Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 15/7, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, chỉ số tia UV ở mức báo động.
Ngày 15/7, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C; Bắc Bộ và khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-18 giờ. Khu vực Hà Nội có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.
Chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1.
Tia UV (hay còn được gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại) là bức xạ điện từ có trong ánh sáng mặt trời, có bước sóng từ từ 400 nm đến 100 nm. Tia UV được chia thành ba loại như sau:
- Tia UVA: vùng tia này gần với vùng ánh sáng nhìn thấy (Bước sóng 315 nm÷380 nm).
- Tia UVB: vùng bức xạ này có bước sóng dài hơn tia UVA (bước sóng 280 nm÷315 nm, gây say nắng, tổn thương làm đen da).
- Tia UVC: đây là vùng tia UV có năng lượng cao nhất. (tia UVC có bước sóng 100 nm÷280nm, gây ung thư da nhưng đã có tầng Ozon chặn lại. Chúng ta thường phải tiếp xúc với UVA (90%) và UVB (10%)
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ khuyến nghị những điều sau đây để bảo vệ chống lại bức xạ UV:
- Hạn chế ra đường, đặc biệt là vào khoảng giữa trưa, lúc này chỉ số UV tăng lên rất cao
- Mặc quần áo chống nắng che kín toàn thân
- Đeo kính râm để bảo vệ chống lại cả bức xạ UVA và UVB
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng tối thiểu (SPF) là 15 để chống lại bức xạ UVA và UVB, và bôi lại sau mỗi 2 giờ.
Ngoài ra, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lưu ý rằng, trẻ nhỏ vào thời tiết này cần tránh ra ngoài để đảm bảo được sức khỏe. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên tránh ánh nắng trực tiếp và phải mặc quần áo chống nắng khi ra ngoài.
Nghệ An công bố thiên tai do nắng nóng |
Để xe máy dưới trời nắng nóng quá lâu: Nhanh hỏng hóc và nguy hiểm |
Nắng nóng, nhiều trẻ mắc tay chân miệng |