Ông Cường về đến nhà thì Bình đã làm cơm xong. Thằng cháu ngoại mới hơn ba tuổi, lăn xả vào lòng ông. Nó cầm quyển sách lên, rồi rũ ra. Ông Cường vội vàng giữ lấy quyển sách.
hồng nhan đa truân
Hồng nhan đa truân (Kỳ 1)
Buổi chiều, tại nhà đạo diễn Huy Cường. Đó là một căn nhà ba tầng nhỏ, nằm ở mặt phố, nhưng rất hẹp. Phía bên ngoài ... |
Bình hỏi:
- Hôm nay bố lại đi mua sách à?
Ông Cường cười:
- Ừ. Bố đi đường, thấy quầy bán sách đại hạ giá, có quyển này cũng ngồ ngộ nên mua.
Thiệu - là con rể của ông, vẫn trong bộ cảnh phục Thiếu tá công an từ trong bếp ra:
- Con chào bố ạ.
Ông Cường nhìn con rể ngạc nhiên:
- Ô, sao bắt viên thiếu tá vào bếp thế này? Ngày nghỉ, anh phải đi làm hay sao mà vẫn mặc cảnh phục vậy?
Thiệu:
- Dạ, vâng. Hôm nay con phải trực chỉ huy, bây giờ mới được nghỉ, nhà con bảo về đây luôn.
Ông Cường nhìn con rể gật gù:
- Tôi thấy anh mặc cảnh phục hay hơn là anh mặc quần áo thường đấy.
Bình vỗ vai chồng và bảo:
- Thấy chưa? Em cũng thấy anh mặc cảnh phục đẹp hơn mặc quần áo dân sự. Thôi nhé, từ nay cứ cảnh phục mà mặc.
Thiệu bế con trai lên và bảo:
- Ra đây với bố, để cho ông nghỉ. Ông vừa đi bộ về, chắc cũng mệt.
Ông Cường không chịu.
Ông ôm chặt thằng bé vào lòng và nói:
- Hôm nay cu Tý ở đây với ông nhé!
Thằng bé nũng nịu:
- Cháu ở với ông đến lúc buồn ngủ thôi. Đến lúc ngủ, cháu về ngủ với mẹ nhé.
Ông Cường búng nhẹ vào tai cu Tý nói:
- Gớm. Tôi chẳng thiết. Tôi biết rồi, cứ đến chập tối là anh như gà lên chuồng, dáo dác tìm mẹ.
Bình cầm quyển sách lên, rồi nói:
- Ôi giời, sao bây giờ lại có thứ tiểu thuyết tên cải lương thế này nữa. Mà con thấy hình như lâu lắm rồi bố có đọc tiểu thuyết Việt Nam đâu.
Ông Cường gật đầu và nói:
- Đúng là bố không định mua, nhưng đi qua chỗ bán sách thấy tên nó ngồ ngộ thì mua. Con bé ngồi bán sách mới có sáu tuổi, cứ mời mua cho nó. Mà sách này do mẹ nó viết đấy.
Bình khó chịu:
- Sáu tuổi đã ngồi bán sách ạ?
Ông Cường “à” lên rồi bảo:
- Không phải. Người bán sách là khác, nhưng mà nó cũng ngồi ở đấy bán sách cho mẹ nó.
Bình hỏi lại:
- Sáu tuổi mà đã bắt nó đi bán tiểu thuyết? Sao lại có bà nhà văn vô cảm thế nhỉ?
Ông Cường:
- Mẹ nó chơi với cô bán sách, nhờ cô ấy bán hộ và nó đi ra ngồi chơi thôi. Nhưng nó thấy bố thì cứ mời, thế là bố mua. Mà lúc ấy đi đường, bố đọc mấy trang và thấy cũng lạ lắm.
Bình nhìn cuốn sách rồi bảo:
- Nghe tên này quen quen.
Ông Cường gật đầu và nói:
- Nghe cô bán sách giới thiệu thì cô viết cuốn tự truyện này là hoa hậu.
Bình nhìn lại cuốn sách, rồi đưa cho Thiệu.
Thiệu nhìn cuốn sách, rồi nói:
- Ôi, thôi chết rồi. Cô hoa hậu này cũng là loại rạch giời rơi xuống đấy bố ạ.
Ông Cường nhìn con rể bằng ánh mắt lạ lùng:
- Sao lại rạch giời rơi xuống?
