Dọn vệ sinh trường học mang nhiều ý nghĩa giáo dục, giúp trẻ trở thành công dân gương mẫu khi lớn lên.
Ở Nhật Bản, dọn vệ sinh trường học có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục, theo India Today. Từ khi vào lớp 1, học sinh đã làm quen với việc trực nhật. Tùy quy định của từng trường học và dựa vào lứa tuổi, các em được giao nhiệm vụ lau sàn nhà, hành lang, phục vụ bữa trưa cho bạn học và thậm chí dọn nhà vệ sinh.
Đây không phải là chỉ thị của chính phủ, nhưng mọi trường học trên toàn quốc tuân thủ xu hướng này. Nhiều bộ truyện tranh, phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng thế giới cũng tái hiện cảnh từng nhóm học sinh hăng say lau dọn khi đến phiên trực nhật.
Một cảnh trong bộ phim hoạt hình "Ngọn đồi hoa hồng anh" của Nhật Bản. Ảnh: India Today
Trong khi hoạt động này có thể bị xem là lạm dụng sức lao động trẻ em ở nhiều quốc gia phương Tây, Nhật Bản xem đây là cách hiệu quả để dạy trẻ trở thành công dân có trách nhiệm trong tương lai.
Văn hóa dọn vệ sinh trường học
Người Nhật cho rằng nếu bạn sử dụng một không gian cụ thể nào đó, bạn có trách nhiệm giữ nơi đó sạch sẽ cho đến khi rời đi. Tư tưởng này hình thành tính ngăn nắp và sạch sẽ của người dân xứ sở mặt trời mọc. Hơn nữa, nếu biết bản thân phải dọn dẹp thường xuyên, bạn sẽ không còn muốn xả rác trong lớp hay làm bẩn nhà vệ sinh.
Gakko Soji (dọn vệ sinh trường học) có nguồn gốc từ những lời răn dạy của Phật, nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giữ gìn không gian xung quanh và cơ thể sạch sẽ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một nơi bẩn thỉu, lộn xộn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của trí não, giảm thiểu khả năng tập trung.
Những kỹ năng dọn vệ sinh mà học sinh nào cũng được dạy ở trường bao gồm quét và lau sàn lớp học, phủi bụi, chùi hành lang, cầu thang, cửa chính và cửa sổ. Giẻ lau được chuẩn bị và mang đi từ nhà, tương tự dụng cụ học tập. Bên cạnh đó, các em còn phân công phục vụ nhau bữa trưa được nấu bởi đầu bếp của trường, dọn rửa sau khi ăn. Đa số trẻ tiểu học không dọn nhà vệ sinh, đây là nhiệm vụ của các em lớp lớn hơn.
Trường học Nhật Bản thường không thuê lao công. Điều này có thể không chính xác một cách tuyệt đối, nhưng nếu thuê lao công, những người này chỉ làm một số việc nhất định mà học sinh không thể làm như sửa chữa trang thiết bị trong trường, thay bóng đèn.
Giáo viên hỗ trợ học trò bằng cách phân công lịch trực thích hợp, chia việc cụ thể cho từng người. Nhờ đó, mọi việc diễn ra công bằng, không có học sinh nào phải dọn nhà vệ sinh quá nhiều lần so với các em khác.
Học sinh lớp lớn cũng thường được giao nhiệm vụ cùng các em lớp bé để làm mẫu. Với những ai là con một trong gia đình, hoạt động này mang lại cảm giác có anh có em.
Dọn vệ sinh dạy học sinh trở thành công dân gương mẫu
Gakko Soji hình thành thói quen và trách nhiệm mà mỗi học sinh không thể chối bỏ. Yumi Tagawa (43 tuổi), người chuyển đến Mỹ vào năm 21 tuổi, chia sẻ trên trang Mic rằng cô đã dọn vệ sinh ở trường suốt thời đi học, như hầu hết bạn bè đồng trang lứa ở quê hương Osaka, Nhật Bản.
