Giá mọi vi phạm giao thông đều bị xử lý gắt như uống rượu lái xe

Giá mọi vi phạm giao thông đều bị xử lý gắt như người uống rượu lái xe dịp Tết qua, mỗi năm sẽ có hàng chục nghìn người Việt Nam thoát cảnh mất mạng hoặc tàn phế.

Kiểm soát gắt gao, xử lý triệt để khi phát hiện tài xế vi phạm nồng độ cồn, không thể gọi điện nhờ xin hộ là một trong những ấn tượng đặc biệt nhất về dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Kết quả là chưa bao giờ quyết định có uống một chén rượu, ly bia với bạn bè trước khi về nhà hay không lại được người ta cân nhắc cẩn thận đến thế. Cả khi cơ quan chức năng chưa công bố con số giảm tai nạn và tử vong Tết này, người dân đã nhận thấy rõ rệt những mặt thay đổi tích cực khác: Tần suất nhậu tất niên, tân niên giảm khiến ai nấy cảm thấy khỏe khoắn, nhẹ nhõm, đỡ tốn kém; gia đình vui vẻ vì bữa tối có đủ thành viên; hành vi ép uống rượu kém văn minh cũng giảm…

Điều quý giá nhất vẫn là: Có ít người phải chết hơn khi lệnh cấm hoàn toàn uống rượu lái xe được thực hiện nghiêm ngặt. Trên đời này, không gì quý bằng sinh mệnh. Mọi thứ đều vô nghĩa khi mạng sống không còn nữa, và còn kéo theo khổ đau bất tận của thân nhân, sự đổ vỡ tương lai của những đứa trẻ khi cha mẹ mất vì tai nạn.

Giá mọi vi phạm giao thông đều bị xử lý gắt như uống rượu lái xe - 1

Nếu kiểm tra gắt và xử lý nghiêm, sẽ không còn thương vong do ống bê tông nặng hàng tấn rơi từ xe tải xuống đường, hay tấm tôn sắc cứa cổ người đi qua lại.

Vậy mà, suốt nhiều năm qua, mỗi năm có gần chục nghìn người Việt Nam phải chết oan uổng vì tai nạn giao thông đường bộ, đa số trong độ tuổi lao động. Con số này giảm hẳn trong năm 2022, nhưng vẫn có hơn 6.200 người mất đi.

Không thể làm cho số tử vong do tai nạn giao thông trở về 0 chỉ bằng việc kiểm soát nồng độ cồn của tài xế, vì cồn chỉ là một trong nhiều yếu tố gây họa trên đường. Số liệu do Bộ Công an công bố, được tổng hợp trong 10 năm từ 2009 đến 2019, cho thấy về nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, lỗi do người tham gia giao thông chiếm đến 80%, và chỉ có gần 4% là do lái xe khi say. Trong các nguyên nhân khác, chạy quá tốc độ quy định chiếm gần 23%, tránh, vượt sai quy định chiếm 14%...

 Luật và các chế tài cụ thể đều đã có, nhưng chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu được thực thi thật nghiêm cả ở nông thôn lẫn thành thị, nội thành lẫn ngoại thành, cho dù người vi phạm đi ô tô, xe máy hay xe thô sơ, giàu có thành đạt quan hệ rộng hay đang phải vất vả mưu sinh… Cảnh sát giao thông phải kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm, từ chối mọi cuộc gọi can thiệp đối với tất cả các loại vi phạm, không chỉ là vi phạm nồng độ cồn.

Đã có bao nhiêu tai nạn thảm khốc xảy ra do hành vi lấn làn, đánh võng, bật đèn pha vô tội vạ làm “mù mắt” tài xế khác, chở những ống bê tông nặng hàng chục tấn trên thùng xe mà không chằng buộc kỹ khiến chúng rơi xuống đường, chở thanh sắt, tấm tôn sắc nhọn bằng xe máy, xe ba bánh như lê máy chém khắp phố… Đó là những hình ảnh gây ám ảnh, sợ hãi đến rùng mình trong bức tranh giao thông Việt Nam những năm qua.

Thế mới phải ước, giá như mọi vi phạm giao thông đều bị xử lý cực gắt như vi phạm nồng độ cồn dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, để những mảng tối trong bức tranh trên đều được xóa bỏ một cách toàn diện, loại bỏ được những nguyên nhân chủ yếu cướp đoạt mạng người trên đường. Như thế, mỗi năm sẽ có hàng chục nghìn người thoát khỏi cái chết hoặc cảnh tàn phế. 

Và đương nhiên, không thể thiếu một yếu tố nữa: Tính thường xuyên, liên tục. Nghĩa là không có cao điểm, không cần chiến dịch tăng cường, mà hằng ngày, hằng giờ đều thực thi các quy định một cách triệt để, quyết liệt, hoàn toàn thượng tôn pháp luật.  

https://vtc.vn/gia-moi-vi-pham-giao-thong-deu-bi-xu-ly-gat-nhu-uong-ruou-lai-xe-ar739331.html

TRÚC ANH / VTC News