Khơi thông các dự án hạ tầng đô thị

Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông, môi trường, nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh đang bị đình trệ do vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư, tiền sử dụng đất… ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị, thu hút đầu tư và đời sống người dân. Trước thực trạng này, thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành rà soát để tìm cách tháo gỡ, khơi thông các dự án hạ tầng đô thị.

Du-an-giai-quyet-ngap-do-tr
Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành 90% khối lượng công việc.

Vướng mắc thủ tục đầu tư, tiền sử dụng đất

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, 57 doanh nghiệp trong ngành vừa đề nghị thành phố Hồ Chí Minh xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, trong đó phần lớn liên quan đến tiền sử dụng đất.

Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc No Va đề nghị tháo gỡ vướng mắc Dự án Khu nhà ở Long Thạnh Mỹ (phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2016, dự án này được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định chấp thuận sử dụng đất. Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thủ tục định giá tiền sử dụng đất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất. Chính vì vậy, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc No Va kiến nghị, UBND thành phố xem xét hỗ trợ sớm hoàn tất thủ tục pháp lý còn lại của dự án, bao gồm các thủ tục phê duyệt phương án tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Không riêng dự án nhà ở, các dự án môi trường cấp bách khác cũng đang vướng mắc khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Đáng chú ý là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng là dự án môi trường được người dân thành phố mong mỏi ngày hoàn thành. Tuy nhiên, dự án này đã “trễ hẹn” năm thứ tư.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Huy Bình, thời gian qua, dự án gặp vướng mắc liên quan đến hợp đồng và thủ tục tái cấp vốn. Đến nay, các thủ tục liên quan đến trung ương cơ bản được giải quyết. Chính quyền thành phố đang cùng nhà đầu tư tập trung giải quyết các công đoạn cuối cùng. Còn đại diện Trung Nam Group (chủ đầu tư) cho biết, hiện dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng. Nếu thành phố tháo gỡ các vướng mắc, chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ để cơ bản hoàn thành trong năm 2022.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn hàng loạt dự án giao thông, dự án cải tạo kênh rạch khu vực nội đô, dự án chỉnh trang đô thị… tiến độ triển khai khá chậm do vướng thủ tục đầu tư, tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tập trung rà soát, tháo gỡ

Cuối năm 2020, Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với thành phố Thủ Đức) đã phải tạm dừng thi công do vướng mắc về thủ tục pháp lý, thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sau đó đã quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, dự án tiếp tục được thi công trở lại từ tháng 5-2021 và dự kiến thông xe vào dịp 30-4-2022. Đây được xem là bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc tháo gỡ vướng mắc tại các dự án hạ tầng trọng điểm trước bối cảnh thành phố chưa có cơ chế đặc thù thật sự đột phá phù hợp với thực tiễn phát triển.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, đối với các dự án hạ tầng giao thông, đô thị lớn đang gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, tiền sử dụng đất, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng… thành phố sẽ tiến hành rà soát, phân loại. Dự án nào thuộc thẩm quyền của thành phố sẽ phối hợp đồng bộ các cơ quan có liên quan tập trung tháo gỡ để khởi động, tái khởi động trong năm nay.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị nhiều nội dung lớn, trong đó đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đất đai và hạ tầng đô thị. Thành phố mong muốn tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; có chế định cụ thể, minh bạch thẩm quyền giữa trung ương và địa phương để “cởi trói” cho thành phố phát triển bứt phá.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh xác định các dự án phát triển đô thị như hạ tầng giao thông, nhà ở đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thành phố cần bứt phá. “Lãnh đạo thành phố đã và đang tiến hành các cuộc họp với các sở, ban, ngành có liên quan, xác định các vướng mắc, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ để các dự án sớm triển khai và hoàn thành, phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.