Hai mươi triệu người Việt Nam phụ thuộc vào nước ở hạ nguồn sông Mekong. Nhưng thượng nguồn dòng sông bị kiểm soát bởi một quốc gia có cơn khát vô tận.
"Chúng không chết nhưng cũng không lớn nổi", Hủ nói, ném lại những con tôm bé hơn ngón tay út xuống hồ. Đó là lần thả lưới thứ ba trong ngày, mới có vài con tôm vướng lưới.
Như nhiều nông dân khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trần Văn Hủ đã từng chuyển đổi từ hai vụ lúa sang một vụ lúa một vụ tôm, rồi cuối cùng chuyển hẳn sang quảng canh tôm. Đất nhiễm mặn, cây lúa cho năng suất thấp. Nước ngọt ngày càng khan hiếm mà cây lúa lại tiêu tốn nhiều nước.
Hủ vay ngân hàng, đổ tiền vào thiết bị, con giống; mua chịu thức ăn công nghiệp. Nhưng anh chỉ có lãi hai năm đầu. Những mùa tiếp theo, sau vài tháng xuống giống, tôm chết nổi kín mặt hồ, con còn sống thì quá bé, không bán được.
Càng nuôi càng lỗ, hai vợ chồng Hủ bỏ ruộng lên Bình Dương tìm việc. Họ bỏ lại sau lưng khoản nợ hai trăm triệu và đứa con 2 tuổi.
Hơn một năm qua, chỉ riêng xã Thới Quản, huyện Gò Quao, một cán bộ tòa án nói cô đã xử lý gần 50 lá đơn đòi nợ từ các hiệu buôn vật tư nông nghiệp và ngân hàng. Tất cả đều liên quan đến tôm. Hầu hết bị đơn đều đã rời địa phương, toà tiến hành xử vắng mặt.
Hủ là một đại diện dễ gặp của những nông dân ở hạ nguồn sông Mekong những năm qua. Mekong là một từ tiếng Khmer, với Mé nghĩa là "mẹ", còn kông là biến thể của "kôngkea" (dòng sông). Dòng sông mẹ là nơi hình thành nhiều nền văn minh của Đông Nam Á, và hiện trực tiếp nuôi dưỡng hơn 100 triệu người bằng nguồn nước của mình.
Số phận của vùng hạ lưu sông Mekong, gồm cuộc đời của những nông dân Lào, Campuchia và Việt Nam đã là chủ đề thế giới quan tâm nhiều năm qua. Ủy hội sông Mekong (MRC) thành lập năm 1957, với slogan súc tích: "Cho sự phát triển bền vững". Nhưng nửa thế kỷ, Ủy hội vẫn chỉ có Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên.
Suốt nhiều thập niên, Trung Quốc - với 2.130 km sông Mekong chảy trên lãnh thổ trong tổng chiều dài 4.880 km - chỉ tham gia vào Ủy hội với tư cách "đối tác đối thoại", và dành thời lượng đối thoại để phủ nhận các cáo buộc về tác động của họ đến hạ nguồn Mekong.
Nghề công nhân không giúp Hủ có hy vọng trả nợ. Sau 4 năm, vợ chồng Hủ từ Bình Dương trở về, lại tiếp tục dọn hồ, thả giống tôm. Họ không có lựa chọn khác ngoài đánh cược.
Nhưng suốt nửa năm, thả một thiên giống xuống, chỉ đổi lấy tôm chết nổi mặt hồ. Một ngày nắng nóng đỉnh điểm tháng 5/2019, Hủ quẳng lưới xuống hồ, để rồi hai lần vớt lên đều trống không. Trưa hôm đó, chỉ số độ mặn của con nước Hủ đo tiếp tục vượt ngưỡng chịu đựng của con tôm.
Hủ là một đại diện dễ gặp cho người nông dân ở hạ nguồn sông Mekong những năm qua. Tháng 11/2015, báo Guardian của Anh trích lời một nông dân miền Tây ẩn danh, như một biên bản ngắn gọn về đời nông dân trước sự thay đổi của dòng sông: nước ngày càng mặn; trồng lúa không nổi; chuyển sang nuôi tôm cũng không nổi; không còn sinh kế và thậm chí không đủ nước uống.
Vợ Hủ không muốn trông chờ vào con tôm nữa. Chị vẫn nghĩ, quay lại Bình Dương làm công nhân là cách tốt nhất cho gia đình.
Đó là niềm tin chung của nhiều nông dân quê Hủ. Nơi đó, người nữ cán bộ tòa án huyện thỉnh thoảng mang trát hầu tòa, cùng chủ hiệu buôn vật tư nông nghiệp tìm những nông dân nuôi tôm. Họ chỉ thấy những căn nhà mái tôn khóa cửa. Chủ nhà đã đi Bình Dương làm công nhân.
Thông tin mời hầu toà sau đó sẽ được đăng trên báo địa phương và bảng thông tin của UBND xã. "Đăng cho đầy đủ thủ tục vậy thôi chứ không bị đơn nào đọc được", người cán bộ nói.
Con tôm sống dở trên tay Hủ buổi trưa tháng Năm thật ra đã được dự đoán số phận bởi Bộ Thủy lợi Trung Quốc - cơ quan kiểm soát nước trên đầu nguồn Mekong.
Cuối tháng Tư năm nay, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam phát đi thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc: đến giữa tháng 4, lưu lượng xả ra ở thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm từ 25% đến 50%. Ảnh hưởng theo dự báo, là nước mặn có thể vào sâu hơn ở miền Tây mùa hè này.
Cảnh Hồng chỉ là một đập trung bình trong số khoảng hai mươi đập thủy điện đã và đang được xây dựng trên dòng Lan Thương - tên gọi trên đất Trung Quốc của dòng Mekong.
Từ những năm 1990, trong nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp và đô thị hoá, Trung Quốc ồ ạt xây dựng đập thủy điện. Nhiều chuyên gia môi trường nước này ví làn sóng xây thuỷ điện với phong trào luyện thép trong Đại Nhảy Vọt năm 1958.
Đã có hàng ngàn con đập lớn nhỏ, nhưng con số sẽ không dừng lại. Với tình trạng ô nhiễm không khí do nhiệt điện than, thuỷ điện vẫn được xem là trọng tâm trong chính sách năng lượng mới của Trung Quốc.
Bắc Kinh bất ngờ dỡ bỏ 120 biển quảng cáo của Samsung, Hyundai và Kia
Đêm 29/6, chính quyền Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ tất cả biển quảng cáo của Samsung Electronics, Hyundai Motor và Kia Motors dọc đại ... |
Trump tin Bắc Kinh và Hong Kong sẽ giải quyết tốt vấn đề biểu tình
Tổng thống Mỹ tin tưởng rằng Trung Quốc đại lục và Hong Kong sẽ phối hợp để chấm dứt các cuộc biểu tình chống dự ... |
Trung Quốc cảnh báo hậu quả về việc theo lệnh Mỹ từ chối Bắc Kinh
Chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo các công ty nước ngoài về hậu quả nghiêm trọng của việc từ chối cung cấp công nghệ ... |