EU tung chiến lược đối trọng sáng kiến BRI của Trung Quốc

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thống nhất khởi động chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường liên kết khu vực này với thế giới, động thái được kỳ vọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và đối ngoại, bảo đảm lợi ích an ninh cùng các giá trị của châu Âu trong thời kỳ ngày càng nhiều thách thức và biến động.

Chiến lược này của EU nhằm thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại, đồng thời đảm bảo lợi ích an ninh và các giá trị của châu Âu. Mặc dù kế hoạch không hề nhắc đến Trung Quốc nhưng giới phân tích nhận định, toàn bộ kế hoạch này là chiến lược mới của châu Âu nhằm đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

EU tung chiến lược đối trọng sáng kiến BRI của Trung Quốc

EU đưa ra kế hoạch đối đầu với BRI của Trung Quốc. Ảnh minh họa Getty Images

Theo thông cáo của Hội đồng châu Âu (EC), kế hoạch được xây dựng trên nền tảng Tuyên bố chung về kết nối châu Âu - Á năm 2018, nguyên tắc cơ bản là kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ. Kết nối tốt hơn cũng sẽ góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, khẳng định tầm quan trọng của châu Âu về địa chính trị và địa kinh tế cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của EU với các đối tác.

Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này hiện nay mới chỉ dừng ở mức đưa ra ý tưởng, chưa có bất cứ lộ trình cụ thể nào. EU còn rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa kế hoạch này, trong đó trọng tâm được cho là quy mô tài chính của kế hoạch, cơ chế hợp tác giữa các bên, mức độ mở rộng của các dự án cùng hàng loạt các yếu tố kỹ thuật khác.

Giới phân tích cho rằng trước mắt EU cần phải xây dựng được một chiến lược truyền thông lớn cho kế hoạch này để có thể quảng bá một cách hiệu quả, thu hút trên phạm vi toàn cầu. Dự kiến, các quan chức ngoại giao và kinh tế hàng đầu của EU sẽ dành 9 tháng tới để xem xét, đánh giá và lên một danh sách các dự án "có tầm ảnh hưởng cao và thực tế", tức là những dự án mà EU cho rằng có đủ khả năng tạo ra các ảnh hưởng lớn, đủ sức đối trọng với các dự án của Trung Quốc.

Chiến lược kết nối toàn cầu của châu Âu là bước đi mới nhất sau các thỏa thuận của EU đạt được với Ấn Độ và Nhật Bản nhằm tăng cường kết nối trong lĩnh vực giao thông, công nghệ số và năng lượng.

Tại cuộc họp hôm 12/7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận định rằng hiện tại Trung Quốc đang dùng các phương tiện kinh tế và tài chính của mình để tạo ảnh hưởng khắp thế giới, rõ nhất chính là thông qua BRI và để đối phó với chiến lược đó của Trung Quốc, các chiến dịch nhằm hạ thấp sáng kiến của Bắc Kinh sẽ không hiệu quả mà điều quan trọng nhất là châu Âu cần phải đưa ra được một giải pháp thay thế, phải chứng minh cho các nước đang phát triển tại châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latin rằng kế hoạch của châu Âu mang lại các lợi ích lớn hơn cho các nước đó.

Được triển khai từ năm 2013, BRI của Trung Quốc đã thu hút gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, với tổng số vốn huy động đã trên 2.500 tỷ USD. Dù vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về sáng kiến này, như "bẫy nợ" hay tác động tiêu cực đến môi trường, BRI cũng đã đem đến nhiều tác động tích cực, giúp các nước nghèo, đang phát triển xây dựng được các hệ thống cơ sở hạ tầng lớn như cầu-đường, bến cảng, đường sắt cao tốc…

Đây chính là các lợi ích rõ ràng mà các nước nhận được khi tham gia sáng kiến của Trung Quốc, vì thế để thuyết phục các nước khác khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, châu Âu sẽ phải chứng minh mình mang lại lợi ích lớn hơn, một cách thực tế bằng hành động, chứ không phải bằng các cam kết suông.

Có thể thấy, việc EU tung ra kế hoạch thể hiện sự thay đổi nhận thức căn bản của khối, cũng như mối quan ngại về tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại nhiều khu vực trọng yếu với châu Âu, như Balkan, châu Phi hay châu Mỹ Latin.

Đáng chú ý, trong EU cũng đã có 2 thành viên tham gia BRI là Hy Lạp và Italy. Chính vì vậy, EU càng cần phải nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn sự chia rẽ trong nội bộ khối. Tầm quan trọng của một chiến lược kết nối hiệu quả của EU càng được nhấn mạnh hơn nữa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, làm bộc lộ cả những điểm mạnh và điểm yếu của mạng lưới kết nối châu Âu với toàn cầu. EU dự kiến sẽ đưa ra lộ trình chính thức cho kế hoạch kết nối đầy tham vọng này từ mùa xuân năm 2022.

Trong một diễn biến có liên quan, tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra ở Anh hồi tháng 6 vừa qua, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu có tên gọi "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" với cam kết huy động hàng chục nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Kế hoạch này do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, đối đầu với BRI vốn bị phương Tây chỉ trích là "ngoại giao bẫy nợ".

Theo ước tính của Nhà Trắng, các nước đang phát triển cần ít nhất 40 ngàn tỉ USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2035. Cũng theo Nhà Trắng, G7 và các đồng minh sẽ sử dụng sáng kiến này để huy động vốn từ khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số cũng như công bằng và bình đẳng giới. Hãng tin Reuters nhận định các nhà lãnh đạo G7 gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Italy, Pháp và Nhật Bản đang muốn chứng minh các nền dân chủ nhất thế giới có thể cung cấp một giải pháp thay thế các ý tưởng của Trung Quốc.

Duy Tiến

Cựu Phó Tổng thống Pence kêu gọi chính quyền Biden ‘mạnh tay’ hơn với Trung Quốc Cựu Phó Tổng thống Pence kêu gọi chính quyền Biden ‘mạnh tay’ hơn với Trung Quốc
BLV Quang Tùng: Tuyển Việt Nam chờ đợi trận đấu Trung Quốc ở Mỹ Đình BLV Quang Tùng: Tuyển Việt Nam chờ đợi trận đấu Trung Quốc ở Mỹ Đình
Chính quyền Biden tính thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc Chính quyền Biden tính thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc
/ cand.com.vn