Hàng ngày, Tagawa và bạn học đẩy bàn ghế sang hai bên và bắt đầu lau dọn sàn nhà trong lớp cũng như ở hành lang. Khi lớn lên một chút, nhà vệ sinh được thêm vào danh sách. “Chúng tôi dọn vệ sinh vì đó là bổn phận”, cô nói. Nữ giám đốc phát triển kinh doanh ở Manhattan cho rằng cô chưa từng thấy việc đó có gì bất thường, cho đến khi sang Mỹ. Hoạt động này rất xa lạ ở quốc gia cô đang sống.
Kylie Igarashi, học sinh trung học Nhật Bản cũng chia sẻ cảm nghĩ riêng trên trang hỏi đáp Quora. Do lớn lên ở Canada, khi quay lại Nhật Bản, Igarashi rất sốc khi được giao nhiều công việc dọn dẹp ở trường. Nhưng sau một thời gian, cậu đã quen với nhiệm vụ.
Lớp của Igarashi được chia thành sáu nhóm, mỗi nhóm 6-7 học sinh. Mỗi tuần, một nhóm sẽ dọn lớp, một nhóm dọn phòng tin học mà lớp phụ trách. Bốn nhóm còn lại được về sớm và trêu chọc hai nhóm phải trực nhật. Thứ hai hàng tuần, giáo viên sẽ thông báo lịch trực của các nhóm. Những người trong nhóm "bị" trực sẽ rên rỉ.
"Có ai thích dọn toilet đâu cơ chứ? Không ai cả. Nhưng thành thật mà nói, việc đó không tệ như bạn nghĩ đâu, tôi không ghét nó", Igarashi viết.
Học sinh xem việc dọn trường là một phần trong cuộc sống và văn hóa học đường, không căm ghét công việc này. Ảnh: Quora
Trong khi chà xát và đánh bóng toilet, học sinh sẽ tán gẫu về những sự kiện xảy ra trong ngày, ném giấy vệ sinh vào người nhau. Tuy nhiên, sau cùng chính những em đó lại phải dọn dẹp hậu quả do mình bày bừa, nên càng lớn càng bớt nghịch trò này. Giáo viên cũng có mặt trong buổi trực và chọc ghẹo học sinh dọn quá chậm.
Lý do lớn khiến Igarashi không thể ghét việc dọn vệ sinh vì thầy giáo của cậu luôn là người đầu tiên quét sàn khi tan lớp, luôn giúp mọi người di chuyển bàn và các vật nặng. Thầy làm như thế mỗi ngày, dù mỗi học sinh ở lớp Igarashi chỉ phải làm việc đó một lần trong ba tuần. Thầy luôn kể những câu chuyện cười để việc trực nhật trở nên dễ chịu hơn.
Nhờ hoạt động này, Igarashi cảm thấy xấu hổ mỗi khi khiến lớp học bừa bộn, hay nghĩ đến cảnh bạn nào đó sẽ phải xóa hình vẽ linh tinh trên bàn của mình.
Người Nhật có nhiều lý do để duy trì văn hóa dọn vệ sinh trường học. Khuyến khích trẻ giữ gìn không gian xung quanh từ khi còn nhỏ sẽ tự động “lập trình” cho đứa trẻ tôn trọng môi trường khi lớn lên. Nó sẽ suy nghĩ theo hướng vấn đề của cộng đồng cũng chính là vấn đề của cá nhân. Giữ lớp học sạch sẽ không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà còn là mối bận tâm của mỗi học sinh.
Gakko Soji dạy cho trẻ rằng không có công việc nào, kể cả dọn vệ sinh, bị coi là thấp kém trong xã hội. Các em cũng sẽ cải thiện kỹ năng làm việc nhóm bởi phải cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, dọn vệ sinh còn giúp mỗi người biết quan tâm và cảm thông với người khác để hỗ trợ khi cần thiết.
Cảnh sát cứu hỏa, cơ động giúp dân vùng ngập lụt dọn vệ sinh
Lũ rút, nhà chức trách Hà Nội huy động hàng trăm cảnh sát cứu hỏa, cơ động giúp chính quyền, người dân ở huyện Chương ... |
Chủ tịch Đà Nẵng cầm cuốc cùng người dân dọn vệ sinh
Sau lễ ra quân dọn vệ sinh hưởng ứng Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã cầm cuốc ... |