Thiệu nói:
- Ôi, bố không biết đâu. Con làm cảnh sát hình sự, có mấy vụ án liên quan đến cô này đấy. Mà đâu phải mình cô ấy, lại còn cả thằng em nữa, mà chuyện cô này phức tạp lắm. Ngày xưa cô ấy có biệt danh là Linh “sát thủ” đấy.
Ông Cường hỏi:
- Sao? Linh “sát thủ” là sao? Cô ta giết người à?
Thiệu bật cười và bảo:
- Không. Không phải là giết người. Cô ấy là hoa hậu, nhưng cứ yêu ai, sống với ai là người ấy chết. Ba người rồi đấy ạ.
Ông Cường gãi đầu rồi bảo:
- Ồ, thế thì lại là chuyện nghiêm trọng rồi đây. Không biết trong cuốn tự truyện này cô ta có kể lại chuyện ấy không nhỉ?
Thiệu đang nói hào hứng, bỗng nhiên dịu giọng xuống:
- Bố ạ, cuộc đời cô này không hiểu về sau như thế nào, lâu nay con cũng không quan tâm lắm. Nhưng trong những vụ án con làm mà liên quan đến cô ta thì quả thực đây là người đàn bà mà có lẽ bao nhiêu nỗi khổ ở trên đời này đều dồn vào cô ta hết.
***
Bỗng dưng, trong trí nhớ của Thiệu hiện lên cảnh Diệu Linh lao vào ôm em trai là Quân trong vụ anh ta giết người tình của chị là Quang, rồi hình ảnh Diệu Linh ngồi tại Phòng Cảnh sát hình sự để ghi lời khai về những việc liên quan đến một gã tội phạm Trần Văn Quý.
***
Thấy vẻ mặt thẫn thờ của chồng, Bình ngạc nhiên hỏi:
- Anh nghĩ gì thế?
Thiệu gượng cười:
- Tự nhiên anh nhớ lại mấy lần hỏi cung cô hoa hậu này.
Bình đùa:
- Thế người đẹp có để lại cho anh ấn tượng gì không? Giờ vẫn nhớ, chắc nhiều kỷ niệm sâu sắc lắm?
Thiệu gí ngón tay vào trán vợ:
- Nói linh tinh. Nhưng càng ngẫm càng thấy câu “Hồng nhan đa truân” sao mà đúng thế - Rồi Thiệu quay sang ông Cường - Nếu bố muốn tìm hiểu kỹ, lúc nào con lấy cho bố một số bản khai của cô ta và những người liên quan, để bố có thêm tư liệu.
Ông Cường nói:
- Thế thì sợ nhỉ? Nhưng có lẽ bố chẳng nên đọc những thứ ấy. Bố đọc cuốn tự truyện này là đủ rồi.
Bình bảo:
- Thôi, cả nhà đi ăn cơm. Bố muốn tìm hiểu cô hoa hậu này thì đơn giản thôi. Bố cứ vào google, gõ “hoa hậu Vũ Thị Diệu Linh” là ra tất. Có lẽ là phải có đến cả vài trăm bài báo nói về cuộc đời người đàn bà này.
Bữa cơm rất vui vẻ.
Ông Cường chiều cháu, bế thằng bé vào lòng và xúc cho nó ăn.
Bình có vẻ không đồng ý về cách ông chiều cháu:
- Cu Tý ngồi sang bên cạnh để ông ăn cơm. Bố thấy không, người ta cứ bảo: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhưng mà thằng cu Tý hư là tại ông. Cứ mỗi lần nó ở với ông vài ngày là y như rằng lúc về lại sinh chuyện. Hôm qua nó bảo con về ở với ông, không ở với bố mẹ. Đấy, mới bé nứt mắt ra mà đã biết thế rồi, không biết lớn lên thì dạy dỗ thế nào đây.
Thành ngồi trên xe lăn, nói:
- Sao cô cứ nặng nề thế? Nó bây giờ là niềm vui của bố đấy. Có ngày nào bố không nhắc đến nó đâu.
Ông Cường phớt lờ:
- Nào, cháu của ông. Ăn nhiều chóng lớn rồi ông truyền nghề đạo diễn cho.
Chợt Bình đưa mắt sang Thiệu ra hiệu điều gì đó.
Ông Cường nhận thấy và hỏi:
- Sao? Có chuyện gì à?
