- Binh lính Ukraine sơ tán khỏi 'thành trì cuối cùng' ở Mariupol
- Thổ Nhĩ Kỳ muốn sơ tán binh sĩ khỏi nhà máy thép Azovstal
- Ukraine: Tất cả phụ nữ, trẻ em đã được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal
Ngày 23/5, theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), số người buộc phải chạy trốn khỏi xung đột, bạo lực,… trên toàn thế giới hiện đã lần đầu tiên vượt qua con số 100 triệu người.
Hơn 100 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: AP) |
“Một trăm triệu người là con số đáng kinh ngạc và đáng báo động. Đó là một kỷ lục lẽ ra không bao giờ được thiết lập”, người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho biết. Theo ông, đây sẽ là "hồi chuông cảnh tỉnh" để thế giới cần ngăn chặn các cuộc xung đột và chấm dứt bạo lực, đồng thời giải quyết những nguyên nhân cơ bản khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.
Ông Filippo Grandi nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế đã tích cực hỗ trợ những người phải đi sơ tán vì xung đột ở Ukraine và hy vọng điều này được áp dụng đối với tất cả các cuộc xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng viện trợ nhân đạo chỉ giúp giảm nhẹ hậu quả, không phải là biện pháp giải quyết. Do đó, để đảo ngược xu hướng này, chỉ có một cách thức duy nhất là thiết lập hòa bình và ổn định.
Theo UNHCR, tính đến cuối năm 2021, đã có khoảng 90 triệu người phải di tản do tình trạng bạo lực ở Ethiopia, Burkina Faso, Myanmar, Nigeria, Afghanistan và CHDC Congo. Riêng cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2/2022 đến nay đã khiến hơn 8 triệu người đã phải di tản ở trong nước, trong khi hơn 6 triệu người khác sơ tán ra nước ngoài.
Con số 100 triệu tương đương hơn 1% dân số toàn cầu, và trên thế giới chỉ có 13 quốc gia có dân số lớn hơn số người phải đi sơ tán nói trên.
Theo báo cáo của UNHCR cho thấy, Syria tiếp tục là nước có dân số tị nạn lớn nhất thế giới, đứng thứ hai là Venezuela và thứ ba là Afghanistan. Trong khi đó, 3 quốc gia tiếp nhận người di cư lớn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với 3.696.800 người, Colombia với 1.743.900 và Uganda với 1.475.300 người./.