Mong muốn hạ lãi suất xuống 1% của ông Trump có khả thi?

Theo các nhà kinh tế, yêu cầu hạ lãi suất xuống 1% của ông Trump là rất khó khả thi trong bối cảnh kinh tế Mỹ hiện nay. Thậm chí việc giảm lãi suất xuống 1% có thể phản tác dụng và cũng chưa chắc đã kéo được lãi suất thị trường giảm xuống.

Mong muốn hạ lãi suất xuống 1% của ông Trump có khả thi?

Mức lãi suất 1% có bình thường?

Còn nhớ mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi cho Chủ tịch Fed Jerome Powell một bảng tổng hợp lãi suất các ngân hàng trung ương toàn cầu, và cho rằng Mỹ nên có lãi suất nằm giữa mức 0,5% của Nhật Bản và 1,75% của Đan Mạch.

“Ông nên giảm lãi suất thật mạnh. Hàng trăm tỷ USD đang bị mất đi”, ông Trump viết trong tờ ghi chú gửi kèm, sau đó đăng tải lên mạng xã hội với tuyên bố rằng: “Chúng ta nên trả lãi suất 1%, hoặc thấp hơn”.

Tuy nhiên theo các nhà kinh tế, ông Trump nên cẩn thận với những gì ông mong muốn, bởi lãi suất chính sách của Fed ở mức thấp như vậy thường là một phản ứng trước một nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Trên thực tế lãi suất chính sách 1% của Fed không phải là hiếm trong 25 năm qua, nhưng không phải là dấu hiệu của thời kỳ tốt đẹp, trùng khớp với tỷ lệ thất nghiệp từ 6% trở lên.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, cựu Tổng thống George W. Bush đã điều hành đất nước vào thời điểm lãi suất ở mức 1%. Điều này xảy ra ngay sau khi Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003 và vào cuối chuỗi cắt giảm lãi suất của Fed sau vụ sụp đổ dot-com và vụ tấn công vào Mỹ ngày 11/9/2001.

Hay như cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã thừa hưởng lãi suất chính sách gần bằng 0 của Fed khi ông nhậm chức vào tháng 1/2009, nhưng ông cũng thừa hưởng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bản thân ông Trump cũng đã nhận được chính sách lãi suất gần bằng 0 từ Fed trong những tháng cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại Nhà Trắng - khi đại dịch COVID-19 làm tê liệt nền kinh tế.

Mong muốn hạ lãi suất xuống 1% của ông Trump có khả thi?
Diễn biến lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ

Mong muốn có khả thi?

Tuy nhiên nền kinh tế Mỹ hiện không gặp khó khăn như vậy. Theo đó nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức thấp, còn lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.

Trong khi Quốc hội Mỹ giao cho Fed nhiệm vụ duy trì giá cả ổn định và việc làm đầy đủ, không làm cho chi tiêu thâm hụt trở nên rẻ, và việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh hiện tại có thể sẽ khơi mào lại lạm phát.

Thậm chí mức lãi suất siêu thấp mà Trump mong muốn có thể dễ dàng phản tác dụng nếu các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu kho bạc trị giá 36 nghìn tỷ USD coi động thái này có nghĩa là Fed đã nhượng bộ trước áp lực chính trị và cắt giảm lãi suất vì những lý do sai lầm.

“Tôi không nhất thiết tin rằng... nếu Fed quyết định cắt giảm xuống 1% vào ngày mai, thì điều này sẽ có tác động đến lãi suất dài hạn. Thị trường trái phiếu lo ngại rằng lạm phát sẽ bùng phát trở lại và về cơ bản, chúng ta sẽ mất đi sự độc lập của Fed và làm giảm kỳ vọng lạm phát”, Gregory Daco - Nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon cho biết. Theo ông, mặc dù Fed có "dư địa" để nới lỏng chính sách từ mức 4,25%-4,50% hiện tại, nhưng mức độ cắt giảm không giống với mức độ mà ông Trump hình dung.

Lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp là 4,1%, nền kinh tế đang tăng trưởng khoảng 2% và lạm phát khoảng 2,5%, Daco cho biết: "Xét về mặt dữ liệu, không có gì cho thấy cần phải hạ lãi suất ngay lập tức và đáng kể”.

