- Nhiều cơ hội cho học sinh chưa trúng tuyển lớp 10 tại Hà Nội
- Sẵn sàng triển khai chương trình mới với lớp 10
Môn thi thứ 4 vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội là gì? Bao giờ công bố? nên bỏ hay giữ đang sôi nổi trên nhiều cộng đồng mạng lúc này.
Cuộc thi vào lớp 10 vào các trường Trung học phổ thông (THPT) công lập (trường cấp 3) được các phụ huynh và học sinh cho rằng còn khó hơn cả thi vào đại học. Do đó, nhiều gia đình đang có con thi vào lớp 10 năm nay đang dồn hết tâm sức cho kỳ thi quan trọng này.
Nếu như thời điểm trước Tết, học sinh tập trung ôn thi 3 môn chính gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại Ngữ thì thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh và học sinh đang ‘ngóng’ môn thi thứ 4 được công bố.
Em Nguyễn Tuấn Minh, học sinh lớp 9 quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, từ đầu năm học, ngoài 3 môn chính là Ngoại ngữ, Ngữ văn, Toán thì em có đi học thêm 2 môn nữa là Vật lý và Hóa học. Không quá hồi hộp chờ đợi môn thi thứ 4 vào lớp 10 được công bố là môn gì nhưng chúng em vẫn là mong được biết sớm để có nhiều thời gian ôn thi.
Học khá đều các môn, em Lê Đức Anh, học sinh lớp 9 quận Đống Đa, Hà Nội cũng có chung tâm trạng là đang chờ Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội công bố môn thi thứ 4 để có thể tập chung chuyên sâu hơn vào ôn thi. 'Từ đầu năm em đã lên kế hoạch học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Năm ngoái, do tác động của dịch Covid-19 kéo dài nên các anh chị được bỏ môn thi thứ 4 giúp giảm áp lực học tập và thi cử. Sang kỳ thi năm nay, em cũng nghe cha mẹ và thầy cô giáo nói sẽ vẫn thi môn thứ 4. Cũng không biết sẽ rơi vào môn nào. Nên em cố gắng học đều các môn để khi quyết định được công bố thì việc ôn thi của em cũng không quá vất vả', em Lê Đức Anh cho biết.
Thời gian này, cùng với việc chờ công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10, trên một số diễn đàn mạng xã hội đang đưa thông tin cũng như kêu gọi Hà Nội bỏ môn thi thứ 4. Lý do đưa ra thì khá nhiều.
Cụ thể, không nên thi môn thứ 4 nữa nhằm giảm áp lực cho các em;
Kể từ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, bước sang giai đoạn “giáo dục định hướng nghề nghiệp”, học sinh không nhất thiết học cả 6 môn nói trên. Các em sẽ được chọn 4 môn trong 9 môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mĩ thuật, Âm nhạc. Do đó, tuyển sinh đầu vào một cấp học “định hướng nghề nghiệp” như cách trước đây của Hà Nội sẽ không còn phù hợp;
Nhiều người dẫn chứng, hiện, TP. Hồ Chí Minh từ trước đến nay chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ nhưng chất lượng dạy và học ở THCS và THPT vẫn không ảnh hưởng. Hay mới đây, Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng đề xuất phương án tổ chức 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhằm giảm tải áp lực cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh, học sinh. Bài thi môn Toán và Ngữ văn sẽ nhân điểm hệ số 2, điểm bài thi Ngoại ngữ hệ số 1…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, một phụ huynh đang có con học lớp 9 tại Hà Nội cho rằng, việc bỏ môn thi thứ 4 sẽ có tính 2 mặt. Thứ nhất, các con chỉ chuyên tâm học các môn chính, còn môn phụ các con sẽ chểnh mảng không học, dẫn đến hổng kiến thức, và hệ lụy là một bộ phận học sinh không biết lịch sử, không hiểu địa lý,…
Thứ 2, với trường hợp 3 môn chính ở đây là Toán, Văn, Ngoại ngữ các cháu không có lợi thế (không có năng khiếu) thì một môn thì môn thi thứ 4 này sẽ là môn gỡ điểm.
'Quan điểm của tôi cho rằng, vấn đề không phải là thêm hay bớt một môn mà cần thêm trường học cấp 3, vì hiện nay, xã hội phát triển, mở rộng và sát nhập các vùng nhưng số lượng trường học không tăng thêm (chỉ tăng thêm trường dân lập vì nhu cầu học quá cao). Điều này khiến cho cuộc thi vào cấp 3 giống như một cuộc chiến của cả phụ huynh và học sinh’, vị phụ huynh này chia sẻ.
Ngoài ra, việc nhân đôi hệ số điểm với 2 môn Văn và Toán mới chính là áp lực với cả học sinh và giáo viên trong khi việc chọn ngành học (yếu tố quyết định của học môn nào quan trọng) lại ở cấp 3.
‘Trước đây, trường THPT có hệ B (hệ nộp nhiều tiền hơn), tuy có phân cấp nhưng các con vẫn được học chung 1 chương trình giáo dục và giáo viên chuẩn của từng trường trong công lập’, vị phụ huynh này chia sẻ thêm.
Về phía các nhà trường cũng cho hay, hiện tại, Sở Giáo dục và đào tạo chưa công bố môn thi thứ 4 nên nhà trường vừa dạy đều các môn vừa song song ôn thi cho học sinh 3 môn đã biết trước.
Tuy nhiên, dù tháng 3 biết môn thi thì học sinh vẫn còn nhiều thời gian để tập trung ôn thi nhóm 6 môn còn lại gồm: Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Giáo dục công dân.
Đề thi cũng không đáng lo ngại vì Sở cũng nắm được tình hình học sinh và ra đề không mang tính đánh đố.
Tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh và học sinh muốn biết trước các môn thi để các con tập trung vào ôn tập hay bỏ môn thi thứ 4 là không tránh khỏi lúc này.
Tuy nhiên, việc bỏ hay không bỏ cũng như thời gian công bố môn thi thứ 4 là chủ trương của Sở. Thời gian này, quan trọng nhất là sự đồng hành của giáo viên và phụ huynh với học sinh để các em yên tâm học tập, củng cố chắc chắn kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi thật tốt.
Về phía các phụ huynh, việc lo lắng chỉ tạo thêm áp lực và không thể giúp con học tốt hơn. Cần phải xác định rõ năng lực của con trên cơ sở luôn luôn cập nhật điểm số các bài kiểm tra trên lớp, lắng nghe sự định hướng của giáo viên chủ nhiệm để chọn cho con 1 ngôi trường phù hợp nhất.
Theo quyết định hiện hành của UBND thành phố Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ có 4 môn thi, gồm 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 công bố vào tháng 3 hàng năm.
Lý do để chọn thời điểm này mới công bố được đại diện Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội đưa ra cho biết nếu công bố sớm, học sinh sẽ không học các môn không thi, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học.
Sở cũng yêu cầu các trường tổ chức dạy học đầy đủ nội dung các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định nhằm bảo đảm học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt để tiếp tục học tập có chất lượng khi vào lớp 10.