Giải quyết tình trạng thiếu nước - kinh nghiệm từ Singapore

Singapore đã biến việc theo đuổi nguồn nước chất lượng cao, giá cả phải chăng trở thành mục tiêu trọng tâm phát triển; biến mình từ một quốc gia khan hiếm nước trở thành quốc gia an toàn về nước và đã tìm cách đạt được an ninh nguồn nước theo nhiều cách, theo Asean Today.

Thiết bị lọc nước WateRoam được thiết kế đơn giản để người dân có thể dễ dàng sử dụng. Ảnh: CNN.

Singapore đã biến việc theo đuổi nguồn nước chất lượng cao, giá cả phải chăng trở thành mục tiêu trọng tâm phát triển; biến mình từ một quốc gia khan hiếm nước trở thành quốc gia an toàn về nước và đã tìm cách đạt được an ninh nguồn nước theo nhiều cách, theo Asean Today.

Hành trình từ khan hiếm nước sang an toàn về nước

Vào ngày 26.7, Việt Nam đã trở thành quốc gia mới nhất trong ASEAN bày tỏ quan ngại về an ninh nguồn nước (sau sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu - PV), theo Asean Today. Các chuyên gia trong nước của Việt Nam đã tổ chức một diễn đàn về quản lý tài nguyên nước, trong đó cảnh báo về tình trạng thiếu nước do quản lý tài nguyên và ô nhiễm.

Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 6 và 7 - những tháng cao điểm của nắng nóng, những lo ngại về vấn đề thiếu nước sạch cũng từng khiến Thái Lan, Malaysia... lo ngại. Với tình trạng thiếu nước ở khu vực Metro Manila (Philippines) hồi đầu năm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gặp Gerard Ho - đại sứ Singapore tại Manila - vì "cần rất nhiều lời khuyên từ Singapore". "Tôi chắc chắn rằng những lời khuyên đó sẽ giúp chúng tôi giải quyết vấn đề của mình một cách lâu dài. Tôi biết Israel và Singapore có những máy móc khử muối tốt nhất" - Tổng thống Duterte nhấn mạnh.

Singapore đã khai thác mọi cơ hội để thu thập, xử lý, tái sử dụng và sản xuất các nguồn nước cần thiết. Theo đó, Singapore đã từ một quốc gia đang phát triển khan hiếm nước thành một nước hàng đầu thế giới về quản lý nước trong vòng vài thập kỷ. Kể từ khi độc lập vào năm 1965, một trong những mối quan tâm chính của chính phủ là cung cấp nước sạch cho các khu vực trong nước và ngoài nước. Năm 1965, Singapore phụ thuộc vào bang Johor (Malaysia) về tài nguyên nước theo hai hiệp định: Một được ký vào năm 1961 và lần thứ hai được ký vào năm 1962. An ninh nước lâu dài đã trở thành một sự thiết yếu cho quốc đảo này. Nhận thức về tầm quan trọng của nước được truyền dạy cho người Singapore từ nhỏ, trong các trường tiểu học với các bài tập phân phối nước để nhấn mạnh rằng nước quý giá như thế nào.

Lý do chính cho sự thành công của Singapore trong việc quản lý tài nguyên nước là quản lý song song cả nguồn nước thông thường và không thông thường - nước tái sử dụng và nước khử muối.

Toàn bộ chu trình nước của Singapore do Ủy ban Tiện ích công cộng (PUB) quản lý để thu thập, xử lý và tái sử dụng nước đã sử dụng trên quy mô rộng, một bước mà rất ít quốc gia thực hiện. Việc cung cấp nước còn được quan tâm hơn nữa bằng cách giảm lượng nước lãng phí do rò rỉ, cộng với sự thất thoát nước phát sinh từ sự thiếu chính xác của đồng hồ. Ngoài ra, ở Singapore không có chuyện đấu nối nước bất hợp pháp mà tất cả kết nối nước đều được đong đếm. Lượng nước thất thoát đã giảm từ khoảng 9,5% vào năm 1990 xuống còn khoảng 5% trong những năm gần đây - một trong những tỉ lệ thấp nhất trên thế giới.

