Hút máu dòng sông

“Chúng nó sục ống hút cát vào gần chỗ này này”, ông Bình chỉ xuống mép bờ sông đang lở. Mấy cây chuối đã trổ buồng ngả nghiêng chỉ chực chờ trôi theo dòng nước. 

 

Trước năm 2016, đất bãi bồi của làng Bắc Sơn, xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình còn cách chỗ tôi và ông Bình đứng đến 20 mét. Người Bắc Sơn bao đời, trỉa ngô, trồng dâu, trồng chuối trên mảnh đất ấy. Nhưng đến năm đó, những thân chuối sắp đậu buồng, những ruộng ngô hôm trước còn trổ cờ, hôm sau đã trôi theo dòng nước. Mỏ cát – mỏ vàng dưới đáy sông thu hút từng đám tàu không số kéo đến cắm vòi hút cát như đỉa hút máu người.

Đã có thời, cậu bé Bình cùng đám trẻ chăn trâu vừa chạy vừa ròng một cuộn dây diều cũng chưa hết bãi. Bây giờ, không đứa trẻ Bắc Sơn nào dám bơi qua sông Hồng nữa. Chúng không biết lòng sông đã sâu đến mức nào.

Trước chúng tôi, đôi chiếc xà lan chở cát đầy ú ụ chạy ngang qua. Người đàn ông 50 tuổi cứ đứng nhìn theo cho đến khi chúng khuất hẳn.

Trong quá trình thực hiện bài viết về nạn cát tặc trên sông Hồng, tôi gặp những người không ngủ khi nghĩ về số phận của dòng sông. Bà Thảo, ở xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ của Hà Nội mất ngủ từ những đêm hè 2017. Trong đêm, người phụ nữ choàng dậy khi cảm nhận được căn bà ba gian nằm sát chân đê rung lên từng chặp. Ngoài kia, động cơ của những chiếc tàu hút cát sát mép sông đang kêu xình xịch. Bà hô hoán hai đứa cháu trai cùng vợ chồng con gái dậy. Năm người chạy ra khỏi nhà, rồi cứ ngồi ngoài sân cho đến khi những chiếc tàu hút cát rời đi.

Những người dân sống ven sông như bà Thảo bây giờ "thấy sợ hãi" trước con sông Hồng. Đoạn đê của xã chạy qua nhà mới kè năm ngoái, năm nay đã lở một phần ba. Bà Thảo thấp thỏm không biết khi nào đến lượt ngôi nhà của mình. Bà chỉ những vết nứt trong căn nhà ba gian đã mấy năm không dám sửa. "Chắc chúng nó cứ thế hút cho đến khi lở nhà, trôi đập, vỡ đê, nước tràn xuống tận Trung ương thì các bác mới dẹp yên được", con gái bà nói.

Ngày 24 tháng 2 năm 2020, Nghị định 23 ra đời quy định khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi. Trong đó có rất nhiều quy định xa xỉ - những thứ mà dân sống đôi bờ sông Hồng hay nhiều con sông ở Việt Nam, như ông Bình hay bà Thảo từng không tin là có tồn tại.

Lần đầu tiên, việc khai thác cát sỏi ban đêm bị cấm, chỉ được phép từ 7h sáng đến 5h chiều. Người khai thác phải xác định ranh giới, cắm mốc và đăng kí tên, loại phương tiện dùng để vận chuyển cát sỏi. UBND cấp tỉnh sẽ đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông. Muốn khai thác cát ở nơi tiếp giáp hai địa phương, thì tỉnh này phải lấy ý kiến và được chấp thuận bằng văn bản của tỉnh kia. Khi vận chuyển cát trên sông, chủ phương tiện phải mang theo giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cát sỏi.

