Tôi từng làm việc với hai tên tuổi dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng trên thế giới. Họ được coi là đối thủ trong nhiều năm.
Một trong những câu chuyện chúng tôi từng đem ra bàn bạc khi cùng nhau xây dựng chiến lược kinh doanh là quan điểm của những người dẫn dắt công ty về đối thủ của mình. Trong hai công ty kia, một ông chủ tịch từng tuyên bố: “Mỗi ngày, tôi luôn tự vấn làm sao đánh bại được đối thủ”. Ngược lại, chủ tịch của hãng kia chia sẻ: “Mỗi sang thức dậy, nhìn mình trong gương tôi luôn tự hỏi: Hôm nay chúng tôi phải làm gì để mang lại điều tốt đẹp hơn cho người tiêu dùng”.
Năm ngoái, trang Business Insider đã tôn vinh 10 công ty có tác động mạnh mẽ nhất tới cuộc sống của 7,5 tỷ người trên hành tinh. Hai đại gia ngành hàng tiêu dùng trên có mặt trong danh sách.
Nhưng công ty của ông chủ thường ngắm mình trong gương đã trở thành người dẫn đầu tuyệt đối trong vòng hơn 30 năm qua, về sức mạnh thương hiệu, về lợi nhuận hằng năm, và về tốc độ tăng trưởng.
Sản phẩm tương tự, giá bán tương tự, thế lực và ngân sách tương tự. Vậy cuối cùng, điều gì có thể mang lại sự khác biệt và ngôi vị số một cho ngành hàng? Về sâu xa, câu trả lời không có gì khác, ngoài triết lý kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu soi vào câu chuyện trên, thì những hành động như treo biểu ngữ, phản đối bằng nhiều kiểu nhắm đến taxi công nghệ của các hãng taxi nội địa trong thời gian gần đây khó có thể gợi cho tôi - một khách hàng sử dụng dịch vụ taxi hơn 20 năm qua nhiều cảm thông. Nó chỉ gợi nhớ tới hành động ăn vạ của những cậu bé được nuông chiều.
Tôi tin rằng, cũng có rất nhiều người có cùng suy nghĩ. Hãy lướt qua các diễn đàn, các trang báo mạng để đọc bình luận của những người vô danh – những người sẽ quyết định số phận của các hãng taxi.
Không phủ nhận những nỗ lực của Mai Linh, Vinasun, và các hãng taxi nội địa khác trong hàng chục năm qua trong việc phục vụ nhu cầu cơ bản của con người. Nhưng, trong cơn lốc của công nghệ, phe taxi truyền thống đã khá bị động khi cần đối mặt với một đối thủ hoàn toàn mới. Những thế mạnh vượt trội của công nghệ, của mô hình kinh doanh sáng tạo, và sức mạnh túi tiền của các tập đoàn đa quốc gia đã tước đi miếng bánh thị trường một cách nhanh chóng.
Những bản báo cáo tài chính thấp dần đều, trong khi số tài xế bỏ việc cao dần đều là những con số rất lạnh lùng, nhưng phản ánh thực trạng của các hãng taxi truyền thống một cách rất thật.
6.000 hay 8.000 tài xế bỏ việc của các hãng taxi truyền thống là con số rất nhỏ so với hàng triệu khách hàng được hưởng lợi từ những hãng taxi kiểu mới. Thật khó cưỡng những lợi ích hấp dẫn, từ giá cước luôn đảm bảo rẻ hơn kèm các kiểu khuyến mại mời mọc, đến sự thuận tiện trong việc đặt xe thông qua ứng dụng. Từ việc minh bạch về chi phí - khách hàng luôn được biết trước giá cước, đến sự phục vụ kịp thời nhờ lượng xe áp đảo.
Đáng lo ngại hơn nữa với bên truyền thống, những lợi thế cạnh tranh này của đối thủ sẽ ngày một gia tăng, nhờ xu hướng và ứng dụng công nghệ trong cuộc sống. Số liệu phân tích từng cho rằng, hiệu suất hoạt động của taxi công nghệ gấp 3 lần bên truyền thống.
