Hàng trăm cột điện bị đổ gãy: Chất lượng có đảm bảo?

Thời gian gần đây, dư luận ở Thừa Thiên - Huế xôn xao trước việc dù bão số 5 vừa qua không quá lớn nhưng có đến hơn 400 cột điện ở địa phương này bị gió bão quật gãy. Đáng chú ý, trong số cột bị gãy, có không ít cột điện bê tông ly tâm được cho là có khả năng chịu lực tốt và có chống được sức gió giật trên cấp 12.

Theo thông tin từ đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), lưới điện trên địa bàn một số tỉnh miền Trung đã bị hư hỏng nặng do cơn bão số 5.

Cụ thể, về thiệt hại lưới điện do bão gây ra, trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng, trên tổng số 531.135 cột điện tại các tỉnh, thành phố nêu trên.

Trong số này có 304 cột bị gãy (chiếm tỷ lệ 0,06%), 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng. Trong số các cột bị gãy thì có 34 cột bê tông dự ứng lực và 270 cột bê tông thường. Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột bê tông dự ứng lực. Thống kê trên cho thấy, tỷ lệ cột bê tông dự ứng lực chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số cột điện bị gãy.

5109 d470d2d45497bdc9e486

Theo giải thích từ phía EVNCPC, từ kiểm tra thực tế các khu vực có cột điện nghiêng, gãy, đổ, nguyên nhân là do cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây) quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột.

Cũng theo EVNCPC, một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột.

Đại diện của EVNCPC cũng cho biết đã rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị, tất cả đều đảm bảo theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật đấu thầu.

Qua rà soát, các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.

Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016, tùy mục đích sử dụng, trạng thái ứng suất, kích thước, tải trọng và mô men uốn thiết kế, cột điện bê tông được phân thành hai nhóm I và II. Cột nhóm I được sử dụng để truyền dẫn, phân phối điện. Còn cột nhóm II được sử dụng cấp điện cho các tuyến đường sắt, xe điện...

Cột bê tông cốt thép ly tâm thuộc nhóm I có dạng côn cụt rỗng, với chiều dài 6-22 m, mặt cắt tròn độ côn bằng 1,11% và 1,33% theo chiều dài cột. Cột nhóm II có dạng hình trụ rỗng, chiều dài từ 8-14 m. Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, những cột điện bị gãy trong cơn bão số 5 vừa qua thuộc nhóm I.

Cũng theo TCVN 5847:2016, vật liệu để sản xuất cột điện gồm xi măng, nước, phụ gia, bê tông... Tất cả vật liệu này phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng.

Để sản xuất cột điện bê tông cốt thép ly tâm có thể sử dụng xi măng poóc lăng (loại vật liệu được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới, nó là thành phần cơ bản của bê tông, vữa, hồ) phù hợp với TCVN 2682:2009 hoặc TCVN 6260:2009.

Đối với khu vực môi trường xâm thực có thể dùng xi măng poóc lăng bền sun phát phù hợp với TCVN 6067:2004 (hoặc phù hợp với TCVN 7711:2013).

Ngoài ra, TCVN cũng cho phép nhà sản xuất sử dụng các loại xi măng poóc lăng khác kết hợp với phụ gia hoạt tính, đáp ứng yêu cầu về khả năng chống xâm thực.

Tuy nhiên, sau cơn bão số 5 vừa qua, cần xem xét lại các vấn đề quản lý chất lượng từ khâu thiết kế, đúc cột, lắp đặt ở thực tế hiện trường để xem sai phạm ở chỗ nào. Nhiều ý kiến cho rằng về thiết kế được chuẩn hoá, định hình trong cả nước nên sai sót ở khâu này rất ít xảy ra. Tuy nhiên, trong quá trình đúc cột lại có thể xảy ra những vấn đề chất lượng vật liệu đầu vào: cát, đá, xi măng, thép, cáp dự ứng lực, nêm, neo không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Sai sót cũng rất dễ xảy ra nếu đơn vị đúc cọc, đơn vị đặt hàng, tư vấn giám sát không theo dõi sát sao... Nếu kích không đảm bảo yêu cầu có thể dẫn đến thừa lực kéo (cáp đứt) hoặc thiếu lực khiến cáp không đủ ứng suất để tham gia chịu lực. Cả hai việc này đều có khả năng làm cột gãy khi ngoại lực tác động vào.

Trả lời báo chí, ông Hà Thanh Long - Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho hay, đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua ngành điện bị thiệt hại nghiêm trọng như vậy. Cơn bão số 5 có gió cấp 7-8, giật khoảng cấp 10 nhưng số cột điện bị hư hỏng rất nhiều.

Theo thiết kế thì cột điện ly tâm dự ứng lực chịu được sức gió giật trên cấp 12. Theo thiết kế, loại cột này có khả năng chịu gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế. Tuy nhiên, cơn bão vừa qua gió giật chưa đến cấp 12 nhưng nó vẫn bị gãy.

Hiện ở Thừa Thiên - Huế có 2 loại cột điện gồm cột thép đúc truyền thống và ly tâm dự ứng lực. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, cột điện ly tâm dự ứng lực chịu lực tốt, nhưng có đặc tính giòn. Trong khi đó, cột đúc truyền thống có đặc tính dẻo.

Người đứng đầu Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, công ty điện lực cũng chỉ là đơn vị sử dụng chứ không sản xuất cột điện. Để xác định rõ nguyên nhân các cột điện bị gãy cần phải có sự đánh giá lại của hội đồng khoa học thì mới chính xác.

PV (th)

Ngành điện giải thích về chất lượng cột điện bê tông dự ứng lực Ngành điện giải thích về chất lượng cột điện bê tông dự ứng lực
Vì sao 200 cột điện ở Huế gãy, đổ? Vì sao 200 cột điện ở Huế gãy, đổ?
Vì sao nhiều cột điện gãy, đổ trong bão số 5? Vì sao nhiều cột điện gãy, đổ trong bão số 5?
/ Nghề nghiệp và cuộc sống