Văn Hậu sang Heerenveen phải đá đội U21, Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh đi nước ngoài cũng dự bị, bóng đá Việt Nam tới lúc này làm gì có ngôi sao.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang có mùa giải thành công ngoài mong đợi. Lần đầu đá V-League, nhưng thầy trò HLV Phạm Minh Đức bất ngờ nằm trong nhóm 8 đội cạnh tranh ngôi vô địch, hoàn thành nhiệm vụ trụ hạng ngay từ lượt đi.
HLV Phạm Minh Đức đã dành thời gian chia sẻ với VTC News về hành trình đáng nhớ của Hà Tĩnh cùng những triết lý làm bóng đá ông đang theo đuổi.
- Gọi Phạm Minh Đức là Mourinho Việt Nam vì ông tạo được tập thể Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sắt đá, kỷ luật thế có lẽ cũng không ngoa. Đội Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hiện tại là hiện thân cho cá tính của ông?
Cách đá của Hà Tĩnh đang phảng phất cái "chất" của Phạm Minh Đức. Tôi rất thực dụng, luôn biết người, biết ta và căn thời điểm. Lối chơi của Hà Tĩnh bây giờ cũng vậy. Có lúc tôi cho đội pressing tầm cao, có lúc lùi xuống thấp, có lúc làm gián đoạn trận đấu khiến đối thủ nản chí khi có thế dẫn bàn. Khi Hà Tĩnh bị dẫn, chúng tôi đá liều, chơi tất tay, vì trận nào cũng là chung kết.
Tôi toan tính và cầu thủ thực hiện rất đúng kế hoạch. Khi họ mắc lỗi khi dẫn đến bàn thua, tôi tiếc cực kỳ. Ở trận gặp Sài Gòn FC, tôi không nghĩ họ gỡ được khi chúng tôi đã dẫn trước từ pha đá phạt đền. Hay trận gặp Bình Dương, tôi không nghĩ Bình Dương có "cửa", thế mà chỉ từ một đường tạt vu vơ của Tấn Tài, trọng tài lại thổi 11m phạt Hà Tĩnh.
Tôi rất buồn, nhưng không cãi, chỉ tiếc thôi. Tôi không trách cầu thủ, mà đây là lỗi nhận định của trọng tài. Tôi chấp nhận cuộc chơi. Hay ở trận gặp SLNA, Hà Tĩnh dẫn trước, rồi để thủng lưới khi đối thủ chỉ có 2 người để phản công. Đó là những trận tôi bị bể kế hoạch.
Tôi luôn tính toán chi ly cho từng tình huống ở từng trận. Chiến thắng Thanh Hóa là ví dụ, khi tôi cho cầu thủ đá tất tay, tấn công liên tục để buộc đối thủ lùi về và mắc sai lầm.
Các HLV kinh nghiệm đều làm được điều đó, chứ chẳng riêng tôi đâu. Tôi luôn cố gắng cập nhật. Năm nay, tôi còn mua thêm cả Instat (công cụ thống kê trận đấu bằng số liệu để trợ giúp chiến thuật cho HLV) để hỗ trợ cho chuyên môn.
- Sử dụng Instat để huấn luyện, dường như ông luôn làm mới bản thân, tránh tụt hậu với thời cuộc. Có phải mới mẻ như thế, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới là tập thể khó lường, khó bị đánh bại?
Tôi luôn chỉ cho cầu thủ là họ thiếu ở đâu, mà không thể chỉ bảo kiểu chung chung được, mọi thứ phải số hóa và rõ ràng. Nói chuyện với cầu thủ, tôi có bằng chứng, hình ảnh. Nhiều HLV có thể quên tình huống, nhưng tôi có phần mềm hỗ trợ.
Từng cầu thủ sẽ được phân tích sau mỗi trận đấu rằng họ còn thiếu sót gì. Tôi gửi thống kê của Instat và phân tích clip tình huống cho học trò để họ tự xem, nghiền ngẫm. Cách làm này tiết kiệm thời gian họp hành, mổ băng. Cầu thủ xem clip sáng, chiều ra sân sửa lỗi chiến thuật.
- Ông coi trọng chiến thuật và kỷ luật, rất muốn nhồi tư tưởng của mình vào đầu học trò nên chỉ thành công với cầu thủ trẻ - những người biết nghe lời và giống như trang giấy trắng, mà khó làm nên chuyện khi huấn luyện những ngôi sao?
