ĐBQH: Bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao không hẳn tỷ lệ thuận với y đức

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13-6, Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế, tận tâm với nghề, vẫn còn không ít y, bác sĩ xa rời mục đích cao cả và tôn chỉ lương y như từ mẫu.

Đại biểu Trần Quang Minh cơ bản đồng tình với Dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội (UBXH) của Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu khẳng định, Luật Khám, chữa bệnh 2009 đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, khả năng tiếp cận với dịch vụ và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám, chữa bệnh, góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Do đó, Đại biểu kiến nghị Dự thảo Luật lần này bổ sung thêm ba chương việc khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và điều chỉnh các nội dung quan trọng khác.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Đại biểu thấy rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải được đưa vào vào luật dành một chương riêng cho vấn đề này.

Đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh, y học nước nhà có tiến bộ, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn là tỷ lệ thuận với y đức được nâng lên, kể cả những bệnh viện tuyến trên, những bệnh viện có tiếng tăm trong kỹ thuật y khoa có đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao, chưa hẳn đa số là những người có y đức và ứng xử tốt với bệnh nhân.

ĐBQH: Bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao không hẳn tỷ lệ thuận với y đức ảnh 1

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) phát biểu thảo luận

Bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế, tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa tận tình chăm sóc người bệnh, xông pha trong chống dịch vẫn còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ dạy lương y như từ mẫu…

Vì vậy, dự thảo Luật có quy định quyền được học tập nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, thì cũng cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức. Đại biểu cho biết, 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được Bộ Y tế quyết định khá cụ thể, cần phải được xem xét để đưa vào dự thảo luật lần này, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử.

Ngoài nội dung trên, Đại biểu Minh còn đề nghị Dự thảo luật cần quy định rõ hơn trong trường hợp nào các cơ sở y tế không công nhận hoặc sử dụng kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm, chiếu, chụp phim do thời gian do chất lượng, do không đúng với tình trạng, nhằm tránh lãng phí gánh nặng cho người bệnh, gia đình người bệnh và lạm dụng quyền tùy tiện trong khám, chữa bệnh.

Vấn đề thứ ba, đại biểu cho rằng cần thể hiện rõ nội dung khoản 1, Điều 4 với nội dung Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện chính trị xã hội đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định…

https://www.anninhthudo.vn/dbqh-bac-si-co-tay-nghe-chuyen-mon-cao-khong-han-ty-le-thuan-voi-y-duc-post507515.antd