Diệu Linh rửa bát xong thì lặng lẽ vào phòng, cầm cuốn “Hồng nhan đa truân” lên. Cô lần giở lại lướt lướt, rồi lại đặt cuốn sách xuống, trong lòng ngổn ngang những suy.
Hồng nhan đa truân (Kỳ 2)
Ông Cường về đến nhà thì Bình đã làm cơm xong. Thằng cháu ngoại mới hơn ba tuổi, lăn xả vào lòng ông. Nó cầm ... |
Hồng nhan đa truân (Kỳ 1)
Buổi chiều, tại nhà đạo diễn Huy Cường. Đó là một căn nhà ba tầng nhỏ, nằm ở mặt phố, nhưng rất hẹp. Phía bên ngoài ... |
Diệu Linh:
- Gớm, lo giữ gìn nhan sắc quá.
Nhân cười:
- Em mà đẹp như chị thì chẳng cần phải tập tành làm gì.
Thấy Hương ăn cơm gần xong, Diệu Linh nhắc:
- Con ăn xong thì con phải làm gì?
Bé Hương nói:
- Dạ, con tập viết chính tả ạ.
Diệu Linh lại hỏi tiếp:
- Rồi sau đó con sẽ làm gì?
Bé Hương lại trả lời:
- Con tập đàn 30 phút ạ.
Diệu Linh vẫn chưa buông tha:
- Rồi sau đó con lại làm gì tiếp?
Bé Hương thừ người ra, nhìn đồng hồ rồi trả lời:
- Đàn xong… cũng muộn rồi, con đánh răng rồi đi ngủ.
Diệu Linh bật cười và bảo:
- Thế là con quên rồi. Con còn một việc nữa là bóp đầu cho mẹ.
Bé Hương “à” lên một tiếng.
- Con quên mất. Thế bây giờ ăn cơm xong thì mẹ làm gì?
Diệu Linh thừ người ra, rồi bảo:
- Có lẽ hôm nay mẹ lại ngồi thiền.
Bé Hương nói:
- Mẹ ngồi như thế mà không biết chán à? Con tập ngồi như mẹ chỉ được một tý thôi là như có con gì bò ở người ấy, ngứa lắm.
Diệu Linh bật cười, rồi nói với con gái:
- Cái gì cũng phải tập luyện con ạ. Ngày xưa, mẹ tập ngồi thiền vất vả lắm. Lúc ấy, con còn trong bụng mẹ.
Bỗng bé Hương nói với mẹ:
- Mẹ ơi, cô giáo nhắc con phải đi học thêm tiếng Anh? Bây giờ bạn nào cũng đi học thêm tiếng Anh mẹ ạ.
Diệu Linh nhăn mặt:
- Mẹ sẽ nói chuyện với cô giáo con. Mẹ nghĩ rằng con còn nhỏ thế này, mới bắt đầu đi học thì tốt nhất là cứ học và đọc tiếng Việt, viết tiếng Việt cho đúng chính tả, cho thành thạo đã, rồi sau đó hãy nghĩ đến học tiếng Anh.
Bé Hương xịu mặt xuống và nói:
- Nhưng các bạn con bảo không đi học thì cô giáo không bằng lòng.
Diệu Linh thần người ra trước câu nói của con.
Cô hơi gật đầu, rồi bảo:
- Chuyện này mẹ biết. Bây giờ, con đi học không phải là học cho con, mà là học cho cô giáo. Nhưng thôi, mẹ sẽ nói chuyện với cô giáo. Mẹ thấy lúc này con chưa cần thiết phải đi học tiếng Anh.
Ăn xong, Diệu Linh lẳng lặng đi rửa bát còn bé Hương ngồi vào bàn học.
