Chỉ vì lên tiếng để đòi một quyền lợi chính đáng cho bản thân mình và các bạn mà em Phạm Song Toàn vô tình đã phải chịu đựng những áp lực, thiệt thòi và sự nổi tiếng bất đắc dĩ.
Nữ sinh Phạm Song Toàn.
Bên lề một cuộc ra mắt sách, dịch giả Nguyễn Quang Thạch, người nổi tiếng với dự án “sách hóa nông thôn” đã đề cập đến câu chuyện của nữ sinh Phạm Song Toàn (Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM) ở góc độ về sự nổi tiếng.
“Chúng ta đã để một cô bé chỉ mới ở độ tuổi mới lớn phải chịu một áp lực quá nặng nề về sự nổi tiếng. Trong khi dư luận càng tranh cãi thì gánh nặng áp lực càng đè lên đôi vai của cô bé”, anh nói.
“Người đi xuyên Việt vì sách” khẳng định, việc chuyển em Phạm Song Toàn sang một ngôi trường khác thể hiện sự thất bại hoàn toàn trong biện pháp xử lý tình huống của nhà trường, Sở Giáo dục và lãnh đạo UBND TPHCM.
"Chúng ta phải đặt ra câu hỏi về việc cô giáo đến lớp và im lặng với học sinh trong vòng 3 tháng mà các em học sinh vẫn không dám lên tiếng phản ánh bất cứ điều gì. Đây là một vấn đề nghiêm trọng của giáo dục Việt Nam mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận. Một đứa trẻ không dám đòi quyền lợi cho mình, không dám nói lên tiếng nói của mình thì giáo dục của trường đó đã thất bại hoàn toàn", dịch giả Nguyễn Quang Thạch cho biết.
Tác giả dự án "Sách hóa nông thôn" cho rằng, ở cấp bậc THPT mà các em còn không dám lên tiếng sớm thì trong quá trình từ tiểu học đến THCS, bản thân nhiều học sinh cũng đã rơi vào thế bị động trong việc bày tỏ quan điểm, quyền lợi của mình. "Để học sinh im lặng trong suốt thời gian dài chứng tỏ thầy cô, nhà trường cũng đã thất bại trong phương pháp giáo dục. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp nhưng trong câu chuyện này nó đã bị từ chối", anh nói.
Trước đó, trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt ra câu hỏi về sự ẩn ức của cô giáo. “Nếu sự ẩn ức đó chỉ thể hiện với riêng 1 lớp học thì nên động viên cô giáo nói ra". Tuy nhiên, ông khẳng định, ở góc độ giáo dục, phản ứng của cô giáo là điều bất hợp lý. “Lẽ thường, phải là học sinh mới là đối tượng hay có tâm lý hờn dỗi chứ không phải là thầy giáo, cô giáo. Bản thân nữ giáo viên trong câu chuyện này là viên chức của nhà nước, công chức của nhà trường. Vì thế cô phải ý thức được vai trò, trách nhiệm đứng trên bục giảng của mình. Cô giáo không có quyền giận dỗi với học sinh mà phải là ngược lại mới đúng”.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, việc để học sinh phản ánh về tình trạng “im lặng” trong suốt thời gian dài cho thấy rõ ràng cô giáo đã vi phạm những yêu cầu cơ bản trong phương pháp giáo dục. Tuy nhiên, ông cho rằng, nên cân nhắc khi sử dụng khái niệm “cô giáo quyền lực”. “Cần phải xem xét một cách cẩn trọng sự việc. Nếu thực sự có vấn đề thì phải giải quyết tận gốc. Nhưng dư luận cũng nên có sự thông cảm, chia sẻ đối với nữ giáo viên”, ông nói.
ĐBQH Dương Trung Quốc cũng đánh giá cao tinh thần phản ánh tiêu cực của nữ sinh Phạm Song Toàn. Theo ông, cần khuyến khích thêm những hành động như thế để học sinh Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình.
Câu chuyện chuyển trường của em Phạm Song Toàn: Nước mắt của sự trung thực
Lẽ nào bao nhiêu bài giảng về lòng trung thực, cái tốt, xấu, bình đẳng…lại chỉ là lý thuyết suông trong trường hợp đầy chua ... |
Để em Phạm Song Toàn phải chuyển trường, mục tiêu giáo dục đã thất bại
Ngay trong môi trường sư phạm, một việc làm đúng không được bảo vệ, một việc làm sai lại không dám đấu tranh. Điều này ... |
Chuyển trường, em Song Toàn đang chạy trốn áp lực?
Chuyển trường nghĩa là em Song Toàn phải trốn chạy khỏi những áp lực? Câu chuyện của em làm tôi nhớ lại câu chuyện của ... |