Thác nước Rain Vortex - thác nước trong nhà cao nhất thế giới - tọa lạc tại trung tâm khu phức hợp Jewel thuộc sân bay Changi (Singapore). Ảnh: CNN

Điều gì đã khiến Singapore khác biệt và quản lý nước tốt nhất trên thế giới? Câu trả lời là sự hỗ trợ của chính phủ, lập kế hoạch dài hạn và sự nhận thức rằng tài nguyên nước sạch và đáng tin cậy là điều cần thiết cho sự phát triển xã hội nói chung.

Thuế bảo tồn nước được chính phủ ban hành vào năm 1991 tiếp tục giúp giảm lượng nước tiêu thụ của cá nhân. Thông qua các biện pháp hiệu quả và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, Singapore đã có thể giảm mức tiêu thụ nước hàng ngày trên đầu người từ 170 lít/năm (vào năm 1997) xuống còn 143 lít/ năm (2017).

Ngoài ra, chính phủ Singapore đã rót vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng được thiết kế để mở rộng các khu vực lưu trữ nước và đa dạng hóa nguồn nước. PUB lần đầu tiên khám phá ra khả năng tái chế nước vào năm 1974. Năm 1998, chương trình NEWater tiết lộ bắt đầu tiến hành tái chế, xử lý nước thải. Nước NEWater được xử lý với công nghệ màng lọc tiên tiến và khử trùng bằng tia cực tím. Nước sau xử lý rất sạch sẽ và đảm bảo an toàn để ăn uống. Đến năm 2003, NEWater được sản xuất ở quy mô lớn và đã trở thành một trong bốn nguồn cung cấp nước quan trọng của quốc đảo Sư tử.

Trong những năm gần đây, nước khử mặn cũng trở thành một trong những nguồn nước đáng tin cậy, đáp ứng tới 30% nhu cầu nước của Singapore.

Như vậy, theo mô hình chính sách "nghĩ trước, nghĩ kỹ, nghĩ xa", Singapore đã tìm mọi cơ hội để thu thập, xử lý, tái sử dụng và sản xuất các nguồn nước cần thiết không chỉ hiện tại mà còn kéo dài hàng thập kỷ.

Singapore có vô số đài phun nước, hồ chứa và các loại công trình chức năng về nước. Ảnh: Downtoearth.

Nỗ lực phát triển công nghệ mới

Tuy nhiên, CNN cho hay, Singapore sử dụng khoảng 430 triệu gallon (gần 2 tỉ lít nước mỗi ngày) và có thể tăng gấp đôi trong 4 thập kỷ tới. Mức tiêu thụ này vẫn đang gây áp lực lên chính quyền Singapore phải tìm cách giải quyết giữa mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng khan hiếm nước toàn cầu. Vì vậy, việc tìm giải pháp công nghệ mới để chuẩn bị đối phó với việc thiếu nước sạch trong tương lai sẽ còn khó khăn hơn nữa.

"Singapore thực sự đã trở thành một trung tâm nước toàn cầu. Nhưng hiện tại, nước này đang nhập khẩu khoảng 40% lượng nước. Với sự biến đổi khí hậu, vấn đề nước sạch càng trở nên nan giải" - Shane Snyder, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu môi trường và nước Nanyang tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore - cho CNN biết.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và nhiệt độ toàn cầu tăng cao đang khiến việc tiếp cận các nguồn nước tự nhiên ngày càng khó khăn. Ngày nay, 1/4 thế giới sống ở những vùng có áp lực thiếu nước cao. Các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên nhanh hơn tốc độ trái đất có thể bổ sung, tái tạo chúng.