Diệu Linh rửa bát xong thì lặng lẽ vào phòng, cầm cuốn “Hồng nhan đa truân” lên. Cô lần giở lại lướt lướt, rồi lại đặt cuốn sách xuống, trong lòng ngổn ngang những suy nghĩ: “Chẳng hiểu thiên hạ khi đọc cuốn tự truyện này nghĩ về mình như thế nào nhỉ? Chắc chắn là sẽ không ít người bảo rằng: Ôi, cái con hoa hậu này bây giờ lại đua đòi viết với lách. Mà cũng sẽ không ít người nghĩ rằng mình chỉ viết theo kiểu gạch đầu dòng và sẽ có một gã nhà văn nào đó viết thêm cho mình. Cuộc đời buồn thật. Bây giờ muốn sống lương thiện, trong sáng xem ra cũng khó”.
Diệu Linh bỗng hình dung ra khuôn mặt ông Cường và tự hỏi không biết ông này khi đọc xong sách của mình sẽ nghĩ gì. Cô tưởng tượng ra khuôn mặt ông Cường mà cô đã nhiều lần thấy trên tivi. Đó là một khuôn mặt xù xì, xấu xí, thô kệch và đặc biệt là trông rất gớm ghiếc bởi có một vết sẹo chạy chéo từ trán xuống đến tận chân mày. Có người nói vết sẹo đó ông bị thương khi đi quay phim ở chiến trường năm 1972. Do không được chữa trị kịp thời nên vết thương nhiễm trùng và để lại trên mặt ông một vết sẹo khủng khiếp như thế. Cô cũng biết về ông Cường một chút, rằng ông là một đạo diễn giỏi, có nhiều phim danh tiếng, nhưng người ta không thích vì khuôn mặt dị dạng của ông.
Linh gấp cuốn sách lại, trải tấm đệm dưới bàn thờ Phật. Gọi là bàn thờ Phật nhưng thực ra đó chỉ là một cái bàn nhỏ, có đặt một bức tượng Phật bà Quan âm. Linh ngồi khoanh chân theo thế kiết già, nhìn chăm chăm vào bức tượng Phật và bắt đầu niệm. Miệng cô lẩm nhẩm đọc và tự nhiên trước mắt cô như hiện lên cảnh một dòng sông đang chảy… và trên dòng sông là những cụm bèo trôi.
***
Đêm hôm ấy, ông Cường đọc hết cuốn tự truyện và bỗng dưng trong lòng thầm nghĩ: “Nếu như cuốn này chuyển thành kịch bản phim thì sẽ là một bộ phim hay đây”.
Sáng hôm sau, chuẩn bị đồ ăn sáng cho Thành xong, ông đi đến một quán cà phê - nơi các đạo diễn, biên kịch hay ngồi tụ tập. Ông cầm theo cuốn tự truyện.
Ông gọi một ly cà phê, ngồi nhâm nhi. Thỉnh thoảng có những người đi qua và chào ông.
Một nhà biên kịch trẻ là Trần Hùng đến.
Hùng trông thấy ông thì nói như reo lên:
- Ôi, cháu chào chú. Lâu lắm mới thấy chú đến quán cà phê này.
Ông Cường kéo ghế cho Hùng ngồi, rồi bảo:
- Ngồi đây uống ly cà phê đã. Dạo này có viết được gì mới không?
Hùng nhún vai:
- Nói ra thì thật xấu hổ. Vài tháng cháu lại đẻ ra được một kịch bản. Phim ngắn cũng có, phim dài cũng có. Nhưng chủ yếu là theo yêu cầu của các hãng phim tư nhân. Họ đặt mình viết, viết xong thì ném cho họ. Họ trả cho được đồng nào hay đồng ấy. Nhưng mà viết xong, nhiều khi đọc lại cũng thấy ngượng chú ạ.
Ông Cường nói:
- Ngượng thế thì viết làm gì?
