EU - lát cắt trong những mục tiêu chiến lược

Cuộc xung đột Ukraine là sự kiện địa chính trị gây sốc nhất đối với Châu Âu kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và hiện đang tác động lớn tới triển vọng phát triển của Eu, bao gồm thay đổi hẳn quy luật vận hành và phát triển kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng mang tính lâu dài hơn cả cuộc khủng hoảng nợ công trước đây.

Cuộc xung đột đã làm suy yếu sức mạnh và tầm ảnh hưởng vốn đã bị hạn chế nhiều của EU, đẩy nhanh tiến trình nhìn lại vai trò của liên minh này trong cục diện địa chính trị thế giới và có thể sẽ “bóp nghẹt” giấc mơ địa chính trị của EU là trở thành một cực của thế giới. Điều này rõ ràng là sẽ không có lợi cho thế giới đa cực hóa, không có lợi cho việc ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền. Đương nhiên, tất cả những vấn đề trên không phải đã vô phương cứu chữa, nếu EU xem xét lại một cách chính xác bài học từ cuộc xung đột Ukraine, đoàn kết đồng lòng, nhìn nhận thế giới bằng thái độ rộng lượng và bao dung hơn thì có thể sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

EU - Lát cắt trong những mục tiêu chiến lược -0
Cuộc xung đột Ukraine là sự kiện địa chính trị gây sốc nhất đối với châu Âu kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Cuộc xung đột Ukraine sẽ làm tăng tốc hoặc gây tổn hại tới triển vọng phát triển của EU, đây không chỉ là vấn đề lý luận mà đã trở thành hiện thực, ảnh hưởng tới EU trên cả 3 góc độ kinh tế, tự chủ chiến lược và nhất thể hóa.

Toàn bộ nền kinh tế rung lắc mạnh

Xét theo xu hướng phát triển liên quan, cuộc xung đột Ukraine sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng mang tính lâu dài đối với EU hơn cả cuộc khủng hoảng nợ công trước đây. Thứ nhất, EU, đặc biệt là Đức, có thể sẽ phải trải qua một quá trình phi công nghiệp hóa mới. Từ bỏ hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga là vấn đề rất lớn và mang tính cấu trúc đối với các quốc gia châu Âu. Hậu quả của thực trạng này hiển hiện rất rõ, không chỉ một lượng lớn các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm hoạt động hoặc đóng cửa, mà toàn bộ ngành sản xuất cũng phải chịu cảnh giá thành tăng và sức cạnh tranh giảm do năng lượng tăng giá. Không những vậy, Mỹ - một quốc gia vừa có giá năng lượng rẻ vừa có nguồn lực tài chính mạnh, có thể áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp -  sẽ khiến ngành sản xuất của EU rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”, ngày càng lép vế so với Mỹ.

EU - Lát cắt trong những mục tiêu chiến lược -0
Eurozone có thể đang phải đứng trước một kỷ nguyên thâm hụt thương mại mới.

Thứ hai, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Đức có thể sẽ rơi vào kỷ nguyên thâm hụt thương mại. Thâm hụt thương mại trong 3 quý đầu năm 2022 của Eurozone lên tới 266,6 tỷ euro, trong khi đó thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2021 của khu vực này là 129,2 tỷ euro. Đây có thể là sự khởi đầu, hay nói cách khác, Eurozone và Đức có thể đang phải đứng trước một kỷ nguyên thâm hụt thương mại mới do nguyên nhân giá năng lượng nhập khẩu luôn ở mức cao; thị trường bị thu hẹp sau khi không có Nga; đồng euro mất giá và sức cạnh tranh của ngành sản xuất sụt giảm. Thâm hụt thương mại chưa hẳn đã không tốt, nhưng đối với euro -  đồng tiền không có sự bảo trợ của chính phủ trung ương - chắc chắn sẽ làm gia tăng mức độ rủi ro tài chính cho Eurozone.

Thứ ba, hiệu ứng lan tỏa từ rủi ro của Đức, đầu tàu của EU, ngày càng mở rộng. Tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với Đức rất lớn, cả ngắn và dài hạn, khiến kinh tế của “đầu tàu” rơi vào suy thoái. Kinh tế Đức xuất hiện vấn đề, đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến các nước xung quanh như Ba Lan, Czech, Hungary và Slovakia -  những quốc gia đã hội nhập sâu vào chuỗi công nghiệp của Đức - “thịnh cùng thịnh, suy cùng suy”. Tiếp đó, sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của Eurozone, nếu Đức cũng rơi vào tình trạng như của Italy, đó là kinh tế trì trệ, nợ công gia tăng và chính trị bất ổn, thì sẽ đồng nghĩa với sự sụp đổ của Eurozone.

