Năm 1969, máy bay do thám EC-121 của Hải quân Mỹ rời căn cứ ở Nhật để thực hiện một nhiệm vụ thường lệ là do thám Triều Tiên và đã bị trúng tên lửa.
Theo báo Washington Post, thực hiện nhiệm vụ có mật danh Biển Sâu 129 (DEEP SEA 129), EC-121 tiến hành thu thập các tín hiệu ở các dải tần khác nhau và tín hiệu tình báo viễn thông phát ra từ phía Triều Tiên. Máy bay hoạt động trong không phận quốc tế nhằm tránh xảy ra sự cố không mong muốn.
Báo Washington Post đưa tin về vụ Triều Tiên bắn rơi EC-121
Khi tới gần Triều Tiên, EC-121 bắt đầu bay theo quỹ đạo hình elip dài 190km để thu thập thông tin. Vào lúc 12h30, một số tiêm kích MiG-21 cất cánh từ căn cứ ở Triều Tiên và hướng về phía chiếc máy bay do thám Mỹ. Các trạm radar ở Hàn Quốc phát hiện sự hiện diện của MiG-21 và phát cảnh báo cho phi hành đoàn, nhưng EC-121 không nhận được thông tin này.
Kết quả là sau khoảng 5 giờ hoạt động, EC-121 đã bị máy bay Triều Tiên nã tên lửa bất ngờ khiến toàn bộ 31 thành viên phi hành đoàn tử nạn. Trong phi hành đoàn xấu số có 9 thành viên là chuyên gia ngôn ngữ và mật mã.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, EC-121 sẽ báo kết quả về Căn cứ không quân Osan. Tuy nhiên, những dữ liệu mà nó gom được đã không bao giờ đến đích.
EC-121 là phiên bản cải tiến của máy bay chở khách Lockheed Super Constellation. Bộ 4 động cơ phản lực giúp nó có tốc độ hành trình 410 km/giờ, trần bay 7.600m. Với 6 tấn trang thiết bị điện tử, EC-121 có thể theo dõi các liên lạc vô tuyến và được sự hỗ trợ cảnh giới của radar trong hành trình từ Nhật đến Hàn Quốc.
Theo Washington Post, có một điều mà phía Mỹ không biết được. Đó là trong những ngày trước đó, Triều Tiên đã âm thầm đưa các chiến cơ tới một căn cứ ngay bên bờ biển. Tình báo Mỹ xác định đây chỉ là hoạt động chuẩn bị để huấn luyện phi công. Và họ đã sai.
Triều Tiên sau đó xác nhận đã bắn hạ EC-121, viện dẫn máy bay vi phạm không phận nước này. Washington bác bỏ cáo buộc. Ngay sau vụ việc, các vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được đưa lên nhiều chiến cơ của Mỹ ở Hàn Quốc, để sẵn sàng thực hiện lệnh trả đũa.
Một số quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Richard M. Nixon rất tức giận và gọi điện cho Tổng tham mưu trưởng Liên quân để ra lệnh tấn công hạt nhân và đề xuất các mục tiêu. Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger cũng liên lạc với các tư lệnh quân đội yêu cầu họ sẵn sàng chờ lệnh.
Ít giờ sau, phi công Bruce Charles được thông báo tình hình và nhận lệnh chuẩn bị tấn công sân bay Triều Tiên - nơi MiG-21 xuất kích. Phi đội F-4 của Bruce Charles lúc đó đang đóng tại căn cứ không quân Kunsan (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, rốt cuộc, Tổng thống Nixon quyết định không đáp trả Bình Nhưỡng vì giữa ông và các cố vấn có nhiều bất đồng về cách thức phản ứng. Kết quả là không có lệnh tấn công nào được đưa ra và Phi đội F-4 trở về trạng thái sẵn sàng chiến đấu thông thường.
Sau gần 50 năm, vụ EC-121 đã rơi vào quên lãng. Nhưng ngày 7.11, sự kiện này lại được gợi nhớ khi Tổng thống Trump tuyên bố trong bài phát biểu của ông tại Hàn Quốc, rằng bất kỳ hành động khiêu khích nào cũng sẽ bị đáp trả bằng vũ lực.
"Chúng ta đã cùng nhau rút ra được bài học đắt giá của sự yếu ớt", ông nói và ra cảnh báo: "Đừng đánh giá thấp chúng tôi. Đừng thử chúng tôi".
Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân, dọa sẽ bắn hạ các máy bay Mỹ và không ngần ngại đưa ra những lời cảnh báo thẳng thừng nhằm vào Tổng thống Mỹ. Cuộc khẩu chiến giữa hai bên có lúc lên đến đỉnh điểm, càng khiến căng thẳng leo thang và làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến tranh mới bùng nổ.
"Chúng ta sẽ không cho phép các thành phố Mỹ bị đe dọa phá hủy. Chúng tôi sẽ không bị hăm dọa. Và chúng tôi sẽ không để những hành động tàn bạo nhất trong lịch sử lặp lại tại đây, trên mảnh đất này, nơi chúng tôi chiến đấu và hy sinh để bảo vệ", ông Trump tuyên bố.
Kim Jong-un leo núi cao nhất Triều Tiên Lãnh đạo Kim Jong-un leo ngọn núi cao nhất Triều Tiên để nhấn mạnh tầm nhìn quân sự. |
Triển vọng nào cho đàm phán Triều Tiên - Mỹ? Triều Tiên sẵn sàng mở cánh cửa đàm phán trực tiếp với Mỹ về vấn đề hạt nhân, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định. |