Ý kiến đó rất chuẩn. Tôi thích cầu thủ trẻ, chứ không thích cầu thủ ngôi sao. Tôi thích dạy cầu thủ của mình trở thành ngôi sao hơn. Mà thực ra, tôi chưa từng dẫn dắt tập thể nào toàn ngôi sao cả.
Ở Hà Nội, tôi chỉ giúp các cầu thủ trẻ thành ngôi sao thôi. Khi dẫn Hà Nội T&T mùa 2016, tôi không tồn tại được. Tôi chẳng là gì ở tập thể ấy cả. Tôi biết trước là mình chưa sẵn sàng. Thành công là lạ, chứ thua là bình thường. Sau thất bại ấy, tôi quay lại làm trẻ, xây dựng lứa này đá hạng Nhì, lên hạng Nhất rồi giờ cùng Hà Tĩnh đá V-League.
Pham Minh Duc.jpg |
Khi dẫn Hà Nội T&T mùa 2016, tôi không tồn tại được. Tôi chẳng là gì ở tập thể ấy cả.
HLV Phạm Minh Đức
Khi dẫn dắt Hà Tĩnh ở hạng Nhất, tôi đâu có mang ngôi sao nào về. Chính 3 cầu thủ ngoại hiện tại mới là những ngôi sao. Tại sao họ nghe tôi? Vì họ thích phương pháp tôi đưa ra.
Buổi sáng họ muốn nghỉ vì trời nắng, tôi đồng ý luôn. Khi tập huấn, tôi chỉ để họ tập vào buổi sáng khi trời mát lạnh để tích lũy thể lực. Còn vào giải, Hà Tĩnh nghỉ hết sáng, đến chiều mới tập. Cầu thủ thấy "à, HLV có phương pháp khoa học nhỉ", họ sẽ thích thú.
Ở Việt Nam, nhiều cầu thủ lớn tuổi có tính chuyên nghiệp không cao. Nhiều ngôi sao ở thế hệ trước không bao giờ tôn trọng đồng đội hay HLV. Họ rất thiếu chuyên nghiệp. Cầu thủ ngôi sao ở Việt Nam thích HLV nịnh mình để đá bóng.
Cầu thủ hay HLV cũng đều là người làm thuê cho ông chủ thôi. Tôi có quyền xin ông chủ là tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về chuyên môn. Ngôi sao vào sân tập luyện, thi đấu mà thiếu trách nhiệm, tự tập thể sẽ nhìn vào.
Cầu thủ ngôi sao mà lười tập, sinh hoạt bê trễ thì không được. Tôi đá bóng ở Việt Nam 10 năm chuyên nghiệp, 8 năm bao cấp nên thừa hiểu vấn đề này. Đó là lý do tôi thích cầu thủ trẻ. Nhiều cầu thủ Hà Tĩnh chỉ là "hàng thừa" ở các đội khác, giờ về đây tạo thành tập thể mạnh. Tôi tin tưởng, rèn luyện cầu thủ, miễn là họ chịu khó học hỏi. Năm nay không được thì năm sau. Tôi tin họ sẽ trưởng thành.
Mà nói thật, ở Việt Nam làm gì có ngôi sao. Văn Hậu sang Heerenveen còn phải đá đội U21, Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh đi nước ngoài cũng dự bị. Bóng đá Việt Nam chưa có ngôi sao. Cầu thủ nên nhớ rằng ra sân thì phải cống hiến hết mình cho khán giả. Đó là triết lý tôi đang xây dựng.
- Nói vậy có nghĩa Phạm Minh Đức muốn đào tạo cầu thủ giỏi hơn là dẫn dắt tập thể có sẵn tên tuổi?
Tôi thích đưa các cầu thủ tiềm năng thành cầu thủ lớn. Dù thua đi nữa, tôi vẫn tin tưởng họ. Cầu thủ trẻ tìm đến mình vì họ muốn được học nghề, chứ nhiều cầu thủ nổi tiếng rồi lại tự nghĩ mình hay. Vào sân thi đấu, họ chỉ cần lơ đãng chút thôi là trả giá.
Tôi không muốn nói tên, nhưng nhiều tuyển thủ quốc gia đá V-League còn mắc lỗi nhiều hơn cầu thủ Hà Tĩnh. Họ tưởng hay, mà đâu có hay.