Ai năng suất hơn, người đó sẽ thắng. Nguyên lý đó đúng cho mọi cuộc chơi.
Thật đáng mừng, khi trong cơn bĩ cực, những hãng xe truyền thống đã có những biến chuyển ban đầu. Cạnh tranh luôn là động lực cho mọi sự phát triển, và điều đó cũng không ngoại lệ với cuộc chiến này. Vinasun cũng có ứng dụng gọi xe, và khách hàng được biết trước giá cước. Mai Linh cũng đã có những tin nhắn chi tiết để thông báo số xe, số tài, số điện thoại của lái xe tới khách hàng. Những động thái này, dù chưa đủ và có phần hơi muộn màng, nhưng nên được ghi nhận trong cuộc cạnh tranh đường dài.
Tôi vẫn tin rằng, mỗi nhân viên và lãnh đạo Vinasun, Mai Linh, hay bất kỳ hãng taxi truyền thống nào khác cũng đã và đang được hưởng lợi từ những thành tựu công nghệ. Là người tiêu dùng, họ cũng rất hạnh phúc khi có điện thoại để nói lời yêu thương, thay vì thư tay. Họ cũng sẵn sàng chuyển sang email thay vì máy fax. Họ cũng đâu từ chối cài đặt và sử dụng viber thay vì các cuộc thoại tính cước “như xưa”.
Và vì vậy, sẽ chẳng có lý do gì để cưỡng lại một xu hướng mới, một thành quả công nghệ mà vốn dĩ nó mang lại lợi ích vượt trội cho cộng đồng.
Nhưng bình tĩnh hơn, tôi tin rằng qua những hứng khởi ban đầu, người tiêu dùng vẫn thấy taxi truyền thống là phần không thể thiếu trong cuộc chơi.
Thị trường đủ thông minh để thấy rằng, nếu chỉ có các hãng công nghệ, thì giá cước rẻ, dịch vụ tốt của taxi công nghệ chỉ là mồi nhử ban đầu. Cước sẽ tăng khi số đối thủ trong cuộc chơi giảm.
Vẫn còn đây không ít lợi thế cạnh tranh của “phe” taxi truyền thống. Lòng tin của người tiêu dùng dành cho các công ty với hình ảnh nhận diện thương hiệu họ nhìn thấy “bằng xương bằng thịt” nhiều năm qua chắc chắn sẽ còn rất cao so với một không gian ảo của mạng điều hành. Sức mạnh cộng đồng của các tài xế, hay đôi khi ưu thế chỉ là sự “không để lại dấu vết” trong thế giới số, sự tiện lợi trong nhiều tình huống khác nhau ở đô thị, sự sẵn sàng sau một cái ngoắc tay chứ không phải đợi app trả lời có khi tới hơn chục phút.
Với nguồn lực sẵn có, với thị trường ngày một mở rộng, lượng khách hàng truyền thống, taxi truyền thống còn cánh cửa thành công nếu coi các thách thức hiện có như một cơ hội để làm mới mình.
Và quan điểm này không chỉ dành riêng cho ngành taxi, nếu không nói tất cả ngành nghề đều đang thay đổi cách vận động trong cơn lốc công nghệ.
Nếu tự soi mình mỗi ngày như ông chủ “đại gia hàng tiêu dùng” trên kia, biết đâu taxi truyền thống sẽ đứng vững trong cạnh tranh như một người trưởng thành, thay vì than khóc như một “cậu ấm”.
\'Đại chiến\' taxi
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán việc nhiều xe taxi ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dán ... |
Grab, Uber nộp thuế ít: Lỗi tại “ông” quản lý?
Tất nhiên, đúng như các… khẩu hiệu mà tài xế taxi truyền thống dán trên xe đang gây ồn ào mấy ngày nay, là Grab ... |
Khi nào taxi và Uber, Grab sẽ chung sống được với nhau?
Theo các chuyên gia, cuộc chiến giữa Uber, Grab sẽ còn diễn ra. Các hãng chỉ có thể chung sống khi hài hòa lợi ích ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dung-len-hay-than-khoc-3654443.html