Gỡ những “điểm nghẽn” để phát triển hạ tầng

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì diễn ra ngày 9/7, nhiều nội dung liên quan đến vấn đề ách tắc giao thông, ngập úng, quy hoạch đô thị… đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, trước đây vùng Đông Nam Bộ là một trong những vùng phát triển kinh tế chủ yếu của cả nước, do hệ thống giao thông ở khu vực này tương đối tốt so với những khu vực khác. Tuy nhiên, khoảng 20 năm qua tốc độ phát triển giao thông ở vùng Đông Nam Bộ rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông quá tải.

Tại TP Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất cả nước nhưng tất cả các “cửa ngõ” của thành phố hiện đang bị ách tắc, chưa có những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố đến các nơi. Nếu không cải thiện được, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành một trong những đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, và có thể cả trong khu vực Đông Nam Á.

Do đó, việc cấp thiết của TP Hồ Chí Minh hiện nay là phải quan tâm đặc biệt đến hệ thống giao thông trục chính, giao thông vành đai, để tháo gỡ khó khăn này. Quan trọng nhất là phải tập trung toàn bộ các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông. Nếu không, đầu tàu kinh tế sẽ chậm dần và sẽ trở thành… gánh nặng.

37-diem-un-tac-giao-thong.png -0
Ách tắc giao thông luôn là nỗi ám ảnh của người dân TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh và các địa phương tập trung thông tuyến đường vành đai 2 trong một vài năm tới, đường vành đai 3 thì đến năm 2025, hoặc 2026 phải hoàn thành để kết nối với các tỉnh trong vùng. Triển khai đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (khoảng 20.000 tỉ đồng) hoàn thành vào năm 2025, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành trong 1-2 năm tới sẽ hoàn thành.

Đặc biệt, cần phải ưu tiên một số tuyến cao tốc như: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (vì từ Tây Ninh xuống TP Hồ Chí Minh vô cùng khó khăn), cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc TP Hồ Chí Minh đến Long Thành.

“Chúng tôi báo cáo Thủ tướng là chúng ta phải có kế hoạch nâng cấp cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Trung Lương, bởi vì hiện nay quỹ đất chúng ta có, nhưng con đường này hiện nay cũng ách tắc. Chúng tôi cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Quốc phòng cố gắng nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đảm bảo đồng bộ là 50 triệu hành khách/năm. Hiện nay, đường băng đã đảm bảo nhưng những tuyến đường xung quanh và nhà ga thì chưa được thông suốt. Riêng sân bay Long Thành, chúng tôi tin rằng đến 2025 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 khoảng 25 triệu hành khách/năm. Đối với các cảng biển, rất mong TP Hồ Chí Minh và các địa phương phải tập trung nguồn lực để khơi thông. Cảng biển hoạt động tốt thì mới phát triển kinh tế được”, ông Nguyễn Văn Thể nói.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thông tin, thực hiện Nghị quyết 53, các địa phương Vùng Đông Nam Bộ có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đô thị trong vùng vẫn còn những hạn chế, đô thị chưa có sự phát triển đồng đều giữa các tỉnh trong vùng. Việc kiểm soát quy hoạch còn hạn chế, dẫn đến sự phát triển khu dân cư, công nghiệp, dịch vụ xâm lấn vào vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, cảnh quan cần được giữ gìn.

Sức ép tăng dân số cơ học lớn do tập trung phát triển công nghiệp trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, phát triển nhanh dẫn đến vấn đề về phân hóa giàu nghèo, chênh lệch đời sống của người dân còn lớn.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp và đô thị ngày càng tăng, xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nóng. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, hạ tầng thoát nước vẫn còn, ngập úng đô thị vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt nặng nề ở TP Hồ Chí Minh.  Diện tích nhà ở bình quân đầu người trong vùng chưa đạt so với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Các chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, cho người nghèo đều đạt thấp so với kế hoạch…

Ông Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, việc định hướng phát triển vùng cần bám sát định hướng kinh tế xã hội 10 năm (2021- 2030), thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045.

Riêng vấn đề ngập úng ở TP Hồ Chí Minh, để giải quyết tình trạng này, cần rà soát đánh giá hạ tầng quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, cập nhật những định hướng số liệu yêu cầu phát triển mới cũng như các kịch bản mới về biến đổi khí hậu... Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư để cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, kết quả thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; là trung tâm tài chính, logistics, là đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ đang gặp nhiều thách thức, mà nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước.

Cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của các nước; vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm; hiệu quả sử dụng vốn của Vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước; kinh tế Vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước; TP Hồ Chí Minh đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của Vùng, và trong những năm gần đây việc TP Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của Vùng.

https://cand.com.vn/Giao-thong/go-nhung-diem-nghen-de-phat-trien-ha-tang-i659957/

Thúy Hà / cand.com.vn