Nếu được dẫn dắt đội bóng có cầu thủ tên tuổi, tôi sẽ chọn những người chuyên nghiệp, yêu bóng đá, thích thể hiện bản thân, tất nhiên phải quen với triết lý của tôi.
Khi cầu thủ cần, tôi sẽ huấn luyện thể lực, lựa chọn những phương án tốt nhất, hợp nhất để phát triển cho họ. Tôi chọn những cầu thủ thế thì mới làm được. Mansaray là một ví dụ. Ở nhiều đội khác, cậu ấy thi đấu không tốt, nhưng chơi rất nhiệt huyết khi về Hà Tĩnh vì tôi có phương pháp cho cậu ấy.
Quang Hải (giữa) và Thành Chung là những sản phẩm đào tạo ưu tú của HLV Minh Đức. |
Nếu có cầu thủ như Hùng Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Thành Chung thì quá tốt. Khi họ ra sân, HLV không phải nói nhiều. Thầy đưa giáo án, trò tập răm rắp, còn thích được thi thố tài năng. HLV phải nhận biết cầu thủ hay ở đâu. Nếu họ chưa hay, tôi sẽ nói họ lựa chọn chưa đúng, mở băng cho họ xem.
Còn không, tôi sẽ dạy học trò của mình trở thành tên tuổi lớn. Hoàng Lâm là ví dụ. Cậu ấy có chiều cao 1m87, ngang với một ngoại binh. Hoàng Lâm ít được đá ở HAGL, bị chê là chậm, nhưng tôi rất kiên trì nên càng về sau, cậu ấy đá càng tốt lên. Tôi nói cậu ấy phải tập lên cho khỏe, nếu không thực hiện được giáo án của tôi thì đừng đá bóng nữa. Giờ thì Hoàng Lâm không bị hụt hơi, cậu ấy chơi rất ổn.
Tôi có đùa cầu thủ: "Thầy mà không già yếu, thầy cũng đi đá bóng như các con rồi". Tôi thích làm cầu thủ hơn HLV chứ. Tính tôi ngang tàng, nhưng làm HLV rồi, tôi luôn biết khi nào nên sống với cầu thủ như thầy, khi nào sống như đồng nghiệp. Tôi phải đồng cảm, phải hiểu cho họ.
- Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã có hành trình lượt đi đáng nhớ dù lần đầu lên chơi ở V-League. Nhớ lại khi bốc thăm lịch thi đấu, ông có lo không khi biết Hà Tĩnh toàn gặp đội "khó chơi" ở chặng khởi đầu?
Tôi rất lo khi nhìn lịch thi đấu của Hà Tĩnh ở V-League 2020. Một tân binh vừa lên V-League mà phải gặp CLB Viettel ở trận đầu tiên, vòng 2 đá ở sân Nam Định, vòng 3 phải đá ở sân Quảng Ninh, vòng 4 về sân nhà gặp Hà Nội FC, vòng 5 sân nhà gặp SHB Đà Nẵng.
Nhìn lịch thi đấu này, rõ ràng nhiều người sẽ đánh giá Hà Tĩnh "chết". 5 trận này, tôi từng nghĩ Hà Tĩnh giỏi lắm có 1 điểm ở Nam Định, nhưng sau cùng đặt mục tiêu 5 trận đầu kiếm 5 điểm, tức là có 5 trận hòa, như thế là ổn rồi đúng không?
Hà Tĩnh có niềm tin trước giờ bóng lăn, và niềm tin ấy được chuyển hóa thành quả ngọt.
- Niềm tin ấy có lung lay khi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bại cả hai trận đầu?
Trận gặp CLB Viettel, cầu thủ Hà Tĩnh mắc lỗi cá nhân, hậu vệ cũng chưa ổn lắm nên để thua dễ dàng quá. Trận đó hòa thì hợp lý hơn, nhưng kết quả thua giúp cầu thủ có bài học. Ở trận với Nam Định, chúng tôi bị xáo trộn vì có nhiều ca chấn thương. Tôi có thay đổi, tạo điều kiện cho cầu thủ thi đấu nhưng không đạt yêu cầu.
