Ngành giáo dục cho ra đời nhiều Thông tư, văn bản mà không có sự điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời đã dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc thực thi ở các trường
LTS: Phản ánh việc một số Thông tư, văn bản chỉ đạo chuyên môn của ngành giáo dục có sự mâu thuẫn với nhau, cô giáo Đỗ Quyên đã có bài viết làm rõ vấn đề này.
Theo đó, cô Đỗ Quyên cũng cho rằng, việc ngành giáo dục liên tục đưa ra các Thông tư, văn bản rồi công văn về chỉ đạo chuyên môn nhưng không có sự điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể sẽ gây ra khó khăn cho chính các thầy cô giáo và các em học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc ngành giáo dục liên tục cho ra đời nhiều Thông tư, văn bản mà không có sự điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời đã dẫn đến tình trạng những quy định được ban hành sau bị những quy định ban hành trước khống chế gây khó khăn cho việc thực thi ở các trường học.
Từ đó đã dẫn đến tình trạng chỉ trong một địa phương mà mỗi nơi áp dụng mỗi khác, trường làm thế này, trường bảo thế kia, làm cho việc thực hiện không đồng bộ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh.
Áp lực sổ sách từ Thông tư 30 đã khiến giáo viên ở nhiều nơi phải chế ra các loại dấu nhận xét vào vở học sinh. Ảnh minh họa: VTC. |
Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT và Thông tư Liên tịch số 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV có "chọi nhau"?
Ngày 13/5/2016, Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT có hiệu lực quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, giáo viên làm ủy viên ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng, tổ phó công đoàn không chuyên trách trường tiểu học... được giảm 02 giờ dạy trong một tuần (quy ra 70 giờ dạy trong một năm học).
Thế nhưng nhiều trường tiểu học ở thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận không áp dụng việc giảm 02 tiết dạy trong tuần cho giáo viên kiêm tổ trưởng công đoàn, bởi lý do đưa ra là trường đã đủ biên chế 1.5 giáo viên trong lớp nên không thể kê tăng giờ cho những chức danh này.
Bởi theo quy định Thông tư Liên tịch số 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV về việc hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, đối với trường tiểu học dạy 2 buổi trong ngày được bố trí biên chế không quá 1.5 giáo viên trong 1 lớp.
Nếu giảm định mức cho tổ trưởng công đoàn sẽ không biết lấy nguồn kinh phí nào để trả.
Một điều đáng nói, Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT vừa mới có hiệu lực vào giữa tháng 5/2016 trong khi Thông tư 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV lại ra đời cách đây hơn 10 năm.
Không được giảm định mức giờ dạy, các trường lại có một cách làm khác nhau, trường dồn tổ công đoàn, trường lấy tiền buổi 2 để trả, trường lại bỏ hẳn chức danh tổ trưởng công đoàn vì kiêm nhiệm nhưng giáo viên không có chế độ giảm trừ tiết dạy.
Trong khi đó đồng nghiệp ở nhiều tỉnh thành khác cho biết nơi họ công tác vẫn duy trì chức danh tổ trưởng công đoàn và giảm trừ theo quy định của Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT.
Tại sao cũng một Thông tư quy định chung của ngành mà mỗi địa phương lại áp dụng mỗi khác?
Văn bản chỉ đạo chuyên môn cũng “cái sau đá cái trước”
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa.
Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.
Trong khi, Thông tư 22 quy định việc kiểm tra đánh giá học sinh hoàn toàn khác.
Theo đó, bài kiểm tra học sinh phải đạt 4 mức độ. Môn tiếng Việt gồm 2 phần, phần đọc hiểu và phần viết. Ở phần đọc hiểu và bài viết chính tả, giáo viên tuyệt đối không được lấy văn bản có trong chương trình học.
Thế nên khi ra đề kiểm tra, giáo viên phải lấy văn bản ngoài sách giáo khoa cho học sinh làm bài.
Ở môn Toán, Lịch Sử, Địa lý, Khoa học…mức 3 đặc biệt là mức 4 hầu như cũng phải lấy kiến thức ngoài sách giáo khoa trong khi những bài tập khó trong chương trình học đã được tinh giản hết.
Có giáo viên ra đề nói rằng:
“Chương trình học không dạy những kiến thức ấy nên khi ra đề giáo viên phải nghĩ nát óc chưa ra câu hỏi cho mức 3, mức 4 mà bắt các em phải làm chẳng khác gì đánh đố chúng và làm khó giáo viên”.
Nay văn bản quy định:
“Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.
Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn yêu cầu “tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học”… chẳng phải là sự mâu thuẫn hay sao?
Liên tục ra Thông tư, văn bản rồi công văn về chỉ đạo chuyên môn, giáo viên lại liên tục bị điều đi tập huấn rồi báo cáo, thực hành, kiểm tra đến sơ kết, tổng kết…nhưng cuối cùng thì giáo dục vẫn cứ như một mớ bòng bong gỡ chỗ này lại dính chùm chỗ kia đến độ mất phương hướng.
Thầy quay cuồng để học tập, tiếp thu cái mới, trò mệt mỏi vật vã để thực hiện theo. Cứ đà này, giáo dục của chúng ta biết đến bao giờ mới thật sự đổi mới được đây?
Đổi mới chương trình môn văn: Có làm mất đi \'chất văn\'? |
Sở GD ĐT lên tiếng về học sinh viết đơn xin không học 2 buổi/ngày |
http://giaoduc.net.vn/Tu-van-phap-luat/Giao-vien-phai-lam-sao-khi-thong-tu-van-ban-chi-dao-cua-Bo-da-nhau-post180421.gd