G7 cam kết thúc đẩy Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu

Sau 2 ngày làm việc với chương trình nghị sự dày đặc, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 15/6 đã khép lại mà vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán di cư.

Trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ thành lập Liên minh G7 để ngăn chặn và chống lại nạn buôn bán và vận chyển người di cư trái phép. Tuyên bố cũng lưu ý rằng, G7 sẽ tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư bất thường cũng như nỗ lực tăng cường quản lý biên giới và hạn chế tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

G7 cam kết thúc đẩy Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu -0
Hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP.

Trước đó, trong một tuyên bố báo giới sau hội nghị, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh: “Di cư bất hợp pháp hiện là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Nhiều người đang di chuyển xuyên biên giới hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của chúng ta. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn thảm kịch nhân loại này diễn ra. G7 đã tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư, bao gồm gói hỗ trợ phát triển mới của Vương quốc Anh cho châu Phi và sáng kiến Hệ thống Thực phẩm Apulia mới của Italy nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Chúng ta không thể để các băng nhóm tội phạm quyết định ai sẽ đến đất nước của chúng ta”.

Về phần mình, Thủ tướng nước chủ nhà Italy Giorgia Meloni – người được biết đến với quan điểm cứng rắn về vấn đề di cư đã bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư và tài trợ cho các quốc gia châu Phi như một biện pháp giảm áp lực di cư lên châu Âu. Điều này đã được nhiều nước G7 trong đó có Thủ tướng Rishi Sunak ủng hộ.

Ngoài vấn đề di cư, tuyên bố của G7 cũng khẳng định hợp tác cùng nhau và các nước khác để giải quyết những thách thức cấp bách của thời đại này như trí tuệ nhân tạo và an ninh kinh tế. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự đoàn kết với Ukraine, ủng hộ một thỏa thuận dẫn đến ngừng bắn ngay lập tức và thả con tin ở Gaza, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững ở châu Phi cũng như các cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và di cư.

Cũng tại sự kiện này, các quốc gia thành viên G7 cam kết thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng cụ thể, bao gồm dự án Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC). Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến mang tính chuyển đổi, bao gồm cả việc phát triển các hành lang kinh tế như Hành lang Lobito, Hành lang kinh tế Luzon và đặc biệt là IMEC. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng cửa, dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế, và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong bối cảnh căng thẳng với Nga.

Theo CAND