Hà Nội luôn được xác định là trung tâm khoa học, giáo dục của cả nước, hơn nữa người Hà Nội luôn tự hào là công dân của Thủ đô văn hiến. Nhưng vài thập kỷ gần đây người Hà Nội quá vất vả, thậm chí là quá khổ sở vì việc học của con cháu. So với các tỉnh, thành phố trong cả nước hình như giáo dục Hà Nội đang lạc bước.
Trước năm 1945 nước ta có 90% dân mù chữ, trẻ em phần lớn không được đến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy khi làm cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Sau năm 1954, ở miền Bắc rầm rộ diệt giặc đói và diệt giặc dốt. Đảng, Bác Hồ coi “dốt” (không được học hành) là một thứ giặc. Trường học được thành lập ở tất cả các địa phương, từ nông thôn đến thành thị. Giáo dục được thực hiện từng bước từ phổ cập cấp I đến cấp II và tiếp đến phổ cập cấp III (ngày nay gọi là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Sau năm 1975 giáo dục được triển khai rầm rộ ở miền Nam trên cơ sở kinh nghiệm giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Giáo dục được coi là lĩnh vực ưu việt của chế độ mới với quy chuẩn: đủ trường và học phí thấp.
Hiện nay tinh thần ấy vẫn được tiếp tục thực hiện ở các tỉnh, thành phố, ngoại trừ Hà Nội.
Ở các tỉnh, thành phố thì nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng nông thôn mới với bốn tiêu chí: trạm, trường, đường, điện (y tế, giáo dục, giao thông và điện). Hầu hết các huyện đều xây dựng đủ trường công và đang phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia. Học sinh nông thôn vào lớp 1 và chuyển cấp không bị áp lực căng thẳng. Ở đô thị, các tỉnh cũng rất chú ý đến xây dựng trường công, rất ít trường tư thục, vì vậy học sinh ở đô thị cũng không bị áp lực.
Ở Hà Nội, giáo dục đang đặt ra 2 vấn đề lớn là số lượng trường công và học phí. Trong đó có học phí trường công và học phí trường tư thục.
Ở các huyện ngoại thành, hệ thống trường công cơ bản đảm bảo đủ cho học sinh, số rất ít phải học trường tư thục. Vì thế bố mẹ học sinh không chịu áp lực về học phí cho con cái đi học.
Các quận nội thành, số dân cao hơn các huyện rất nhiều nhưng số trường công của một quận thường ít hơn các huyện, thường chỉ bằng một nửa. Đó là một nghịch lý. Tuy dân nhập cư nhiều đem theo cả gia đình, cũng cần có chỗ học cũng gây áp lực cho Hà Nội, nhưng với tiềm lực kinh tế đứng thứ hai cả nước thì đây không phải là lý do để Hà Nội thiếu trường công.
Trong khi đó trường tư lại được Hà Nội cho mọc lên “như nấm”, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Hà Nội dành nhiều đất cho doanh nghiệp xây nhà thương mại, nhiều tòa nhà, nhiều khu nhà đang bỏ không, nhưng đất cho trường công lại không có.
Học phí là vấn đề lớn liên quan đến cuộc sống của mọi gia đình. Trong khi đó học phí trường tư thục cao hơn học phí trường công ít nhất ba lần. Thấp nhất cũng là mười triệu thậm chí có trường còn tới vài chục triệu đồng/tháng, trong khi lương công chức bình quân chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vậy con công chức, viên chức học ở đâu?
Nghịch lý về số lượng trường và tỷ lệ học phí giữa trường công và trường tư làm cho mỗi mùa tuyển sinh ở nội thành Hà Nội nóng lên xình xịch, nóng và ngột ngạt hơn cả không khí oi bức và ô nhiễm của Thủ đô.
Vừa qua, cử tri các huyện Hoài Đức, Đan Phượng đề nghị thành phố xem xét miễn hoàn toàn học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, thì Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lại trả lời là: việc miễn học phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Trong khi đó, hiện nay cả nước đã có 4 tỉnh miễn học phí hoàn toàn cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông là: Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Chả lẽ mấy tỉnh ấy lạm quyền và kinh tế cao hơn Thủ đô.
Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện xây dựng xã hội dân chủ, công bằng thì việc học sinh không được học trường công, phải học trường tư với học phí quá cao liệu có công bằng. Trẻ em, học sinh không phải tất cả đều giỏi mà có yếu, trung bình, khá, giỏi nhưng nhất quyết phải được hưởng sự công bằng trong giáo dục.
Giáo dục ở nội thành Hà Nội đang lạc bước so với cả nước và liệu còn xứng đáng với Thủ đô Văn hiến.
https://petrotimes.vn/giao-duc-o-ha-noi-dang-lac-buoc-so-voi-ca-nuoc-712854.html