Thứ tư, rủi ro nợ công ngày càng nghiêm trọng. Trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine, tỷ lệ nợ công trên GDP của các quốc gia châu Âu đã ở mức cao. Sau khi cuộc xung đột nổ ra, các nước này đưa ra nhiều giải pháp có quy mô lớn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó phần lớn kinh phí sử dụng cho các giải pháp này có nguồn gốc từ những khoản nợ không bền vững. Trái ngược với việc mở rộng quy mô chi tiêu và cho vay, kinh tế châu Âu đang trên đà trượt dốc, thậm chí suy thoái. Nói cách khác, các quốc gia châu Âu tới đây khó có thể thông qua tăng trưởng kinh tế để giảm áp lực của nợ công, gánh nặng nợ công đối với các quốc gia này, nhất là những nước yếu thế sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Mục tiêu tự chủ chiến lược còn xa vời

Xung đột Ukraine khiến cho triển vọng xây dựng quyền tự chủ chiến lược của EU vốn đã không lấy gì làm sáng sủa càng thêm ảm đạm hơn. Trong lĩnh vực quốc phòng, ý chí và nguyện vọng làm chủ chiến lược của EU đã giảm đi rõ rệt. Các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan cùng các nước Baltic phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và NATO, yêu cầu Washington thiết lập các căn cứ quân sự thường trực và gia tăng số quân Mỹ đồn trú tại các nước này.

EU - Lát cắt trong những mục tiêu chiến lược -0
Khoản chi đầu tiên trong Quỹ hiện đại hóa quốc phòng trị giá 100 tỷ Euro của Đức được dùng để đặt mua 80 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ.

Hai quốc gia Bắc Âu, Phần Lan và Thụy Điển, thì đã có 1 nước vừa vào NATO. Phần lớn chi phí quốc phòng gia tăng của các quốc gia châu Âu có thể đều chảy vào túi Mỹ, chứ không phải là các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của các thành viên “lục địa già”. Khoản chi đầu tiên trong Quỹ hiện đại hóa quốc phòng trị giá 100 tỷ euro của Đức được dùng để đặt mua 80 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Đây hiển nhiên không phải là dấu hiệu tốt cho việc tự chủ chiến lược. Đại đa số các thành viên EU vẫn lấy việc đặt mua vũ khí của Mỹ để thể hiện lòng trung thành với Washington, mục đích chính là giành thiện chí của Mỹ, không phải để xây dựng sự tự chủ về quốc phòng cho bản thân và khối.

Trong lĩnh vực kinh tế, xét về lâu dài, năng lực tự chủ chiến lược của EU đang trên đà đi xuống. Trong khoảng 10 năm qua, so sánh thực lực kinh tế giữa EU và Mỹ liên tục diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho Washington. Năm 1995, GDP của EU đạt 8.300 tỷ USD, chiếm 26,9% GDP toàn cầu, còn GDP Mỹ đạt 7.640 tỷ USD, chiếm 24,7% toàn cầu. Năm 2020, GDP của EU đạt 15.190 tỷ USD, chiếm 17,9% GDP toàn cầu, trong khi đó GDP của Mỹ đạt 20.950 tỷ USD, chiếm 24,7% GDP toàn cầu. Theo đó, kinh tế EU ngày càng thua xa Mỹ. Tổn thất kinh tế do cuộc xung đột Ukraine gây ra đối với EU nghiêm trọng hơn rất nhiều so với Mỹ. Điều này sẽ đẩy nhanh quá trình thay đổi cán cân so sánh thực lực kinh tế cũng như quan hệ phụ thuộc giữa hai bên, mức độ phụ thuộc của EU vào Mỹ sẽ ngày càng lớn và ngược lại Mỹ sẽ dần giảm bớt sự lệ thuộc vào EU. Giống như các lĩnh vực an ninh và quốc phòng, quan hệ EU -  Mỹ trên lĩnh vực kinh tế cũng sẽ mất đi sự bình đẳng giữa hai bên.

