- ĐBQH bức xúc việc bác sĩ kê đơn thuốc gần 5 triệu đồng toàn thực phẩm chức năng
- ĐBQH: Bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao không hẳn tỷ lệ thuận với y đức
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long cho rằng tình trạng bác sĩ kiêm nhiệm công tác chuyên môn và quản lý gây ra nhiều bất cập trong ngành Y tế.
"Những người chấp nhận vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn phải chịu áp lực rất lớn, khó hoàn thành cả 2 nhiệm vụ. Thử hình dung bác sĩ vào phòng mổ, thay vì toàn tâm toàn ý cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B...", Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đặt vấn đề trong phiên thảo luận sáng 13/6 của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Một trong những tổn thất lớn mà ngành Y tế Việt Nam phải gánh chịu sau "cơn bão" Việt Á là mất đi rất nhiều chuyên gia giỏi vì lý do ngoài chuyên môn. Những bác sĩ đầu ngành vướng vòng lao lý vì năng lực quản lý yếu kém, không tương xứng với chức vụ.
Đại biểu Nguyễn Công Long, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội đặt vấn đề rằng nên hay không nên tiếp tục cơ chế kiêm nhiệm đối với các chức vụ quản lý tại bệnh viện công, đẩy các bác sĩ lên vị trí không đúng với năng lực.
Bất cập kéo dài hàng chục năm
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, việc bác sĩ làm giám đốc bệnh viện gây ra những bất cập chỉ có ở Việt Nam. Những vấn đề nảy sinh từ cơ chế này không phải mới xuất hiện và gây ra hậu quả trong thời gian gần đây mà đã kéo dài hàng chục năm.
Đại biểu Nguyễn Công Long
Đại biểu Nguyễn Công Long chỉ ra rằng hiện nay ở Việt Nam, hầu hết giám đốc của các bệnh viện công là những bác sĩ giỏi chuyên môn y khoa, trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa phòng đi lên. Tuy nhiên, họ không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý điều hành, kỹ năng quản trị dẫn đến bất cập trong quản lý nhân lực, vật lực khiến chất lượng dịch vụ của các bệnh viện kém, hoạt động khám chữa bệnh chưa được chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các trường y hiện nay tập trung đào tạo chuyên môn ngành y mà không chú trọng chuyên ngành quản lý bệnh viện.
"Vấn đề này không phải đến bây giờ, sau khi hàng loạt lãnh đạo bệnh viện sai phạm, bị xử lý hình sự mới thấy được. Sự bất cập trong mô hình quản lý bệnh viện đã xuất hiện từ lâu", Đại biểu Phạm Công Long nhận định, nhắc lại câu chuyện về bác sĩ Tôn Thất Tùng, người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng đã xin nghỉ để tập trung cho công tác chuyên môn.
Đại biểu Phạm Công Long nói: "Nếu như ông Tôn Thất Tùng làm công tác quản lý thì ngành Y học thế giới thế kỷ XX không có nhà phẫu thuật gan nổi tiếng như vậy. Câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn còn tiếp tục khi mới đây, một giáo sư, bác sĩ từ chối làm giám đốc bệnh viện Hữu Nghị để chuyên tâm nghiên cứu khoa học.
Những người chấp nhận vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn phải chịu áp lực rất lớn, khó hoàn thành cả 2 nhiệm vụ. Thử hình dung bác sĩ vào phòng mổ, thay vì toàn tâm toàn ý cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B... Ai cũng hiểu trong đó có vô số mối quan hệ, lợi ích chằng chịt mà nếu không thắng được cám dỗ, không xử lý được hết các mối quan hệ thì vào tù là chuyện sớm muộn".
Trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sĩ
"Thể chế pháp luật không rõ ràng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân", Đại biểu Nguyễn Công Long nhận định và bày tỏ quan điểm ủng hộ ý tưởng được ngành Y tế đề xuất cách đây chưa lâu về việc thí điểm tự chủ bộ máy quản lý ở các bệnh viện công.
Theo đó, các bệnh viện công sẽ thuê giám đốc điều hành, thay thế nhà chuyên môn kiêm nhiệm bằng nhà quản lý chuyên nghiệp. Các CEO bệnh viện không cần là giáo sư, tiến sĩ y khoa mà cần giỏi về điều hành. Theo đại biểu Nguyễn Công Long, điều này có thể tạo ra bước đột phá về quản lý ở các bệnh viện công, nâng cao chất lượng bênh viện, bảo đảm minh bạch, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sĩ là chăm sóc và chữa bệnh.
"Rất tiếc những nỗ lực trên chưa hiệu quả. Theo đánh giá chung của ngành y tế, quá trình thực hiện mô hình trên vấp vào 2 rào cản chính là nhận thức và thể chế", Đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề.
"Trước thực trạng đã và đang diễn ra, sự đổi mới về quản trị y tế công rất cấp thiết. Những ai còn vấn vương quyền hạn, lợi ích của chiếc ghế giám đốc thì đã có bài học cảnh tỉnh. Về mặt thể chế, nếu không đưa ra nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo luật thì không biết đến bao giờ mới giải quyết được bất cập lâu nay".
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung quy định để phân định rõ hoạt động chuyên môn và quản lý bệnh viện công, quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành. Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội cũng cần xem xét quy định, đưa các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý thành tiêu chí bắt buộc trong việc đánh giá chất lượng cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời tiếp tục hoàn thiện đề xuất thực hiện mô hình tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
https://vtc.vn/dung-de-bac-si-vao-phong-mo-ma-phan-tam-goi-thau-a-hop-dong-b-ar682033.html