Giá vé máy bay sẽ biến động như thế nào?

Để triển khai thỏa thuận Paris, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã ban hành Kế hoạch giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế (Corsia) nhằm góp phần đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của lĩnh vực hàng không dân dụng.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không vừa thông tin về việc tham gia Kế hoạch giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế (Corsia) của hàng không Việt và một số chính sách liên quan tới phát triển bền vững của EU.

Hãng hàng không bị thách thức về tài chính khi tham gia kế hoạch Corsia

Nhìn lại những năm qua, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu theo Corsia như xây dựng và ban hành Thông tư số 22/2020 Quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ máy bay trong hoạt động hàng không dân dụng; Thực hiện giám sát - báo cáo - thẩm tra (MRV) phát thải CO2 với các chuyến bay quốc tế, báo cáo ICAO dữ liệu phát thải các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.

3-anh bo sung.jpg -0
Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận việc tham gia Corsia khá tốn kém với các hãng hàng không Việt Nam.

Song trên thực tế, các hãng hàng không Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện Corsia bao gồm cả ở giai đoạn tự nguyện và bắt buộc. Việc tham gia Corsia từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Theo tính toán sơ bộ, với chi phí mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải phát ra khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1/1/2024 tới hết năm 2026, thấp nhất sẽ là hơn 13 triệu USD (với giá tín chỉ là 6 USD) và cao nhất là hơn 92 triệu USD (với giá tín chỉ là 40 USD). Hai giai đoạn thực hiện bù đắp carbon theo Corsia gồm giai đoạn tự nguyện tham gia từ năm 2021-2026 và giai đoạn bắt buộc tham gia từ năm 2027-2035. Nếu tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1/1/2025, thì trong năm 2025, hãng hàng không quốc gia Việt Nam chi phí hết thấp nhất từ 4,6 triệu USD tới cao nhất là 31 triệu USD cho việc mua tín chỉ carbon (tương ứng với mức giá từ 6 USD cho tới 40 USD cho 1 tín chỉ). Trong năm 2026, các con số tương ứng sẽ là 5,6 triệu USD và 37,5 triệu USD. Các con số trên đã cho thấy những khó khăn, thách thức rất lớn về tài chính với các hãng hàng không Việt Nam nếu như tham gia giai đoạn tự nguyện của Corsia sớm hơn dù chỉ 1 năm.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, những quy định này dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến chi phí khai thác/giá vé và tính cạnh tranh của các hãng hàng không khai thác các chuyến bay trực tiếp giữa các khu vực EU và ASEAN (trong đó có Việt Nam). Chia sẻ bên lề, lãnh đạo một hãng hàng không của Việt Nam khẳng định, với việc phải chi thêm chi phí mua tín chỉ carbon thì cơ cấu giá vé máy bay sẽ thay đổi. Chắc chắn việc tăng giá vé là khó tránh khỏi.

Việt Nam tự nguyện tham gia từ năm 2026

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc tham gia Corsia khá tốn kém với các hãng hàng không nên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã chia ra các giai đoạn tự nguyện và bắt buộc để các hãng hàng không dần thích ứng với việc tham gia. Trong số đó, có nội dung rất quan trọng là gánh nặng về tài chính với các hãng hàng không. Ngoài ra, việc tham gia Corsia tương đương với việc Việt Nam tham gia một hiệp định quốc tế. Do đó, đây không chỉ là trách nhiệm của các hãng hàng không Việt Nam mà cần sự chung sức, đồng lòng, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành hàng không dân dụng, để bảo đảm Việt Nam sẽ tham gia đúng với cam kết và trách nhiệm của một quốc gia có uy tín với bạn bè quốc tế, góp phần bảo đảm toàn vẹn chủ quyền, an ninh, an toàn hàng không và lợi ích chính đáng của các hãng hàng không Việt Nam. Việc tham gia Corsia trong giai đoạn tự nguyện cũng cần đặt trong bối cảnh thực tiễn để có sự linh hoạt điều chỉnh phù hợp với chính sách đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Hiện tại, hàng không Việt Nam đã thống nhất và dự kiến tham gia Corsia giai đoạn tự nguyện từ ngày 1/1/2026.

Chủ động nghiên cứu, nắm tình hình về chính sách liên quan tới phát triển bền vững trên thế giới nói chung và của EU nói riêng, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần trao đổi, họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan về những khó khăn của các hãng hàng không Việt Nam khi tham gia giai đoạn tự nguyện của Corsia từ 1/1/2026, cũng như việc EU ban hành các chính sách mới về phát triển bền vững để thống nhất đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể với Nhà nước và các bộ, ngành liên quan. Cục Hàng không cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đóng góp ý kiến cho Hội nghị ASEAN – EU về nội dung này. Đồng thời, họp với các hãng hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị trong ngành để thống nhất phương án đề xuất, kiến nghị, trên cơ sở đó báo cáo Bộ GTVT để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 5/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ GTVT, Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong tháng 11/2024.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan và khí carbon của ngành giao thông vận tải trong đó với ngành Hàng không dân dụng Việt Nam: Giai đoạn 2022 - 2030:  Thực hiện đồng thời toàn bộ các biện pháp tiềm năng của ngành hàng không để giảm phát thải CO2. Từ 2027 nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không. Đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng và tiêu thụ nhiên liệu của các doanh nghiệp hàng không. Giai đoạn 2031 – 2050, trong đó từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2040, tất cả các phương tiện hoạt động trong khu bay sử dụng điện, năng lượng xanh (trừ các phương tiện đặc thù chưa sử dụng năng lượng điện). Từ năm 2050, chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp cac-bon để đạt phát thải ròng bằng “0”.

https://cand.com.vn/Xa-hoi/gia-ve-may-bay-se-bien-dong-nhu-the-nao--i747289/

Đặng Nhật / CAND