Mỗi du khách đến Pháp đều biết rượu vang, đến Ấn Độ ăn cà ri, đến Italy ăn mì ống. Ở Việt Nam, họ sẽ bị chinh phục bởi món gì?
Các sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật tháng 10 |
10 khu chợ thực phẩm tươi nổi tiếng của thế giới |
Nếu yêu cầu một du khách nước ngoài bất kỳ trên đường phố tại Việt Nam kể tên món ăn phổ biến của người Việt, chắc hẳn bạn sẽ nhận được những câu trả lời phổ biến như bánh mì, phở hay bún chả.
Tuy nhiên, nếu làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với người dân ở các nước khác về món ăn phổ biến của Việt Nam, tần suất để bạn nghe thấy tên các món ăn đó không cao như khi "ở sân nhà".
Vậy làm thế nào để các món ăn thực hiện được vai trò đặc biệt của chúng trong việc kéo du khách đến Việt Nam? Một nhóm doanh nhân và những người tha thiết với ẩm thực Việt đang tìm cách kết hợp hai lĩnh vực này. Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam dự kiến ra đời ngày 11/10 sau hơn một năm vận động.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Trưởng ban Vận động Thành lập Hiệp hội, cho biết: “Chiến lược của chúng tôi là phấn đấu đưa ẩm thực Việt Nam gắn với hình ảnh du lịch quốc gia. Hiệp hội cũng sẽ tích cực hỗ trợ cho các hoạt động du lịch tại các địa phương, quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ hiện là Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel. Ảnh: Phong Vinh.
Bà Triệu Thị Chơi, nhà giáo ưu tú, chuyên gia văn hóa ẩm thực, nhận xét: “Việt Nam có nhiều món ăn mang đặc trưng vùng miền. Tuy nhiên chuyện mang ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia để đưa ra thế giới là vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ trong nhiều năm nay”.
Việc ra đời Hiệp hội được nhiều người kỳ vọng là bệ phóng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”. Hội sẽ nhanh chóng nghiên cứu để hình thành bộ định chuẩn cho ẩm thực Việt, qua đó từng bước sắp xếp, xây dựng và định kỳ tổ chức các chương trình về ẩm thực.
Những năm gần đây, nhiều món ăn Việt thường xuyên có mặt trong top các món ngon trên thế giới như: bánh mì Sài Gòn, phở Hà Nội hay cao lầu Hội An. Đây đều là những đặc sản và mang tính văn hóa dân tộc cao.
Nhiều nước đã dùng ẩm thực để quảng bá hình ảnh quốc gia, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động du lịch. Có thể kể đến phô mai Thụy Sĩ, sushi Nhật bản, sôcôla Hà Lan hay rượu vang Pháp... những thương hiệu này đã gắn chặt với từng quốc gia, mang lại lợi ích cho hàng nghìn nhà sản xuất, đem lại thị trường tiêu thụ lớn, thúc đẩy kinh tế gia tăng.
“Làm sao để chúng ta tạo cho du khách niềm tin khi sử dụng các sản phẩm của mình, đây là việc trong tầm tay”, bà Chơi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của ẩm thực trong việc nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam. Video: Phong Vinh.
Món ăn Việt có nét thanh, ít chất béo, dùng nhiều rau nhưng vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Bên cạnh đó, khí hậu ôn đới và nhiệt đới trải dài từ đồng bằng, trung du đến miền biển và miền núi, tạo ra sự đa dạng và đặc trưng riêng cho ẩm thực mỗi nơi. “Ẩm thực là con đường tiếp cận nhanh chóng và gần gũi, sẽ rất phù hợp khi dùng ẩm thực để phát triển du lịch”, ông Kỳ khẳng định.
Đánh giá về ẩm thực Việt Nam, ông Kỳ cho rằng “văn hóa ẩm thực Việt Nam là một di sản”, và cần được “biến thành tài sản”. Để làm được điều này, cần làm sao để thế giới có thể thấy được giá trị cốt lõi của ẩm thực Việt Nam.
“Chúng ta may mắn vì ông trời đã ban cho các đặc thù và ưu thế về tài nguyên mà hiếm nước nào có được", chuyên gia Triệu Thị Chơi nói. "Nhưng vì là một quốc gia nhỏ và trải qua nhiều cuộc chiến tranh dài, chúng ta có thể chậm hơn các nước bạn trong các công cuộc thay đổi và phát triển đất nước, nhưng lúc này vẫn chưa quá trễ”.
Phở là món ăn truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, và là một trong những món ăn đặc trưng cho ẩm thực Việt. Ảnh: Phong Vinh.
https://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/hoi-am-thuc-nuoi-khat-vong-bien-viet-nam-thanh-bep-an-the-gioi-3650727.html