Hùng thở dài, nét mặt dại đi:
- Chú ơi, không viết thì lấy gì mà ăn. Lương bổng bây giờ như thế thì cũng phải cố cày cuốc, kiếm đồng ra đồng vào. giá kịch bản bây giờ cũng bèo bọt lắm. Như phim vừa rồi của cháu, khi viết xong, đưa cho làm phim, bán được ít tiền, đến lúc xem phim không nhận ra kịch bản của mình nữa. Đạo diễn thay đổi lung tung, đổi cả lời thoại, đổi cả nhân vật, rồi thêm nếm đủ mọi thứ vào. Phim của cháu viết có 15 tập mà họ kéo thành 25 tập. Đến lúc chiếu duyệt phim, cháu ngượng quá, phải bảo là các ông đừng đưa tên tôi vào.
Ông Cường thở dài:
- Đấy mới là bi kịch cho những người làm phim bây giờ. Không có kịch bản hay thì lấy đâu ra phim hay. Nhưng tác giả kịch bản thì họ có coi ra gì đâu. Viết một tập phim, nhuận bút được dăm triệu bạc. Cái nào khá thì được bảy triệu. Thế là ác rồi. Mấy giải thưởng của Nhà nước về phim ảnh, có bao giờ nhắc đến biên kịch đâu.
Trần Hùng xua tay:
- Thôi, chú ơi. Nói làm gì cái thứ giải thưởng của Nhà nước về phim ảnh. Mà chú có cuốn sách gì thế này?
Hùng nhìn vào cuốn sách ông Cường đang cầm trên tay như dò hỏi.
Ông Cường đưa cuốn sách cho Hùng và nói:
- Hôm nay chú đến đây cũng là để tìm gặp cháu. Đêm qua chú đã đọc hết cuốn tự truyện này. Mà cháu phải biết rằng, chú đã đọc cuốn này trong một đêm thì nó là phải thế nào đấy?
Hùng nhìn cuốn sách, rồi nói:
- Sách Tàu ạ? Sao có cái tên lạ thế này?
Ông Cường nói:
- Không. Sách Việt Nam. Tác giả của cuốn sách này là một cô hoa hậu. Cuộc đời bầm dập quá. Cô ấy đã viết lại cuộc đời mình. Chắc là chỉ một phần thôi, nhưng đọc cực kỳ thú vị, rất xúc động. Chú thấy hoàn toàn có thể chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình dài tập được. Chính vì thế mà chú đến đây tìm cháu.
Hùng giở lướt qua và nói:
- Cháu tưởng đứa nào, chứ cái con bà cô này thì cháu lạ gì. Nó có mà cả trăm thằng. Đạo đức gì cái thứ này đâu. Chẳng qua là bây giờ cuộc đời đày đọa quá nên ngồi kể lại. Những loại này làm gì biết chữ. Chú lạ gì bọn người mẫu, hoa hậu. Toàn bọn chân dài, óc ngắn, viết lách thế nào được. Đấy, như mấy con vừa rồi viết sách toàn tình yêu, mà tình dục là chính. Viết xong nhờ mấy thằng báo lá cải lăng xê. Rồi không khéo là chúng nó nhảy vào Hội Nhà văn ngồi lúc nào không biết. Thôi, chú đừng tin. Còn ả hoa hậu này - Hùng đổi giọng - Thưa với “cụ” là “cụ” không biết gì về giới này đâu. Nó là đứa mà có thể nói rằng là tội ác đầy mình. Nó có ba đời chồng thì cả ba thằng đều vào tù, ra tội và rồi đều chết bất đắc kỳ tử. “Cụ” bảo có loại đàn bà nào như thế bao giờ? Thằng chồng thứ ba của nó, Phó chủ tịch quận hẳn hoi, chỉ vì uất ức vì vợ đi với giai mà treo cổ tự tử?
Ông Cường cười buồn và bảo:
- Thì anh cứ đọc đi đã.
Cô phục vụ mang ly cà phê đến.
Hùng tợp một ngụm cà phê, rồi nói:
- Thôi, con xin “cụ”. Nhắc đến bọn này là con đã ức chế đến tận cổ rồi còn viết lách gì nữa.
