Dù Facebook đã vài lần phủ nhận, nhiều người vẫn tin mạng xã hội đang dùng micro trên smartphone để nghe các cuộc trò chuyện ngoài đời.
"Này, tớ định hè này đi một chuyến xa xa, như là Buenos Aires hay Lisbon. Cậu đi cùng không?", bạn nói với cô bạn thân trong quán cafe. Vài giờ sau, khi đang cuộn News Feed, bạn bỗng thấy một quảng cáo về hành trình giá rẻ tới Lisbon dù chưa hề tìm kiếm bằng từ khóa gì liên quan tới thủ đô của Bồ Đào Nha. Bạn nghĩ hẳn Facebook đã nghe được những gì bạn nói qua micro trên điện thoại, từ đó hiển thị quảng cáo cá nhân dựa trên những mối quan tâm của bạn.
Mối nghi ngờ này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 và đến nay vẫn tồn tại dù Facebook luôn nỗ lực dập tắt.
Facebook nhiều lần gặp rắc rối liên quan tới quyền riêng tư của người dùng. Ảnh: Facebook.
Cách đây 5 năm, mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa ra công cụ có thể nhận dạng âm nhạc mà người dùng đang nghe để cập nhật status, nhưng lập tức bị cáo buộc "rình mò người sử dụng". Facebook giải thích dữ liệu hoàn toàn nằm trong tay người dùng nhưng sau đó họ vẫn phải bỏ công cụ này.
Đến 2016, Facebook lại triển khai tính năng cho phép họ thu các đoạn âm thanh xung quanh để "nhận dạng và chia sẻ" nếu được kích hoạt. Mục đích là nhận dạng những gì người dùng đang xem hoặc đang nghe khi đang cập nhật trạng thái. Kelli Burns, giáo sư chuyên ngành truyền thông tại Đại học Nam Florida và nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bật tính năng này rồi thảo luận về kỳ nghỉ sắp tới.
"Tôi nói đang quan tâm đến kỳ nghỉ ở châu Phi và sẽ thật thú vị nếu du ngoạn bằng xe jeep. Chưa đầy một phút sau, trên News Feed xuất hiện những bài viết có dấu Sponsored (được tài trợ) về các chuyến đi săn ở châu Phi, các mẫu xe jeep...", Burns cho biết.
Facebook sau đó phủ nhận: "Chúng tôi không bao giờ ghi âm lại những gì bạn đang nói. Khi bạn bật tính năng, chúng tôi chỉ sử dụng microphone để xác định thứ bạn đang nghe, xem và chỉ hoạt động khi bạn cập nhật trạng thái. Facebook hoàn toàn không thu thập chúng". Mạng xã hội cũng khẳng định "không sử dụng micro cho mục đích tối ưu hóa dịch vụ quảng cáo, điều chỉnh các câu chuyện trên bảng tin (News Feed)".
Mối nghi này tiếp tục được nhắc đến trong phiên điều trần của CEO Facebook Mark Zuckerberg trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 4/2018. "Có hay không việc Facebook sử dụng âm thanh thu được từ các thiết bị di động để làm giàu thông tin cá nhân về người dùng?", Thượng nghị sĩ Gary Peters hỏi.
Ông chủ Facebook đáp ngắn gọn: "Không" nhưng nói thêm rằng người dùng Facebook đều cho phép truy cập micro bởi nó liên quan trực tiếp đến tính năng quay video và ghi âm.
Theo Business Insider, nguyên nhân nhiều người vẫn nghĩ Facebook đang nghe lén họ là vì họ không tin Facebook nữa sau quá nhiều bê bối liên quan tới quyền riêng tư. Brian Krupp, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Baldwin Wallace (Mỹ), cho rằng các hãng như Apple, Facebook... nên minh bạch thông tin, thay vì để người dùng "đoán già đoán non".
Còn về phía người dùng, khó có thể xác định Facebook sử dụng micro trên điện thoại trong những trường hợp nào. Nếu muốn đảm bảo mạng xã hội không nghe lén (nếu có), họ có thể vô hiệu hóa tính năng này. Trên iOS, người dùng vào Cài đặt > Quyền riêng tư > Microphone > Facebook và chọn tắt. Trên Android, vào Cài đặt > Quyền ứng dụng > Microphone > Facebook và chọn tắt.
Danh sách "đen" trong facebook của chồng tiết lộ bí mật trên chiếc giường cưới
Nhưng khi lướt đến một cái tên lạ, một gương mặt đẹp, tôi chết sững khi hình nền của cô ấy là chiếc giường cưới của ... |
'Cơn bão report' đang đe dọa đánh sập hàng nghìn group Facebook
Tuyên bố sẽ ưu tiên phát triển tính năng nhóm cộng đồng nhưng Facebook vẫn chưa thể quản lý được hết các vấn đề bảo ... |
Vừa nói chuyện phút trước, phút sau đã thấy quảng cáo Facebook
Dù Facebook bác bỏ, nhiều người dùng tin rằng mạng xã hội của Mark Zuckerberg đang nghe lén họ. |