Học sinh hư vì phụ huynh quá coi trọng tiền

Khi bố mẹ luôn xem trọng đồng tiền, đặt đồng tiền trên tất cả thì làm sao dạy được đứa trẻ ngoan.

Sau khi Báo Đất Việt đăng tải loạt bài về bức thư của cô giáo người Mỹ cho rằng "giáo dục thất bại là tại phụ huynh", một cô giáo rất đồng cảm với quan điểm trên đồng thời chia sẻ một số câu chuyện thực tế đã phải trải qua trong quá trình giảng dạy. Dưới đây là bức thư của cô Nguyễn Lê Hoài Anh (48 tuổi), giáo viên dạy Văn lớp 9 trên địa bàn Hà Nội gửi tới Báo Đất Việt.

hoc sinh hu vi phu huynh qua coi trong tien
Rất nhiều người không hiểu vì sao Khá Bảnh lại trở thành hiện xã hội, được hầu hết học sinh thần tượng? Ảnh: Tiin

Muốn con cái mình ngoan, học hành chăm chỉ, giỏi giang thì tôi phải nói các bậc phụ huynh hãy dạy con mình thật tốt từ nhà. Dạy từ cách ăn nói, cách cư xử với chính người thân trong gia đình mình thật tốt, chứ chưa cần con cái các vị phải ứng xử tốt với thầy cô, bạn bè, với xã hội. Một đứa trẻ có nền tảng giáo dục gia đình tốt, biết kính trên nhường dưới, biết lễ phép, nghe lời người lớn thì không có lý gì sẽ không nghe lời thầy cô, không học hành chăm chỉ.

Nhưng các phụ huynh có thấy không? Một số không nhỏ học sinh ra đường, đến lớp, về nhà nói năng với bố mẹ, ông bà, thầy cô một cách vô phép tắc, vô lễ nghĩa, xưng hô trống không, sống ích kỷ, không biết quan tâm đến người khác nhưng ngược lại lại luôn đòi hỏi người khác phải quan tâm tới mình. Khi không được đáp ứng là chúng tỏ thái độ cau có, khó chịu thậm chí cãi lại bố mẹ, ông bà, thầy cô. Những đứa trẻ như thế ở nhà đã được dạy dỗ, giáo dục thế nào?

Phản ứng của những đứa trẻ mang màu sắc tiêu cực, bất cần có lẽ cũng là do ảnh hưởng một phần từ chính cách dạy, cách cư xử của phụ huynh nữa.

Chỉ cần con cái ở trường xảy ra chuyện gì là lập tức phụ huynh và gia đình kéo đến làm toáng lên, cãi nhau tay đôi với giáo viên, thậm chí dùng những lời lẽ miệt thị, chì chiết, coi thường giáo viên, nhà trường. Nếu còn tâm lý con mình là nhất, con mình luôn đúng thì tôi xin nói rằng không ai có thể dạy được con cái của quý vị.

Ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh lại thờ ơ, bỏ mặc, không quan tâm gì tới con cái. Một học sinh nữ lớp 6-7 đã bỏ học đi bụi, mặc đồ của bạn trai, tổ chức nhóm đánh nhau trong trường... nhưng giáo viên nhiều lần mời phụ huynh đến họp, đến nhắc nhở, yêu cầu phối hợp để giáo dục thì phụ huynh đều kiếm cớ đi công tác, không tới được. Thế nhưng khi bị đình chỉ học, phụ huynh lập tức phản ứng, quay lại chỉ trích nhà trường thiếu liên kết, thiếu trao đổi với gia đình, thậm chí còn cho rằng con mình bị trù rập, bị ghét bỏ.

Tôi xin kể ra câu chuyện mà bản thân cũng thấy rất xấu hổ vì là một giáo viên với kinh nghiệm hơn 20 năm đứng lớp cũng phải nhượng bộ.

Năm 2018, tôi được phân công dạy Văn khối 9 và chủ nhiệm một lớp có tỉ lệ học sinh cá biệt chiếm đến phân nửa.

