Đông Nam Á vẫn nơm nớp sau cái chết của thủ lĩnh IS

Bất chấp cái chết của thủ lĩnh IS Baghdadi, các nước Đông Nam Á vẫn chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi chống lại tư tưởng của nhóm khủng bố. 

Chính quyền các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, nơi trú ẩn của một số phiến quân thuộc các nhóm lớn nhất châu Á, hôm 28/10 đồng loạt cho biết họ đã sẵn sàng đối mặt với hành vi trả thù, bao gồm những cuộc tấn công "sói đơn độc" của các tín đồ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi đã chết bằng cách tự kích nổ đai bom tự sát trong một đường hầm ở Idlib, tây bắc Syria tối 26/10, sau khi bị đặc nhiệm Mỹ dồn đến đường cùng.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng cái chết của Baghdadi sẽ khiến IS lung lay, nhưng nhóm phiến quân vẫn có khả năng gây nguy hiểm, do tư tưởng của chúng lan truyền rộng rãi trong cộng đồng thanh niên Hồi giáo không được giáo dục đầy đủ tại khu vực Mindanao nghèo khó.

"Đây là một đòn giáng mạnh vào IS nếu xét trên khía cạnh Baghdadi là thủ lĩnh tối cao. Tuy nhiên, xét về sự bám rễ và tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới của nhóm khủng bố, đây chỉ là thất bại tạm thời", Lorenzana giải thích, nói thêm rằng "ai đó sẽ thế chỗ" của Baghdadi.

Thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi tại một nhà thờ ở Mosul, Iraq hồi tháng 7/2014. Ảnh: AFP.

Đông Nam Á từ lâu đã trở thành khu vực trọng tâm đối với IS. Nhóm khủng bố tuyên truyền tư tưởng cho các phiến quân Hồi giáo ở châu Á thông qua Indonesia và Philippines. Manila, Kuala Lumpur và Jakarta đều lo ngại tín đồ IS tại các nước này, cũng như những kẻ chạy trốn khỏi Iraq và Syria có thể lợi dụng biên giới lỏng lẻo, tình trạng vô pháp và nguồn vũ khí dồi dào tại Mindanao để ẩn náu trong các ngôi làng hẻo lánh.

Từ tháng 7/2018, IS đã nhận trách nhiệm 4 vụ đánh bom tự sát tại Philippines. Những kẻ cực đoan thậm chí từng nỗ lực thiết lập thành trì của IS ở thành phố Marawi trên đảo Mindanao khi chiếm đóng nơi đây trong 5 tháng hồi năm 2017, khiến Philippines phải trải qua cuộc chiến khó khăn nhất kể từ sau Thế chiến II.

Các phiến quân từ ít nhất 7 nước đã tham gia cuộc chiếm đóng, trong đó có Malaysia, quốc gia vẫn giữ cảnh giác cao độ và đã bắt 400 nghi phạm liên quan tới các nhóm khủng bố. Ayob Khan Mydin Pitchay, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của cảnh sát Malaysia, cũng đánh giá mối quan ngại thực sự không phải số phận thủ lĩnh IS, mà là ảnh hưởng từ những bài tuyên truyền của nhóm khủng bố.

"Cái chết của Baghdadi là tin tốt, nhưng nó không ảnh hưởng nhiều tới nơi đây, bởi vấn đề quan trọng là sự lây lan tư tưởng của IS. Điều chúng tôi lo lắng nhất bây giờ là các cuộc tấn công 'sói đơn độc' và những người bị cực đoan hóa do internet. Chúng tôi nhận thấy những bài giảng của IS vẫn lan truyền trên mạng. Các ấn phẩm từ nhiều năm trước của chúng cũng đang được sao chép và chia sẻ lại", Pitchay nói.

Indonesia, quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, cũng đang vật lộn với sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và đã bắt hàng trăm nghi phạm trong năm nay theo luật chống khủng bố mới được siết chặt. Chính quyền cho rằng IS truyền cảm hứng cho hàng nghìn người Indonesia và ước tính khoảng 500 người đã gia nhập nhóm phiến quân tại Syria.

Cơ quan tình báo Indonesia cho biết họ đã sẵn sàng chống lại hành vi trả đũa, nói thêm rằng sẽ có người thay thế Baghdadi dù cái chết của thủ lĩnh IS là đòn tâm lý nặng nề với nhóm khủng bố. "Đây là một cuộc chiến nên theo lẽ thường sẽ có một đợt phản công hoặc động thái tương tự thế. Chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ đất nước mình", phát ngôn viên Wawan Purwanto của cơ quan cho hay.

Theo một nhà nghiên cứu chuyên giám sát hoạt động của những người ủng hộ IS, các phòng chat trên một số nền tảng nhắn tin mà người Hồi giáo thường sử dụng, như Telegram, xuất hiện những thông điệp bất chấp cái chết của Baghdadi.

"Dù điều gì xảy ra đi nữa, cuộc thánh chiến của người Hồi giáo sẽ không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào, mà luôn vững vàng theo mệnh lệnh của Thượng đế và Nhà tiên tri của Ngài", một tài khoản có tên Ansurul Ummah viết.

"Cuộc thánh chiến sẽ không bao giờ dừng lại, kể cả khi quốc vương của chúng ta qua đời", một người dùng khác tên Abu Abdullah Asy Syami đồng tình.

Ánh Ngọc (Theo Reuters)

Mỹ công bố thông tin mật về chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS
IS "im hơi" sau khi mất đầu rắn
Mỹ công bố video đột kích thủ lĩnh IS
Nội gián chỉ điểm tiêu diệt thủ lĩnh IS nhận tiền thưởng lớn chưa từng có
Cuộc đột kích hang ổ thủ lĩnh tối cao IS
/ vnexpress.net