Hiện các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng cho rằng, việc cắt giảm lãi suất chỉ diễn ra khi họ chắc chắn rằng các mức thuế quan mới của Trump - nhiều mức đã được áp dụng và nhiều mức sắp tới - sẽ không làm tăng lạm phát.

Bên cạnh đó các nhà hoạch định chính sách thường tham khảo các công thức chính sách hoặc quy tắc liên hệ mục tiêu lạm phát của họ với dữ liệu kinh tế sắp tới và dự báo để chỉ ra mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, không có công thức nào đề xuất mức lãi suất chính sách của Fed thấp như ông Trump mong muốn.

Những gì Fed kiểm soát và không kiểm soát

Mặc dù có ảnh hưởng rất lớn, song theo các nhà kinh tế, Fed có rất ít công cụ để tác động đến nền kinh tế trong thời kỳ bình thường.

Theo đó, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thường nhóm họp 8 lần một năm để thiết lập lãi suất cho vay qua đêm. Mặc dù chỉ các ngân hàng vay qua đêm ở mức lãi suất đó, nhưng đây là một chuẩn mực cho các khoản tín dụng khác, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ nợ doanh nghiệp đến thế chấp nhà, thẻ tín dụng tiêu dùng và lợi suất trái phiếu Kho bạc...

Tuy nhiên dù có mối tương quan chặt chẽ với lãi suất chính sách của Fed, nhưng những lãi suất khác đó không được Fed trực tiếp thiết lập và luôn có một mức chênh lệch, bao gồm cả vấn đề mà ông Trump quan tâm hiện nay: lãi suất trái phiếu Kho bạc.

Mong muốn hạ lãi suất xuống 1% của ông Trump có khả thi?
Biểu đồ ước tính về phí bảo hiểm kỳ hạn đối với trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm

Chưa kể, hoạt động giao dịch toàn cầu trên một loạt thị trường cuối cùng sẽ quyết định những lãi suất khác. Ví dụ, nhu cầu của một quỹ hưu trí nước ngoài đối với trái phiếu Kho bạc sẽ ảnh hưởng đến số tiền chính phủ Mỹ phải trả để tài trợ cho hoạt động của mình.

Cung và cầu rất quan trọng.

Nguồn cung nợ của chính phủ Mỹ được xác định bởi mức chi tiêu và thuế do tổng thống và Quốc hội quy định. Chính phủ liên bang thường chi tiêu hàng năm nhiều hơn số tiền thu được từ thuế và các khoản thu khác, và Bộ Tài chính bù đắp khoản thâm hụt hàng năm đó bằng tiền vay, phát hành trái phiếu Kho bạc.

Nếu xét về mọi mặt, thâm hụt lớn hơn và nợ tích lũy nhiều hơn đồng nghĩa với lãi suất cao hơn. Trong khi thâm hụt và nợ dự kiến sẽ tăng sau khi Quốc hội thông qua dự luật “lớn và đẹp” của ông Trump vào đầu tháng này.

Còn về phía cầu, Mỹ được hưởng vị thế đặc quyền giúp giữ chi phí vay của chính phủ ở mức thấp vì vẫn được coi là một khoản đầu tư tương đối không có rủi ro.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ người vay nào, chính phủ Mỹ phải trả phí bảo hiểm cho rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu. Việc “chôn” tiền trong trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đồng nghĩa với việc bỏ lỡ các cơ hội khác. Lãi suất, lạm phát và tăng trưởng kinh tế đều có thể thay đổi trong khoảng thời gian đó. Vì thế các nhà đầu tư muốn được bù đắp cho những rủi ro đó.

Với lãi suất chính sách của Fed là điểm khởi đầu, tất cả các yếu tố đó được cộng dồn lại dưới dạng “phí bảo hiểm kỳ hạn”.

Những yếu tố vô hình, chẳng hạn như niềm tin vào các thể chế của một quốc gia, cũng rất quan trọng. Khi ông Trump đe dọa sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tháng 4, lợi suất trái phiếu đã tăng, khiến ông phải rút lại lời đe dọa này. Đó là một dấu hiệu cho thấy thị trường toàn cầu có một lá phiếu quan trọng trong việc quyết định sự độc lập của NHTW.

https://thoibaonganhang.vn/mong-muon-ha-lai-suat-xuong-1-cua-ong-trump-co-kha-thi-167272.html

Hà Vy / Theo Thời báo Ngân hàng