Ông Cường nói nghiêm giọng:
- Ô hay, anh lạ nhỉ? Anh là người biên kịch, là nhà văn. Anh cứ đọc của người ta đi, xem ra thế nào rồi hãy phán xét. Với tất cả hiểu biết của chú thì chú thấy cuốn tự truyện này đáng để chuyển thể thành kịch bản.
Trần Hùng lắc đầu và nói luôn:
- Cháu nói thật với chú nhé. Bây giờ mà chú viết kịch bản phim về con bà cô này, lấy những chi tiết trong cuốn sách này để làm phim thì thưa với chú, chỉ cần báo chí biết, thì nó đào bới tam, tứ đại đồng đường nhà chú lên. Không đùa được đâu ạ.
Hùng càng nói, giọng điệu càng chao chát:
- Chú ơi, cái tạng làm phim “bác học” của chú không làm nổi phim về giới người mẫu, giới ngôi sao này đâu. Xã hội bây giờ phức tạp lắm.
Hùng cười hì hì, rồi nói tiếp:
- Chú có biết anh em chúng cháu gọi chú như thế nào không?
Ông Cường hỏi:
- Chúng mày bảo tao thế nào?
Hùng lại đổi giọng:
- Con nói “cụ” đừng giận nhé. Bọn chúng con xem phim của “cụ” và bảo “cụ” đúng là “hài cốt” cách mạng, “cụ” là “tàn dư” của chế độ xã hội chủ nghĩa thời bao cấp. “Cụ” cứ cố níu kéo lấy những điều tốt đẹp. Nhưng thưa “cụ”, thời buổi bây giờ khác lắm rồi. Không níu kéo được đâu, không giữ được đâu. Xã hội đang lộn tùng phèo cả lên. Cho nên tốt nhất là “cụ” chớ có dây vào thứ kịch bản này. Nói thật nhé, thần kinh của “cụ” không đủ vững để đối phó với cái mồm của bọn báo chí bây giờ đâu. Nó nói phải thành phải, nói trái thành trái. Chưa biết chừng chỉ cần bây giờ chúng nó thấy “cụ” cầm cuốn sách này đi ra đường, chúng nó chụp được bức ảnh và sẵn sàng tung lên rằng: “Đạo diễn Huy Cường phải lòng hoa hậu Vũ Thị Diệu Linh và đi đâu cũng mang cuốn sách theo”.
Ông Cường ngạc nhiên nói:
- Cậu nói thế nào ấy chứ. Báo chí mà như thế thì còn ra gì nữa.
Hùng cười khẩy, rồi lại chao chát:
- Con biết ngay mà. Biết ngay là “cụ” là người ở trên trời rơi xuống, là người ở hành tinh khác, là động vật quý hiếm còn sót lại từ thời xã hội chủ nghĩa. “Cụ” có hiểu biết gì thời cuộc đâu. Con hỏi “cụ”, hằng ngày “cụ” lên mạng bao nhiêu lần?, “cụ” có facebook, có blog không?
Ông Cường nói:
- Không. Tôi có blog, nhưng chỉ để trao đổi về các vấn đề học thuật và làm phim thôi.
Trần Hùng nói:
- Cụ phải chịu khó vào xem các báo điện tử... Đây, con mở cho “cụ” xem nhé.
Hùng mở cặp, lấy ra chiếc iPad, mở một trang báo điện tử cho ông Cường xem:
- “Cụ” thấy chưa? Đây, “cụ” đọc tin này đi. Một con người mẫu mặc váy có hơi chật một tý cũng bị đưa lên báo. “Cụ” thấy chưa? Đây. Lại còn thằng ca sĩ này nữa. Đang ngồi uống cà phê với một cô bạn gái nào đấy là đã thành nghi án thằng này có bồ mới.
Ông Cường thở dài và bảo:
- Xâm phạm đời tư thế này thì sợ thật? Nhưng này, tôi hỏi cậu: “Chẳng lẽ báo chí mình cứ xâm phạm đời tư người ta thế này à?”.