Sự thay đổi cơ cấu quyền lực trong nội bộ cũng không có lợi cho việc xây dựng quyền tự chủ chiến lược của EU. Trong nội bộ EU, các quốc gia thành viên Trung, Đông Âu và Bắc Âu có truyền thống thân Mỹ hơn và thường tỏ ra nhiệt tình trong việc ủng hộ NATO. Ngược lại, họ tỏ ra nghi ngờ, thậm chí phản đối EU tự chủ chiến lược. Xung đột Ukraine bùng phát khiến các nước này chiếm thế thượng phong, cho rằng cuộc xung đột đã chứng minh quan điểm của họ là đúng, còn các nước Pháp và Đức đã sai lầm, do đó càng tỏ ra tự tin và lớn tiếng hơn khi phê phán Paris và Berlin. Xét từ tình hình hiện tại, vai trò cũng như tiếng nói của các nước Trung, Đông Âu và Bắc Âu đã tăng lên rõ rệt, chủ chương chính sách của họ như việc “thân Mỹ chặn Nga” cũng đang trở thành dòng chủ lưu trong nội bộ EU. Trong bối cảnh đó, Mỹ và NATO sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo đối với chính sách ngoại giao và an ninh của EU, tư tưởng tự chủ chiến lược của liên minh này khó có thể trở thành chủ đạo.

Phức tạp nhất thể hóa

Xét theo phương diện tích cực, cuộc xung đột Ukraine đã tạo ra động lực mới cho tiến trình nhất thể hóa EU như tăng cường ý thức “cộng đồng chung vận mệnh”, tăng cường ý thức địa chính trị và nâng cao tính cấp bách của việc cùng nhau hành động. Tuy vậy, cuộc xung đột trên cũng làm phức tạp thêm các yếu tố tiêu cực, cản trở tiến trình nhất thể hóa vốn đã tồn tại trong nội bộ EU.

EU - Lát cắt trong những mục tiêu chiến lược -0
Trong lĩnh vực kinh tế, xét về lâu dài, năng lực tự chủ chiến lược của EU đang trên đà đi xuống.

Mâu thuẫn nội bộ là một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình nhất thể hóa EU. Trước tiên là mâu thuẫn giữa các quốc gia Nam Âu và Bắc Âu. Do sự hạn chế chung về điều kiện tài chính, nên các nước Nam Âu không thể “dốc hầu bao” cho việc ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, trong khi các quốc gia Bắc Âu giàu có lại có thể mạnh tay hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Đức sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp của Pháp và các nước Nam Âu khác. Theo đó, mức độ phân hóa kinh tế giữa Đức và các quốc gia Nam Âu sẽ tăng lên, kéo theo tâm lý oán hận của các nước ở phía Nam “lục địa già”. Tiếp đó là mâu thuẫn giữa Đông Âu và Tây Âu. Các quốc gia Đông Âu và Tây Âu tuy đạt được sự đồng thuận về chính sách ngắn hạn hiện nay, nhưng lại có sự khác biệt trong mục tiêu chiến lược dài hạn và cùng với thời gian, sự khác biệt này sẽ ngày càng nổi bật hơn.

Sự chênh lệch về trình độ cũng là một cản trở. Tiến trình nhất thể hóa châu Âu chủ yếu dựa vào sự thúc đẩy của các nước lớn, trong đó Pháp và Đức với tư cách là 2 quốc gia lớn nhất luôn đóng vai trò chủ đạo, nhưng hiện vai trò này đã bị hạ thấp bởi cuộc xung đột Ukraine. Điều này xuất phát từ chính những chính sách sai lầm của 2 nước này đối với Nga và với cả cuộc xung đột, sự hồ nghi từ các nước nhỏ khác vì thế không ngừng gia tăng. Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy cũng là một yếu tố cần được xem xét. Diễn biến các cuộc bầu cử tại một số quốc gia thành viên EU kể từ sau khi xung đột Ukraine nổ ra đến nay đã cho thấy xu hướng kể trên. Sự phân cực, chia rẽ chính trị sẽ làm gia tăng khó khăn trong việc phối hợp và thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên EU, cản trở tiến trình nhất thể hóa phát triển đi vào chiều sâu.

Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng phát triển của EU, và sẽ là sự kiện lịch sử mang tính quyết định trong quá trình phát triển của EU, làm suy yếu sức mạnh, tầm ảnh hưởng cũng như đẩy nhanh tiến trình nhìn nhận vai trò của liên minh này trong cục diện địa chính trị thế giới. EU ra đời trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, sự phát triển lớn mạnh của liên minh này đã thúc đẩy thế giới đa cực hóa, cân bằng quyền lực với Mỹ. Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine chính là sự kiện mang tính bi kịch đối với EU, không chỉ đảo lộn tiến trình phát triển mà còn có thể “bóp nghẹt” giấc mơ trở thành một cực thế giới của liên minh này.

 https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/eu-lat-cat-trong-nhung-muc-tieu-chien-luoc-i689503/

Huy Thông / Công an nhân dân