Sự phát triển chuyên nghiệp trong suốt thời gian dài của Thai-League, cùng thành tích thi đấu của các CLB ở đấu trường châu lục giúp Thái Lan có số điểm tích lũy lên tới 51.189. Và để đuổi kịp họ trên bảng xếp hạng của AFC, V-League cần thời gian.
Mới đây, khi bảng xếp hạng FIFA tháng 9-2020 được công bố, Việt Nam (hạng 94) tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á và bỏ xa đội bám đuổi là Thái Lan tới 20 bậc, chuyện ai là số 1 Đông Nam Á lại tiếp tục được "xới lên".
Bóng đá Thái Lan (trái) vẫn sẽ là đối trọng với bóng đá Việt Nam trong tương lai |
Xét về thành tích thi đấu quốc tế trong hai năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam thực sự vượt trội so với phần còn lại của khu vực.
Thầy trò HLV Park Hang-seo lần lượt giành á quân U23 châu Á 2018, hạng tư ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, top 8 Asian Cup 2019 và đang dẫn đầu bảng G vòng loại World Cup 2022 - nơi ba đại diện khác của Đông Nam Á là Malaysia, Thái Lan, Indonesia cùng góp mặt - sau 5 lượt trận.
Thế nhưng thành tích nhất thời đó chưa đủ để khẳng định vị thế thực sự của nền bóng đá, nơi mà giải vô địch quốc gia thường được dùng làm thước đo.
So với Malaysia và Singapore, giải VĐQG Việt Nam (V-League) mới vượt lên từ cuối năm 2019 đến nay. Còn so với giải VĐQG Thái Lan, V-League thua xa.
Theo công bố xếp hạng các giải VĐQG khu vực châu Á mới nhất, V-League xếp thứ 16 với 28.571 điểm, trên Malaysia (hạng 18), Singapore (hạng 19) nhưng kém giải Thai-League tới 8 bậc.
Sự phát triển chuyên nghiệp trong suốt thời gian dài của Thai-League, cùng thành tích thi đấu của các CLB ở đấu trường châu lục giúp Thái Lan có số điểm tích lũy lên tới 51.189. Và để đuổi kịp họ trên bảng xếp hạng của AFC, V-League cần khoảng thời gian rất dài.
Khi AFC thay đổi cách xét chọn và nâng số đội dự AFC Champions League 2021, bóng đá Việt Nam vui mừng khi có 1 suất vào thẳng vòng bảng (lần gần nhất một CLB Việt Nam đá vòng bảng AFC Champions League cách đây 12 năm). Nhưng nếu nhìn ra khu vực, V-League chỉ ngang giải VĐQG Singapore, Malaysia và thua xa Thái Lan - nền bóng đá có tới 2 suất vào thẳng vòng bảng, 2 suất đá play-off AFC Champions Leauge mùa sau.
Ở giá trị thương mại, mới đây Liên đoàn bóng đá Thái Lan ký thành công hợp đồng bán bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp quốc gia lên tới 9.000 tỷ đồng trong 8 năm. Trong khi ở V-League, con số này chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng/mùa.
Các cầu thủ trưởng thành từ Thai-League đang có suất đá chính khi ra thi đấu nước ngoài như Chanathip, Theerathon, Dangda, Thitipan (Nhật Bản), Kawin (Bỉ). Trong khi đó, các cầu thủ V-League xuất ngoại như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu... chủ yếu ngồi dự bị, và sau một thời gian không trụ nổi phải về lại V-League để có cơ hội ra sân thường xuyên.
Dẫn lại để thấy bóng đá Thái Lan vẫn có một vị thế nhất định trên bản đồ khu vực và châu lục nói chung. Đó là điều bóng đá Việt Nam đang từng bước tạo dựng, với tinh thần cạnh tranh chứ không nền là sự ngộ nhận dựa trên một vài thành tích mang tính nhất thời.
Lionel Messi, kỳ quan của bóng đá và tinh thần không bao giờ lùi bước |
Bóng đá Việt Nam lại khiến thế giới phải trầm trồ |