Hùng phì cười:
- Đấy. Con nói “cụ” có sai đâu. “Cụ” đúng là người ở hành tinh khác. À không, “cụ” là người của hành tinh xã hội chủ nghĩa ngày xưa rơi xuống đất nước Việt Nam hôm nay. Thưa “cụ”, Luật Báo chí có ghi là không được xâm phạm đời tư công dân. Nhưng đời tư là cái gì thì có ai biết đâu? Ai biết thế nào là đời tư, đời tư gồm những gì? Thế nên báo chí tha hồ réo, tha hồ chửi, tha hồ bới móc. Nhưng lại có một cái bi kịch là bọn showbiz này, bọn tài hèn đức mỏng, chân dài óc ngắn này lại cần nhờ những báo chí như thế này để được nổi tiếng. Mà có nổi tiếng thì mới có tiền. “Cụ” thấykhông, con ca sĩ Hoàng Thùy ấy, chẳng ai biết tên tuổi là thứ gì, hát có khi còn chưa đủ tròn vành, rõ chữ, xướng âm có khi là “ si móc… moi, gạch nhịp”, nhưng chỉ nhờ đóng một bộ phim sex với thằng người yêu rồi đưa lên mạng, thế là thành nổi tiếng. Bây giờ xem ra lại đắt sô, nơi này mời, nơi kia chào. Thậm chí lại còn có tổng công ty vừa rồi tổ chức đại hội cổ đông cũng đưa nó lên hát. Thời buổi bây giờ là vậy.
Ông Cường nhăn mặt:
- Trời ạ. Cậu nói thế nào ấy. Tôi không thể nghe được. Vụ con ấy tôi biết. Nhưng tại sao đại hội cổ đông lại đưa nó lên hát là thế nào?
- Thì thế.
Hùng bĩu môi:
- Thế mới là cuộc đời ngày hôm nay. Thôi, con phải đi đây. Còn cuốn tự truyện này, con khuyên “cụ” là quên nó đi. Đọc cho vui thì được, chứ đừng có dây vào bọn này.
Hùng đứng dậy, gọi cô phục vụ ra trả tiền.
Ông Cường ngăn lại:
- Không. Để đấy tôi thanh toán.
Hùng cười hì hì và bảo:
- Thôi, hôm nay bố để cho con thể hiện một tý.
Hùng thanh toán tiền xong rồi đi.
Vừa lúc ấy có một nhà biên kịch khoảng hơn 50 tuổi đến. Đó là Kiên.
Ông Cường mời:
- Này, anh ngồi đây với tôi một lát. Tôi có chuyện muốn nói với anh.
Kiên rút thuốc hút, rồi nói với giọng hờ hững:
- Dạo này anh sống thế nào?
Ông Cường nói:
- Vẫn thế. Chẳng công ăn việc làm gì. Sống bằng đồng lương hưu, mỗi tháng được gần sáu triệu. May mà có thằng con làm công ty phần mềm nó cũng kiếm ra được. Đứa con gái làm giáo viên chắc là bóp nặn của học sinh được hay sao mà thỉnh thoảng cũng dúi cho ít tiền.
Ông Kiên hỏi:
- Lâu nay anh cứ như ẩn dật ấy. Nhiều lúc anh em bảo hay là anh đi tu, chẳng thấy làm phim gì nữa.
Ông Cường cười buồn:
- Ừ. Có kịch bản đâu mà làm phim.
Ông Cường cầm cuốn tự truyện đưa cho Kiên và hỏi:
- Cậu đọc quyển này chưa?
Kiên lật cuốn sách từ trước ra đằng sau và nói:
- Nghe cái tên sến quá. Cũng là loại sách lá cải phải không anh?
Ông Cường nói:
- Lúc đầu tớ cũng nghĩ như cậu. Nhưng đến khi đọc thì thấy nó không phải là lá cải. Mà là cây gỗ quý đấy.
Kiên giật mình:
- Làm gì mà anh đánh giá cao thế? Mà em thấy cái tên này quen quen.