Ở hàng tiền vệ, tôi dùng ngoại binh Pina và Tấn Tài nên không mạnh ở khâu đánh chặn. Sau trận này, dịch COVID-19 khiến giải bị hoãn. Sau 2 vòng đó, chúng tôi được thay ngoại binh, loại Pina để mang về Victor Mansaray - cầu thủ bị Thanh Hóa thanh lý hợp đồng.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh khởi đầu rất khó khăn nhưng vẫn cán đích lượt đi trong top 8. (Ảnh: VPF) |
Lúc COVID-19, không lấy được cầu thủ khác, nên tôi phải đánh bài liều với Mansaray. Mansaray khi ấy không đảm bảo, tính cách cũng không ổn, song chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Dù vậy, rất may là có 2 tháng nghỉ giải nên tôi có thời gian rèn cho Mansaray.
Hà Tĩnh có thời gian tập luyện, nhìn nhận lại 2 trận trước và nhận thấy đội rất không ổn. Sau khi nghiên cứu chiến thuật, tôi đề ra phương pháp tiếp cận mới cho đội. Trước tiên là không được thua, muốn như vậy thì phải đá 5 hậu vệ, trong đó có 3 trung vệ, qua đó mỗi trận phải có ít nhất 1 điểm để lấy tinh thần.
Khi giải trở lại, chúng tôi thắng Tây Ninh, Quảng Nam ở Cúp Quốc gia. Hà Tĩnh xây dựng lối chơi phòng ngự phản công từ lúc này. Ở Cúp Quốc gia, sơ đồ mới phát huy hiệu quả. Tôi mang công thức đấy để giúp Hà Tĩnh đá với Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả.
Cầu thủ đã tiếp thu tốt, phong tỏa Xuân Tú, Hồng Quân, Jermie Lynch, Hải Huy,... Hà Tĩnh may mắn có bàn thắng đầu, khiến đối thủ phải lao lên và chúng tôi trừng phạt họ. Hà Tĩnh đã thắng Quảng Ninh. Đó là chiến thắng đầu tiên của tôi ở V-League. Đây là 3 điểm bản lề, giúp cầu thủ tự tin với lối chơi mới của đội.
- Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã lột xác hoàn toàn sau trận này. Sau đó đội hòa Hà Nội FC, đây cũng là trận đấu cho cả V-League thấy rằng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là đội rất khó bị đánh bại?
Nhiều cầu thủ Hà Nội FC là học trò cũ của tôi, nên tôi nghĩ 1 điểm là khả thi. Đây là trận đấu Hà Tĩnh có nhiều cơ hội ghi bàn trước nhưng không tận dụng được, rồi lại để Hùng Dũng lập công để đưa Hà Nội FC dẫn trước. Song, Hà Tĩnh đã chơi cố gắng và có trận hòa. 4 trận 4 điểm, mỗi trận một điểm. Tôi nói với học trò như thế là đạt yêu cầu rồi.
Mansaray (số 80) chơi tốt ở Hà Tĩnh. (Ảnh: VPF) |
- Sau đợi nghỉ dịch lần thứ hai, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thắng liền một mạch 2 trận để vươn lên ngoạn mục. Điều gì đã xảy ra?
Dịch COVID-19 là điều không ai mong muốn, nhưng quãng nghỉ dịch lần thứ hai đã giúp ích nhiều cho đội Hà Tĩnh. Cầu thủ quay về tập luyện, được nghỉ ngơi sau 60 ngày đá 13 trận liên tục. Nhiều cầu thủ chấn thương được phục hồi.
Trước khi V-League trở lại, chúng tôi có đà ở Cúp Quốc gia với một trận tứ kết. Hà Tĩnh thua Quảng Ninh ở sân nhà, kết quả không vui nhưng đây cũng là phép thử với cầu thủ trẻ. Chúng tôi không đặt mục tiêu cao ở Cúp Quốc gia, nên bị loại có khi lại hay. Đá liên tục ở Cúp Quốc gia cũng rất mệt, phải di chuyển và thi đấu liên tục.
Trận gặp Thanh Hóa rất quan trọng với cơ hội trụ hạng. Tôi đặt mục tiêu 1 điểm, bởi vì thua là "chết". Tôi không nghĩ cầu thủ đã trưởng thành để thắng trận ấy. Ở những trận sống còn, cầu thủ lớn còn tâm lý nữa là tài năng trẻ, song Hà Tĩnh đã chơi tốt, đảo lộn cục diện trong 15 phút cuối.
