn đề chính là tạo ra sự cân bằng giữa việc dựng quan hệ thương mại và đầu tư tốt hơn với Trung Quốc đồng thời tránh “chỉ lối” cho Bắc Kinh vốn đang tìm cách thúc đẩy lợi ích địa chiến lược ở Đông Âu.
Hy Lạp đã và đang xây dựng mối quan hệ thương mại ngày càng chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, kể từ thỏa thuận năm 2008 của chính phủ tiền nhiệm nhằm nhượng 2 cảng container ở cảng Piraeus cho hãng Cosco của Trung Quốc theo hợp đồng thuê 35 năm. Năm 2016, Cosco tiếp quản quyền quản lý cảng Piraeus và cảng container còn lại tới năm 2052.
Theo SCMP, giới chuyên gia tiết lộ, Hy Lạp nhận được chưa đầy 1% tổng đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu. Thêm vào đó, việc Bắc Kinh đang mở rộng kiểm soát và tham vọng đưa Piraeus thành cảng container sầm uất ở Địa Trung Hải cũng làm dấy lên những quan ngại.
Thịt lợn đắt đỏ, doanh nghiệp TQ dùng làm phần thưởng nhân viên |
Donald Trump cáo buộc Trung Quốc lừa dối, cả nước Mỹ nóng rực |
Quan hệ Mỹ - Trung chưa rõ ràng, giá vàng đứng ở ngưỡng thấp |