- Đơn vị vận hành đường sắt Cát Linh- Hà Đông ghi nhận lỗ 64 tỷ trong năm đầu tiên
- Dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ cần thống nhất quy hoạch về hướng tuyến
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết thành phố sẽ giải phóng mặt bằng toàn tuyến vành đai 4 từ 90 - 120m chiều ngang, đồng thời đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô.
Sáng 27/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Đông Anh và 2 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại hội nghị, cử tri bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, mong muốn dự án sớm được triển khai với tinh thần mẫu mực, chất lượng, hiệu quả, không có tham nhũng tiêu cực để các công trình khác noi theo.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Tiếp thu ý kiến của các cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đường vành đai 4 là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách với Hà Nội. Đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển, mà còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư nội đô, giúp giải bài toán quá tải hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng đối với TP Hà Nội, các tỉnh có dự án đi qua và vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
"Với tinh thần quyết tâm và quyết liệt, thành phố đề xuất, các cấp, các ngành đã đồng ý, cuối cùng là Quốc hội thông qua. Chiều nay (27/6) chúng tôi sẽ họp ban chỉ đạo về dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để triển khai các bước, phải có kế hoạch, sẽ phải có tiến độ rất cụ thể theo từng kỳ", ông Đinh Tiến Dũng nói.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đây được xem là dự án lớn nhất của thành phố từ trước đến nay với tổng mức đầu tư khoảng 85.000 tỷ, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến dự kiến là trên 19.000 tỷ.
"Thành phố quyết tâm sẽ giải phóng mặt bằng một lần toàn tuyến. Nếu chúng ta chậm vài năm nữa không biết chi phí sẽ tăng lên bao nhiêu nghìn tỷ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất không phải là tiền, mà là khi dân cư vào vùng giải phóng mặt bằng thì khi tái định cư sẽ rất khó khăn, không biết khi nào bà con mới ổn định đời sống được", ông Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, đúng như mong muốn của cử tri, bước đầu thành phố đã có chủ trương dự án mẫu mực, tới đây sẽ quyết tâm để thực hiện phải thật mẫu mực. Trong đó, thành phố sẽ giải phóng toàn tuyến từ 90 - 120m chiều ngang, đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, chuyển tuyến đường sắt từ Yên Viên đến ga Hà Nội hiện nay thành tuyến đường sắt đô thị.
https://vtc.vn/ha-noi-se-dua-duong-sat-quoc-gia-ra-khoi-noi-do-ar684522.html