Thiệu nâng ly lên và nói với bố:
- Con chúc sức khỏe bố. Bố cứ uống ly rượu này rồi con và nhà con có chuyện muốn thưa với bố.
Ông Cường uống hết ly rượu, rồi nhìn con rể bằng ánh mắt dò hỏi.
Thiệu nói ngập ngừng:
- Bố ạ, con với nhà con cũng nghĩ nhiều. Bố sống thế này không ổn. Bây giờ thì bố còn khỏe, chưa có vấn đề gì. Nhưng ít nữa tuổi già cũng phải có chỗ nương tựa. Người ta bảo “Con trông cha không bằng bà trông ông”, cho nên chúng con thấy rằng… bố cần phải lấy vợ đi.
Ông Cường bật cười nói:
- Chúng mày hay nhỉ?, bố tưởng có chuyện gì. Hóa ra lại là chuyện cũ rích. Bố nhớ nếu không nhầm thì có lẽ cỡ phải hai chục lần cái Bình thuyết phục bố lấy vợ. Rồi đâu chỉ cái Bình, thằng Thành, mà cả các cô, các chú chúng mày nữa. Ai cũng bảo bố phải lấy vợ. Nhưng thôi, bố ngẫm rồi, gia đình có khi cũng như cái toilet ấy: “Người ở trong thì muốn ra, người ở ngoài thì muốn vào”. Bố thấy thế này là ổn.
Bình và Thiệu thì bật cười vì thấy ông Cường ví gia đình như “toilet”.
Bình lắc đầu và nói:
- Bố nói thế không được. Chúng con thấy không ổn. Chúng con quyết định rồi.
Ông Cường nhìn con gái bằng ánh mắt lạ lùng và dài giọng:
- Sao? Chúng con quyết định rồi? Thế là bây giờ định thay đổi thời cuộc à?
Bình mỉm cười trêu trọc:
- Đúng rồi. Thời cuộc bây giờ thay đổi. Bố không biết à? Ngày xưa là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhưng bây giờ “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Bố đã hơn 60 rồi, đã đến lúc chúng con đặt đâu, bố ngồi đấy. Chúng con sẽ lấy vợ cho bố.
Ông Cường:
- Thôi được rồi, tôi chấp nhận chuyện “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Nhưng chúng mày định lấy ai cho bố? Mà bố nói thật nhé, ai người ta chịu lấy bố. Người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Hôm nọ có tờ báo viết bài về bố, lấy tranh của ông họa sĩ gì đấy vẽ ký họa bố trong một cuộc họp. Trông bức họa của bố, có người bảo như con hải ly (giống chuột biển), người thì bảo bố như con ốc nhồi, người thì bảo bố anh em với Trư Bát Giới. Nói chung là cái mặt của bố là cái mặt “không chơi được”.
Thiệu nói với vẻ nghiêm trọng:
- Bố ạ, chuyện ấy bố không phải lo. Miễn là bố đồng ý. Bố ngần này tuổi rồi, sống một mình mãi cũng không phải là hay. Bố có nhớ cô sĩ quan công an ngày xưa đóng một vai ở trong phim về cảnh sát hình sự của bố không?
Ông Cường ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- À, bố nhớ rồi. Cô ấy là công an. Ngày xưa cô ấy là diễn viên của đoàn kịch, sau đó cô ấy về làm cảnh sát quản lý hành chính, trật tự trị an đúng không? Chuyên ngồi cấp chứng minh thư chứ gì?
Thiệu nói:
- Chính xác ạ.
Ông Cường:
- Ừ. Sau phim ấy bố cũng chẳng gặp cô ấy nữa.
Thiệu:
- Thế mà cô ấy quan tâm đến bố lắm đấy. Cô ấy rất muốn gặp bố, nhưng vì nghĩ bố là người của công chúng nên ngại.
Ông Cường hỏi:
- Thế chúng mày nói chuyện rồi à?
Thiệu nói:
- Vâng. Chúng con nói rồi. Thực ra cô ấy cũng hoàn cảnh. Chồng cô ấy là cảnh sát hình sự. Chú ấy hy sinh trong một vụ bắt cướp. Cô ấy ở vậy nuôi một đứa con gái. Cũng gần 8 năm rồi. Mà bây giờ cô ấy đã ngoài 40. Tuổi ấy với bố cũng là hợp. Nếu bố đồng ý thì con và nhà con sẽ đi hỏi vợ cho bố.