Ông Cường nói:
- Cậu thử nghĩ xem, quen là quen ở đâu?
Kiên mở máy tính xách tay ra, cắm USB 3G để truy cập mạng, rồi một lát sau nói:
- À, cái tên này. Đây là một con hoa hậu. Ngày xưa nó có hai biệt danh. Biệt danh thứ nhất là Linh “Jolie”. Bác giỏi tiếng Pháp thì bác biết “Jolie” là thế nào rồi đấy. Còn biệt danh thứ hai là Linh “sát thủ”, nghĩa là nó yêu ai, nó sống với thằng nào là thằng ấy chết bất đắc kỳ tử.
Ông Cường:
- Tôi cũng biết điều đấy, nhưng mà thế này, ta nói chuyện nghiêm túc đi. Cậu mang cuốn sách này về đọc cho đến nơi đến chốn, rồi sau đó chúng ta sẽ nói chuyện. Tôi muốn cậu chuyển thể từ cuốn tự truyện này thành một kịch bản phim truyền hình dài tập. Tôi nghĩ cuốn này có thể được 35-40 tập đấy. Tôi nói để cậu biết, tôi là con mọt sách và đọc sách rất kén. Nhưng đêm hôm qua tôi đã đọc một hơi hết quyển này thì không phải là chuyện đùa. Sáng nay, tôi ôm cuốn sách đến đây để tìm các cậu. Tôi vừa gặp thằng Hùng. Nó chửi con bé tác giả cuốn này không còn thiếu từ ngữ nào và đến bây giờ thì gặp cậu.
Kiên nhìn ông bằng ánh mắt thương hại, rồi nói:
- Em hiểu ý ông anh, nhưng ông anh thông cảm cho em. Em đang được Hà Nội giao làm một phim về lịch sử thủ đô. Bây giờ em mà dây vào việc chuyển thể tiểu thuyết này thành kịch bản thì chỉ riêng chuyện báo chí réo chửi bới móc thì em cũng đã chết rồi. Mà anh thấy đấy, quan chức bây giờ ít biết suy xét lắm. Họ cứ thấy báo chí nhắc đến tên ai là run bần bật. Phim lịch sử này, nói thật với anh, nếu suôn sẻ thì em kiếm cũng được vài trăm triệu. Nên thôi, ông anh thông cảm cho em.
Ông Cường cười buồn, rồi bảo:
- Thế thì chán nhỉ. Kiểu này có khi tớ phải tự viết thành kịch bản.
Kiên nói:
- Nếu anh muốn viết thành kịch bản thì có khó gì. Anh thuê lấy một, hai đứa, rồi giao quyển này cho nó. Bọn sinh viên Đại học Sân khấu bây giờ ra trường, thất nghiệp đầy. Chúng nó chuyển thể thành kịch bản cho anh, rồi sau đó, anh chỉnh sửa lại, anh đứng tên. Tiền kịch bản bán được thì anh cho chúng nó một ít. Thế là xong. Chứ bây giờ công đâu mà ngồi làm theo kiểu thời những năm 60-70. Dò từng câu, từng chữ, rồi thậm chí đi viết kịch bản, đi làm đạo diễn còn phải đi thực tế sáng tác, phải xuống lăn lộn với công trường, nông trường, phải đi gánh đất, gánh cát để có thực tế. Xã hội bây giờ công nghiệp lắm. Thôi nhé, em chào anh. Nếu em viết được kịch bản nào tử tế, đứng đắn thì em sẽ đến bẩm báo ông anh, em mời ông anh làm phim cho em. Còn những thứ kịch bản của em hiện nay, nói thật với ông anh, em cũng không muốn đưa tên em vào. Xấu hổ lắm. Nhưng mà cũng phải làm thôi. Đồng tiền là tiên, là Phật mà. Không có tiền thì chết, nhục lắm.
Kiên nói liến thoắng rồi đi.
(Xem tiếp kỳ sau)