Nếu con còn học với thầy, có lẽ ước mơ “nâng cao” của con sẽ không có cơ hội được thực hiện...
![]() |
![]() |
Chiều qua, trong giờ học, con có hỏi thầy: “Thầy ơi, thầy có cho con làm bài nâng cao không?” Câu trả lời của thầy : “Học với thầy, chẳng bao giò các con có cơ hội làm bài nâng cao đâu”.
Vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên gương mặt con. Có vẻ như con càng thất vọng hơn khi thầy khẳng định rằng: “Học với thầy chỉ có những bài rất căn bản mà thôi”. “Căn bản” còn được thầy phát âm chậm và rõ từng từ một.
Có lẽ, không chỉ các con mà nhiều bạn học sinh khác luôn nghĩ rằng phải học được những bài cao siêu, những bài đòi hỏi phải “xoắn cả não” ra để giải quyết nó thì mới là học sinh giỏi, học sinh thông minh...
Thầy không phê phán cách suy nghĩ đó, vì thầy hiểu rằng, đó là kết quả của một quá trình giáo dục theo quan điểm trường chuyên, lớp chọn. Vì thế, quan điểm phải học và làm những bài nâng cao mới là đẳng cấp đã đưa vào đầu óc của con ngay từ khi con mới bắt đầu học những chữ cái đầu tiên trong đời.
Nhưng con ơi, con thấy đấy, muốn làm nhà cao tầng thì phải có một cái móng vững chãi, thậm chí móng nhà phải đào âm xuống đất cả hàng chục mét. Vậy thì, học nâng cao làm gì khi những kiến thức hết sức cơ bản, hết sức đơn giản nhưng hữu dụng lại chưa được con thấu hiểu cặn kẽ và vận dụng một cách linh hoạt?!
Nâng cao để làm gì khi mà chỉ với những bài tập đòi hỏi kiến thức hết sức cơ bản, con đã phải chật vật giải quyết mà cũng không thể hoàn chỉnh được nó. Nâng cao để làm gì khi mà con phải mất cả gần 8 phút mới hiểu được điều rất đơn giản là P(n)! = P(n-1)!.n ... Vậy, có cần thiết phải nâng cao không khi nền tảng cơ bản của mình chưa vững?
![]() |
Thầy Phạm Phúc Thịnh cùng học trò của mình
Thầy nhớ đến một câu chuyện rất xưa, có một chàng trai đến xin học võ ở một vị sư phụ với một mơ ước rằng mình sẽ nhanh chóng trở thành một võ sĩ nổi danh thiên hạ với những đòn thế cao siêu. Buồn thay, suốt 3 năm liền, anh ta chỉ được học một thế võ duy nhất: Hạ thấp người xuống tránh đòn sau đó đấm thẳng bằng tay trái ra trước mặt và kết thúc bằng một cú quét chân (gọi là tảo địa cước). Ba năm trời với hàng ngàn lần tập luyện chỉ một thế duy nhất trong khi các sư huynh, sư đệ, sư muội anh ta được học vô số những đòn thế hay.
Cho đến một ngày, cả võ đường đi dự một lễ hội trong làng, anh ta được giao nhiệm vụ coi nhà. Anh ta phải đương đầu với một tên trộm to cao, cầm một thanh mã tấu đột nhập võ đường. Tên trộm hung hãn lao vào anh ta, thanh mã tấu chém như gió bão về phía anh ta. Trong lúc nguy cấp, không biết phản công thế nào, theo thói quen anh ta hạ thấp người né tránh 2 nhát chém liên tiếp của tên trộm. Tay trái anh ta đấm thẳng ngay vào hạ bộ của tên trộm, và gần như vô thức, chân phải anh ta tung đòn tảo địa cước làm tên trộm đổ sập xuống nền nhà.
Rõ ràng, đòn đánh của chàng võ sĩ đó chỉ là đòn hết sức cơ bản mà bất kỳ võ sinh nào trong võ đường đó đều biết. Nhưng, nó có hiệu quả cao chỉ vì đơn giản anh ta đã quá hiểu, quá thuộc và sử dụng đòn thế đó một cách hết sức hoàn chỉnh.
Việc học của con cũng vậy, khi con đã nắm chắc được những điều tưởng như hết sức đơn giản, hết sức cơ bản thì vấn đề nâng cao sẽ chẳng là điều gì khiến con phải bận tâm nữa. Vì, theo thầy bài nâng cao chính là những bài đơn giản được phối hợp một cách khéo léo “chồng lên nhau” để tạo thành bài nâng cao. Thế thôi!
Thế nên, nếu còn học với thầy, có lẽ ước mơ “nâng cao” của con sẽ không có cơ hội được thực hiện.
Hy vọng con không quá sốc vì nỗi thất vọng mang tên “nâng cao” con nhé!
Thầy của con
http://www.nguoiduatin.vn/-dung-soc-vi-noi-that-vong-mang-ten-nang-cao--a340493.html