Trong số những học sinh rất chăm học thì có những học sinh lười biếng, không chịu học hành nhưng tự cho mình là bậc đàn anh, đàn chị có quyền sai khiến, phá đám, chống đối lại giáo viên.

Giáo viên "cứng" thì học sinh tiếp tục chống đối, giáo viên "mềm" thì bắt buộc phải hạ mình, rất kiên nhẫn mới làm thay đổi được tư duy, suy nghĩ lệch lạc, sai trái ấy.

Nhưng đáng trách nhất là cách dạy, cách nghĩ của một bộ phận người lớn. Ngay từ đầu, họ đã tiêm nhiễm vào trí óc của một đứa trẻ những suy nghĩ lệch lạc, luôn coi đồng tiền là trên hết, học hành chỉ là hình thức, kiếm tiền mới quan trọng. Nếu vậy, làm sao một đứa trẻ khi lớn lên có thể có được những nhận thức đúng đắn.

Chính vì vin vào lời nói của người lớn, của cha mẹ nên khi tôi động viên các em phải cố gắng học hành để có nghề nghiệp ổn định, lập tức những đứa trẻ này không ngại nói thẳng là không cần học, chỉ cần làm đại ca. Làm đại ca vừa có tiền, vừa có quyền lại không cần đau đầu, tốn tiền, mất thời gian. Các em ấy nói rằng, bố mẹ em ấy bảo thế, chỉ cần kiếm được ra tiền, học hành cũng vì mục đích đó.

Rồi các em ấy dẫn chứng cho tôi chuyện của Khá Bảnh. Các em ấy nói với tôi, chỉ có những người như cô giáo mới thấy lạ lùng và mới nghĩ cần phải học, giới trẻ như chúng em rất hâm mộ Khá Bảnh, vì Khá Bảnh không cần học hành, không cần đi làm mà vẫn kiếm được rất nhiều tiền. Các em ấy nói với tôi, đời chỉ cần tiền là muốn cái gì cũng được, chỉ cần như Khá Bảnh.

Khi đó, bản thân tôi cũng rất hoang mang, không thể lý giải được hiện tượng Khá Bảnh. Tôi cũng không hiểu vì sao Khá Bảnh lại trở thành hiện xã hội, được hầu hết học sinh thần tượng?

Lúc đó, tôi chịu thua học sinh một bước, vì ở một góc độ nào đó các em ấy nói đúng. Nếu Khá Bảnh sai sao không bị bắt? Nếu Khá Bảnh xấu sao vẫn có người hâm mộ? Nếu Khá Bảnh kém thì sao vẫn kiếm được nhiều tiền?

Tuy nhiên, ít ngày sau đó công an đã bắt Khá Bảnh, lúc này tôi mới có cớ để nói lại với học sinh.

Nhưng qua đây, tôi muốn nói rằng để dạy được học sinh ngoan không thể chỉ dựa vào giáo viên, nhà trường mà bản thân phụ huynh cũng là nhân tố tác động không nhỏ trong quá trình hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Vì thế, đừng chỉ đổ lỗi cho giáo viên mà nên nhìn nhận lại cả về vai trò, trách nhiệm của mình nữa.

Cô giáo Nguyễn Lê Hoài Anh

hoc sinh hu vi phu huynh qua coi trong tien Giường dịch vụ 4 triệu/ngày tại bệnh viện công: Ưu tiên ai?

Đừng để người dân nghĩ rằng, cuối cùng y tế công đã không còn thuộc về người nghèo

hoc sinh hu vi phu huynh qua coi trong tien Quỳ để sám hối cái sai không chết, con hư mới chết!

Quỳ sám hối cái sai không chết, chỉ sợ dung túng cho con trước cái sai, sinh ra cái hư hỏng trong người đứa trẻ ...

hoc sinh hu vi phu huynh qua coi trong tien 10 thanh niên mang dao, kiếm chặn xe "xin đểu" trên cao tốc: Con hư đổ tại nhà trường?!

Có bà mẹ cười hô hố và khen con thông minh khi nó cợt nhả, nói bậy; rồi mười năm sau lại hỏi: “Ở trường ...

/ baodatviet.vn