Tôi không biết phải lựa chọn thái độ nào trong ngày Nghị định 23 này ra đời. Đây là năm 2020. Hàng trăm triệu mét khối cát đã bị lấy đi khỏi các lòng sông suốt hơn hai thập niên qua. Không ai dám chắc trong đó có bao nhiêu phần trăm là hợp pháp, và bao nhiêu phần trăm hợp pháp là hợp lý, hay chỉ là những khoảng mờ mà luật pháp chưa chạm đến. "Cát tặc" - một từ ghép vô nguyên tắc của giới truyền thông chúng tôi - với một chữ thuần Việt và một chữ Hán Việt, chủ yếu gọi cho leng keng, đã phổ biến đến mức sắp đi vào từ điển đến nơi. Vì chúng ở khắp nơi, ngang nhiên và đôi lúc tàn bạo. Thế mà giờ chúng ta có nghị định chi tiết về việc này.

Tôi không biết nên vui vì luật đã theo kịp cuộc sống; hay nên buồn vì đến bây giờ luật mới đuổi đến cuộc sống?

Nghị định ra đời căn cứ vào 11 luật cùng với đề nghị của người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường. Trước đó, việc khai thác cát sỏi dưới lòng sông được điều chỉnh bởi một tá luật với sự chồng chéo chức năng của nhiều bộ ngành.

Sự chồng lấn trong quản lý đã giúp "cát tặc" lộng hành nhiều năm. Trong vòng mười lăm năm, từ 1997 đến 2012, gần 244 triệu mét khối cát đã bị lấy đi khỏi lòng sông. Nhiều nhất từ ngã ba Việt Trì đến ngã ba tam tỉnh Hưng Yên – Hà Nam – Thái Bình. Tính riêng đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, 35 triệu khối cát đã bị mang đi trong năm 2011. Những thống kê tôi tìm thấy khá cũ và không liên tục: đây không có vẻ là một hoạt động được ưu tiên nghiên cứu. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, là chúng ta có quy định về khai thác cát khi đã... gần hết cát.

Đi dọc sông Hồng từ Thái Bình, qua Hưng Yên về tới Hà Nội, đến đâu bạn cũng có thể nhìn thấy một mảnh vườn đang lở xuống sông, một phần chân đê đã trôi theo dòng nước. Và những người già như ông Bình, bà Thảo nhớ rõ cái ngày mà bãi bồi làng mình biến mất.

Họ, bằng những "vũ khí" thô sơ đương đầu với "cát tặc", trước khi Nghị định ra đời. Người dân Phú Thọ dựng lán tre ăn ngủ, đánh trống trước trụ sở uỷ ban xã để để phản đối tàu hút cát khiến hoa màu, đất nông nghiệp bị tụt xuống dòng sông Chảy. Người dân thị xã Hương Trà của xứ Huế tự đóng những hàng cọc tre dài 20 mét trên sông Bồ, thân tre nhô lên mặt nước ngăn tàu hút cát đi lại. Xuôi về phương Nam, những bà má xứ dừa Bến Tre ngót nghét 70 tuổi vẫn chế ná thun, sắm ghe truy đuổi cát tặc trên sông Tiền.

Đã có thời, ông Bình cùng những người đàn ông Bắc Sơn đêm đêm phục kích trong những căn lều dọc vườn chuối ngoài bãi. Họ tích trữ từng đống gạch ném xuống sông, xua doạ tàu hút cát. Ông bảo đất "công thổ quốc gia" nên càng phải giữ. Nhưng cuối cùng, thì gạch đá và những đêm mất ngủ cũng chẳng ăn thua. Đội chống cát tặc giờ không hoạt động nữa khi những con tàu no nê cát đã rời đi, "cũng chẳng còn bờ bãi mà giữ nữa".

Đây không chỉ là câu hỏi về khai thác cát, mà có lẽ trong đời mình, rất nhiều lần khi bạn nghe về một quy định mới, bạn sẽ tự hỏi rằng mình nên vui hay nên buồn? Vui vì luật đã theo kịp cuộc sống; hay buồn vì đến giờ này luật mới bén gót được cuộc sống?

Hoàng Phương

Dân thấp thỏm sống với nguy cơ lở núi
Đường dẫn lên cầu vượt cao tốc 34.500 tỷ sụt lún, nứt toác chỉ sau trận mưa
Sóng đánh gây sạt lở gần một km bờ biển
Kè chống sạt lở chưa hoàn thành đã hư hỏng

 

/ vnexpress.net