Sau trận từ "cõi chết trở về", tôi rất tự tin ở trận gặp Quảng Nam. Cuối cùng là Hà Tĩnh thắng, dù chỉ đặt mục tiêu hòa.
- Trở lại với vị trí thứ 8 của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, ông có bất ngờ không với thành tích hiện tại? Lần đầu đá V-League và đặt mục tiêu trụ hạng, nên giờ lọt nhóm đua vô địch mang lại cảm giác lạ lẫm?
Hà Tĩnh có một phần may mắn khi lọt vào top 8. Sau trận thắng Quảng Nam, tôi nói với cầu thủ Hà Tĩnh rằng "chúng ta đã là nhà vô địch". Vô địch với chính thực lực của cầu thủ trẻ Hà Tĩnh. Họ đã đá tuyệt vời, ngoài mong đợi của tôi. Cầu thủ trẻ đã thi đấu vô cùng nỗ lực.
Tôi đã nói với cầu thủ từ trước rằng phải có niềm tin, khát vọng. Dù thua 2 trận đầu, nhưng tôi cũng vẫn khẳng định mong muốn Hà Tĩnh vào top 8. Chỉ tiêu ban đầu lãnh đạo giao cho đội là trụ hạng, nhưng tôi muốn vào top 8.
Thông thường, các tân binh khi đá V-League sẽ đứng ngoài vị trí thứ 10, nhưng tôi muốn tự đặt chỉ tiêu cao cho bản thân và toàn đội để cầu thủ phải rất tập trung, từ sinh hoạt, giữ sức khỏe, nỗ lực cả trong tập luyện phải thi đấu.
Cầu thủ trẻ Hà Tĩnh bền bỉ và lỳ lợm. (Ảnh: VPF) |
- Khát vọng và sức trẻ là bí quyết giúp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vượt mặt một loạt đội bóng có thực lực để đứng ở nửa trên?
Tôi siết chặt kỷ luật, đồng thời tin tưởng cầu thủ của mình. Tôi cũng nói với học trò rằng cứ phấn đấu rồi cái gì đến sẽ đến. Cầu thủ đã cố gắng và trưởng thành qua từng trận đấu. Chúng tôi luôn có những cuộc họp và chỉnh sửa cho nhau trong từng buổi tập.
Nếu ai xem Hà Tĩnh sẽ biết: cầu thủ chúng tôi ít khi bị tâm lý, chẳng e ngại ai cả. Thiếu sót của chúng tôi nằm ở các pha xử lý đôi khi chưa được như mong muốn. Các em còn trẻ, nên tư duy, kỹ thuật chưa được đúng, hơi vội vàng. Tuy nhiên, về tâm lý thì Hà Tĩnh không ngại ai, dù đá hạng Nhất hay V-League.
- Nhờ sự kỹ tính và sát sao của ông với học trò, Hà Tĩnh chơi rất hay dù chưa hề có kinh nghiệm?
Tôi có kinh nghiệm, hiểu được cầu thủ trẻ và trao cho họ niềm tin để tiến bộ. Với tôi, cầu thủ trẻ mà chơi nhiệt huyết thì còn giá trị hơn nhiều so với cầu thủ giàu kinh nghiệm mà không chịu dùng hết kinh nghiệm của mình. Cầu thủ nổi tiếng mà không tuân thủ ý đồ chiến thuật của HLV, thì coi như HLV không còn giá trị gì trong trận đấu ấy.
Tôi giúp cầu thủ tin tưởng hơn vào chính bản thân họ. Tôi luôn khuyên học trò là càng đá với đối thủ mạnh, họ càng phải đá mạnh bạo, đá tự tin vào. Đá ngang với họ tức là đẳng cấp mình đã tăng lên. Đối thủ có là ngôi sao đi nữa, thì trong trận đấu họ cũng chạy như mình.
Video: Hà Tĩnh quật ngã á quân CLB TP.HCM
Các đội trên thế giới chạy 12km mỗi trận thì tôi bảo học trò mình chạy thử 10km đi, gây áp lực với đối thủ nhiều vào. Phải theo người, hỗ trợ lẫn nhau, lấp khoảng trống, suy nghĩ trước đi và luôn chủ động. Làm được điều đó là đã ngang với người ta rồi.