Quốc đảo Singapore, với hơn 5 triệu dân, được "bao vây" bởi các đài phun nước, hồ chứa và các loại công trình chức năng về nước khác bao gồm Rain Vortex - thác nước trong nhà cao nhất thế giới, có thể bơm 10.000 gallon nước mỗi phút. Song nó không có nguồn cung cấp nước tự nhiên mà thay vào đó, phụ thuộc nhiều vào nước tái chế và nhập khẩu từ các nước láng giềng.

"Những gì chúng ta đã quen thuộc về nguồn nước đáng tin cậy có thể nhanh chóng thay đổi. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị, phải suy nghĩ về cơ sở hạ tầng trước. Điều đó phụ thuộc phần lớn vào các công nghệ mà chúng ta đang phát triển" - Snyder nói.

Một ví dụ, sản phẩm công nghệ mới đang được phát triển là miếng bọt biển sợi aerogel carbon có thể làm sạch nước thải trên quy mô lớn. Nó có khả năng hấp thụ chất thải, chất gây ô nhiễm và vi nhựa gấp 190 lần trọng lượng của nó. Loại vật liệu này tiếp tục được Công ty khởi nghiệp EcoWorth Technology có trụ sở tại Singapore phát triển để sử dụng cho mục đích thương mại. Andre Stoltz - Giám đốc điều hành của EcoWorth Technology - cho hay, công ty sẽ tham gia vào lĩnh vực nước thải của Singapore thậm chí trước khi phát triển vật liệu này để sử dụng trên quy mô toàn cầu. "Chúng tôi tin rằng tác động tiềm năng của nó là rất lớn" - Stoltz nói và cho biết thêm rằng, sản phẩm này cho phép công ty "chuyển đổi các phế thải thành thứ có giá trị".

Tuaspring - nhà máy khử nước mặn lớn nhất - ở Singapore. Ảnh: PUB.

Một công ty khác, WateRoam, đang sẵn sàng áp dụng sáng tạo của mình ở Singapore sang phần còn lại của khu vực. Theo WateRoam, họ đã phát triển một loại thiết bị lọc nước cầm tay nhẹ, có thể cung cấp nước uống sạch cho hơn 75.000 người trên khắp Đông Nam Á. David Pong - Giám đốc điều hành của WateRoam - nói rằng, một trong những khía cạnh sáng tạo nhất của sản phẩm là sự đơn giản của nó. "Nước là vấn đề cơ bản, là hàng hóa cơ bản. Chúng tôi cần công nghệ cơ bản để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi muốn người dân, chứ không phải chuyên gia hay kỹ sư, có thể chọn sản phẩm này và biết cách sử dụng nó" - ông Pong nói.

Thiết bị lọc nước này không lớn hơn chiếc bơm xe đạp, song nó có thể cung cấp nước sạch cho những ngôi làng có khoảng 100 người trong vòng 2 năm, theo công ty này.

Nhưng, như Tiến sĩ Cecilia Tortajada - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách nước của Trường Chính sách công  Lee Kuan Yew - nói với ASEAN Today rằng, "công nghệ chỉ là công cụ. Bạn cần phải có khung pháp lý để điều chỉnh các quy tắc cũng như cần phải có những con người đủ trình độ để không chỉ thiết lập (giải pháp) mà còn cập nhật, duy trì chúng. Đây là những gì Singapore đã làm được".

Huyền Anh

Thiết kế độc lạ của nhà ga sân bay Changi Singapore bị "tố" đạo ý tưởng

Vài tháng sau khi mở cửa và chào đón hơn 50 triệu du khách, mới đây nhà ga Jewel của sân bay quốc tế Changi ...

Singapore siết chặt quy định về thiết bị bay không người lái

Quốc hội Singapore đã thông qua Dự luật Điều hướng Hàng không (sửa đổi), qua đó siết chặt quy định lưu hành đối với các ...

Kinh dị món súp chân cá sấu của quốc đảo Singapore không dành cho người “yếu tim”

Súp chân cá sấu là một trong những món ăn kỳ lạ, chỉ cần nghe tên nhiều du khách đã cảm thấy hoảng sợ. Thoạt nhìn ...

/ laodong.vn