Ông Cường cười chảy cả nước mắt.
Ông lấy khăn lau nước mắt:
- Vui đáo để. Hình như chúng mày định trở lại thời phong kiến hay sao ấy. Giờ lại nói chuyện lấy vợ cho bố. Mặt mũi cô ấy bố còn chẳng nhớ, mà lại nói là đi hỏi vợ cho bố. Thôi thôi, dẹp chuyện ấy lại đã. Nhưng mà bố nói một điều nghiêm túc thế này, trong đầu bố không hề nghĩ đến việc đó.
Rồi bỗng ông nhìn con trai, con gái và con rể bằng ánh mắt buồn buồn.
Lặng đi một lát, ông thở dài:
- Hay là các anh, các chị thấy tôi là gánh nặng cho mọi người. Hàng tuần các anh chị phải bớt thời gian về đây ăn với tôi bữa cơm. Các anh, các chị bỏ tôi thì không đành, mà về thăm nom tôi thì mất thời gian, thậm chí phải mua đồ ăn thức uống thế này, tốn kém của các anh chị, cho nên các anh chị muốn có một người chăm nom tôi cho các anh chị rảnh thân chứ gì?
Bình nhăn mặt:
- Trời ạ, sao bố nói nghiệt ngã thế. Nếu bố đã nghĩ như thế thì từ ngày mai con và nhà con sẽ dọn về đây ở luôn với bố. Nhà con rất nhiều lần muốn về đây ở để trông nom bố, nhưng vì anh ấy là cảnh sát hình sự, hay đi đêm hôm, công việc cũng lắm thứ phức tạp, sợ làm đảo lộn trật tự sinh hoạt của bố. Chúng con chưa bao giờ dám nghĩ như thế.
Mặc dù con gái nói vậy, ông Cường vẫn không đổi giọng:
- Chúng mày nghĩ chuyện lấy vợ cho bố, để bố có chỗ nương tựa về sau thì cũng là điều tốt. Nhưng mà bố sợ đàn bà lắm rồi. Bố đã tính, vài năm nữa bố lên trại dưỡng lão ở Sóc Sơn. Bố cũng còn vài chục triệu trong sổ tiết kiệm thì rút ra, bỏ trước vào trại, rồi lúc nào bố yếu, chúng mày bận rộn không chăm sóc được thì bố lên trại dưỡng lão ở. Như vậy tốt hơn cho cả chúng mày và cho cả bố. Bố không làm phiền chúng mày, mà chúng mày cũng đỡ phải áy náy.
Thiệu nói:
- Con không đồng ý cho bố lên trại dưỡng lão. Bố lấy được vợ thì tốt, mà không thì chúng con chăm sóc bố. Con lên trại dưỡng lão rồi nên con biết. Các ông bà ở trên đấy cũng khổ lắm. Nhiều người giàu có thật, nhưng lại tống bố mẹ lên đấy để cho khuất mắt, rảnh thân. Bố không biết đâu, có những ông bà tự tử ở trong trại vì thấy nhục nhã với con cái đấy.
Ông Cường lắc đầu:
- Tất nhiên là có những người thế này thế khác. Làm sao mà hoàn hảo được. Nhưng thôi, chuyện người ta thì kệ người ta. Còn chuyện của bố là cứ bao giờ thấy yếu là bố lên trại dưỡng lão. Bố khỏi phải phiền lụy chúng mày, mà chúng mày cũng không phải lo cho bố quá. Chúng mày còn cả một cuộc đời dài, bao nhiêu cái lo toan. Xã hội bây giờ ngày càng phức tạp, công việc ngày một bận rộn. Thôi, ăn đi. Chuyện ấy dẹp lại.
Chẳng hiểu tại sao trong bữa ăn vui vẻ là vậy và giữa sự quan tâm của con cái mà đầu óc ông Cường lại cứ ám ảnh bởi cuốn tự truyện mà ông đang đọc dở dang. Những điều con gái, con rể và con trai ông vừa nói về tác giả cuốn tự truyện khiến ông cảm thấy tò mò. Ông ăn cơm mà đầu óc như đang để đi đâu.
Phát hiện ra sự thay đổi của bố, Bình hỏi:
- Bố đang suy tư điều gì đấy?
Ông Cường cười gượng và nói lảng đi:
- Ừ, tự dưng bố thấy mệt mệt.