Nòng cốt Hà Tĩnh đá hạng Nhì từ năm 17 tuổi, đến lúc này đã chơi ở V-League. Họ tiến chậm nhưng chắc lắm. Văn Xuân được tôi dạy nâng cao từ năm 2017, rồi Việt Anh, Xuân Tú, hay trước đó là Văn Toàn, Thành Chung,... đều trở thành cầu thủ tốt.
- Ông chú trọng vào thể lực, nên cầu thủ Hà Tĩnh chạy nhanh, khoẻ và có thể di chuyển với cường độ cao ở hầu hết các trận?
Tôi luôn tâm niệm "nhất lực, nhì tài". Phải có khoa học, thể lực thì mới áp dụng được chiến thuật. Mọi ý tưởng của tôi, cầu thủ đều làm tốt.
Khi cầu thủ cần, tôi sẽ huấn luyện thể lực, lựa chọn những phương án tốt nhất, hợp nhất để phát triển cho họ. Tôi chọn những cầu thủ thế thì mới làm được. Mansaray là một ví dụ. Ở nhiều đội khác, cậu ấy thi đấu không tốt, nhưng chơi rất nhiệt huyết khi về Hà Tĩnh vì tôi có phương pháp cho cậu ấy.
CLB Hà Tĩnh sẽ thi đấu thăng hoa trong giai đoạn 2 của V-League 2020? (Ảnh: VPF) |
- Ông từng mắng học trò ngay trên sân là "đá như thế có xứng đáng được ra sân không". Dường như ông rất khắt khe, luôn đòi hỏi cao độ ở cầu thủ?
Tôi từng mắng một cầu thủ vì cậu ấy chơi không đạt, vẫn còn nhút nhát, tính chiến đấu không cao. Cầu thủ mà không có tính chiến đấu thì sẽ làm nhụt chí đồng đội.
Tôi là chuyên gia đào tạo trẻ, nên rất kỹ tính với các động tác. Từ động tác chạm bóng, tư thế chạm - nhận bóng, tiếp xúc khi chuyền bóng, tôi đều chỉnh kỹ cho các em. Tôi dạy các em phải đứng nhận bóng thế nào để có nhiều hướng xử lý hơn, có nhiều lựa chọn chuyền bóng hơn, rồi hậu vệ phải làm thế nào để đọc ý đồ của đối thủ.
HLV đào tạo trẻ là phải dạy cho cầu thủ của mình. Tôi có nhiều năm thi đấu nên lấy kinh nghiệm của mình để rèn giũa lại cho học trò, nên các em rút ngắn được thời gian học hỏi, nhờ đó họ sẽ có niềm tin hơn.
HLV Phạm Minh Đức đang thành công với những nhân tố trẻ tại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. |
Khi thấy cầu thủ của mình không đủ mạnh mẽ để ngăn cản đối thủ, tôi sẽ góp ý rất gắt gao. Kể cả khi hết trận, tôi vẫn nói với các em là tại sao đông cầu thủ thế mà vẫn bị gỡ hòa.
Tôi là HLV, tôi nhìn thấy cầu thủ mình có lỗi thì phải dạy họ tốt lên. Họ sẽ phát triển và tốt hơn cho đội. Tôi là người quan sát ở ngoài ván cờ, nên biết người đánh cờ cần có nước đi nào.
Có lúc tôi đứng ngoài đường biên, tôi phải nói chuyện với cầu thủ, giúp họ đoán biết trước tình huống, ví dụ như đối thủ sẽ tạt bóng thế nào, cậu phải chuẩn bị đi. Nhiều cầu thủ bây giờ đá bóng mà ít thông tin với nhau quá, đó là thiệt thòi cho chính họ.
Cầu thủ mà không tập trung, lơ là, không phòng ngự chặt thì sẽ chịu bàn thua. Mình phải giúp cầu thủ lường trước được, giống như "đưa phao" cho họ chép bài vậy. Có học trò chỉ cần gạch vài ý là hiểu, nhưng có người cứ phải kề sát nhắc nhở thì mới làm được. Cầu thủ cũng vậy thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bóng đá nam SEA Games 31 có thể tổ chức ở Phú Thọ |
Ngộ nhận bóng đá Việt Nam đã vượt Thái Lan !? |
Bóng đá Việt Nam lại khiến thế giới phải trầm trồ |