Thành nói luôn:
- Đấy, dạo này con thấy bố hay mệt. Tốt nhất là bố cứ nghe lời cô chú Bình đi. Phải có người chăm sóc bố.
Tự nhiên ông Cường phát bẳn.
Ông nói hơi nặng:
- Thôi đi. Chúng mày dừng chuyện ấy lại cho tao nhờ được không? Nếu như chúng mày thấy rằng không thể chăm sóc được tao hoặc sợ sau này phải chăm sóc tao thì cứ nói một câu. Tao khắc tự xử lấy cuộc đời tao.
Bình vội vàng dàn hòa:
- Thôi mà bố. Tự nhiên thấy bố có vẻ buồn buồn thì chúng con hỏi thế. Có gì đâu. Mà từ nay bố nên bỏ ý nghĩ định đi vào trại dưỡng lão đi. Điều con mong bây giờ là bố làm sao phải làm đạo diễn được mỗi năm một phim.
Nói đến nghề, ông Cường lại thở dài buồn bã:
- Ai chẳng mong được làm nghề, nhưng mà bây giờ thiếu kịch bản quá. Tìm được một kịch bản hay để làm phim bây giờ khó. Cũng có nhiều hãng phim tư nhân mời bố đạo diễn phim cho họ, nhưng đọc kịch bản bố không chịu nổi. Làm một bộ phim bây giờ như là làm gái điếm ấy, phục vụ theo những sở thích, yêu cầu về tiền bạc của chúng nó. Bố không làm được.
Thiệu nói:
- Trước đây, con thấy có mấy chú viết kịch bản hay đến đây uống rượu với bố, mà lâu nay lại không thấy đâu nữa.
Ông Cường gật đầu nói:
- Bây giờ chúng nó cũng lo đi làm phim thị trường. Ngày xưa bố làm phim, có khi 6-7 tháng mới được một bộ phim một tập. Nhưng bây giờ chúng nó quay có khi mỗi ngày một tập phim. Thậm chí có ngày còn quay 2 tập phim. Tất nhiên là phim truyền hình. Nhưng bố không hiểu thế thì nó quay kiểu gì.
Ăn cơm xong, lại lấy cớ mệt, ông Cường lên phòng và nằm đọc sách. Ông như bị hút vào cuốn sách đó.
***
Tại nhà Diệu Linh, một căn hộ trên tầng 10 một khu chung cư.
Căn hộ rộng khoảng hơn 40m2. Nhà chỉ có hai mẹ con: Diệu Linh và bé Hương.
Hương vừa ăn cơm, vừa nói với mẹ:
- Mẹ ạ, thế là hôm nay con bán cho mẹ được một cuốn sách đấy nhé.
Diệu Linh nhìn con âu yếm:
- Mẹ biết rồi. Từ chiều đến giờ con nói hai lần rồi. Nhưng mà này, từ sau con không được nói rằng: sách này là sách của mẹ cháu, rồi mẹ cháu là hoa hậu nọ, hoa hậu kia đấy nhé.
Hương tròn mắt, nói với mẹ:
- Con có nói đâu. Đấy là cô Nhân nói đấy chứ.
Vừa lúc ấy, có điện thoại gọi tới.
Diệu Linh nhìn thấy số máy của Nhân - cô gái bán sách - thì nghe máy:
- Chào Nhân. Hôm nay thế nào?
Nhân nói vui vẻ:
- Hôm nay được chị ạ. Em bán được hơn chục cuốn, trong đó có một cuốn của chị. Mà thích nhất là bán được bốn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, in theo bản in từ năm 1959.
Diệu Linh mỉm cười đôn hậu:
- Chị biết rồi. Gớm, con bé Hương khoe suốt.
Nhân bảo:
- Hôm nay người mua cuốn sách của chị là đạo diễn Huy Cường đấy.
Nói đến đạo diễn Huy Cường, Diệu Linh biết ngay vì cô đã xem một số phim của ông.
Diệu Linh hỏi:
- Thế à? Nhưng chắc là bác ấy thấy cái Hương ngồi bán sách nên mua giúp cho thôi.
Nhân vui vẻ:
- Chắc thế. Chứ chị lạ gì, một người nổi tiếng như ông Huy Cường, lọt được vào mắt ông ấy đâu có phải chuyện dễ. Thôi, em đi tập thể dục đây.
(Xem tiếp kỳ sau)