Kết quả thi đấu tiến bộ của Việt Nam ở cuộc đua Tank Biathlon, Army Games tổ chức tại Nga hàng năm, có thể thấy tiềm lực to lớn của tăng thiết giáp nước ta.
Lịch sử chiến tranh hiện đại đã cho thấy, để tác chiến hiệu quả, một đội quân không chỉ cần sở hữu các khí tài hiện đại mà còn phải làm chủ, khai thác tối ưu được tính năng của các khí tài đó. Yếu tố hiện đại của trang bị có thể dễ dàng nắm rõ qua chủng loại, số lượng của vũ khí, trang bị có trong biên chế, tuy nhiên việc đánh giá chính xác yếu tố còn lại là điều không thể lượng hóa và rất khó khăn.
Trao giải vô địch bảng 2 Arny Games, năm 2020. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga) |
Dù vậy, khi nhìn nhận lại chặng đường Việt Nam tham gia thi đấu trong cuộc đua Tank Biathlon trong khuôn khổ Army Games tổ chức tại Nga hàng năm, chúng ta có thể lạc quan về điều này.
Hành trình của Việt Nam
Tank Biathlon là cuộc thi vận hành, chiến đấu với xe tăng được tổ chức tại thao trường Alabino, tỉnh Mátxcơva, Liên bang Nga được tổ chức hằng năm. Giải đấu chính thức bắt đầu từ năm 2013 giữa những nước có sử dụng xe tăng Nga hoặc có mối quan hệ hợp tác quân sự khăng khít với Nga.
Đây là nơi các kíp lái xe tăng đến từ các nước có thể thi đấu các kỹ năng lái xe, tác xạ với nhau trên biến thể mới nhất của dòng xe tăng T-72 là T-72B3 do Nga sản xuất.
Ngoài ra, đây cũng là nơi một số ít các quốc gia có khả năng sản xuất xe tăng trình diễn năng lực công nghệ của mình bằng việc tự cải tiến, nâng cấp xe tăng nhằm nâng cao tính năng kỹ chiến thuật để mang đi thi, giúp đạt thành tích cao hơn như Nga, Trung Quốc, Belarus và Ấn Độ.
Hình ảnh đội tuyển xe tăng Việt Nam thi đấu năm 2019. |
Việt Nam bắt đầu tham gia Tank Biathlon trong lần tổ chức thứ 6 của cuộc thi này, năm 2018. Với nhiều bỡ ngỡ và thời gian làm quen ngắn, Việt Nam không lọt qua vòng loại và chỉ đứng thứ 17/22 đội thi chung cuộc. Kíp bắn có thành tích tốt nhất của chúng ta là kíp bắn số 3 với thành tích bắn trúng 4/5 bia và hoàn thành bài thi sau 41 phút 18 giây, đứng thứ 49 trong số 66 kíp bắn thi đấu vòng loại.
Từ năm 2019, luật thi đấu của giải đã có sự thay đổi lớn. Các đội thi đấu được chia thành 2 bảng, trong số đó bảng 1 gồm các đội được đánh giá là có trình độ cao, thường là những nước đã có biên chế xe tăng T-72 và các biến thể của nó trong quân đội, còn bảng 2 là các nước có trình độ thấp hơn và thường không biên chế xe tăng T-72 hay những loại xe tăng tương tự.
Video: Việt Nam giành chiến thắng tại bảng B - hạng mục Tank Biathlon ở Army Games 2020
Cá biệt một số nước như Trung Quốc, không sử dụng xe tăng T-72 nhưng vẫn xếp ở bảng 1 hay Myanmar, Uzbekistan, dù đã có nhiều năm vận hành xe tăng T-72 nhưng vẫn thi đấu ở bảng 2. Đội vô địch bảng 2 trong năm tiếp theo sẽ được chuyển lên thi đấu ở bảng 1.
Năm 2019 đánh giá sự tiến bộ vượt bậc của đội tuyển thi đấu xe tăng Việt Nam. Thành tích vòng bảng tốt nhất đạt 31 phút 05 giây với kíp lái số 2 và thậm chí thành tích thấp nhất của kíp lái số 3 cũng đạt 37 phút 47 giây, vượt xa thành tích của kíp lái tốt nhất năm 2018. Kết thúc vòng bảng, đội tuyển Việt Nam đứng vị trí thứ 4, lọt vào chung kết và kết thúc mùa giải với vị trí thứ 2, chỉ xếp sau đội Uzbekistan với bề dày kinh nghiệm vận hành xe tăng T-72.
Năm 2020, Việt Nam một lần nữa thi đấu tại bảng 2 cùng với các đội Myanmar, Lào, Tajikishtan, Qatar, Congo, Abkhazia và Nam Osetia. Tại vòng bảng, kíp lái tốt nhất của chúng ta đã hoàn thành phần thi sau 28 phút 20 giây, bắn hạ toàn bộ 5 mục tiêu – cả 2 thành tích mà trước đây Việt Nam đều chưa từng đạt được.
Dù sau đó, tổ trọng tài có tính lại điểm và cộng thêm vào thành tích của chúng ta 4 phút phạt vì những lỗi như lên xe sai hướng, nhưng sự tiến bộ của đội tuyển Việt Nam là không thể không nhận ra. Quả như vậy, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc lọt vào chung kết và kết thúc giải đấu bằng chức vô địch bảng 2, giành quyền thi đấu tại bảng 1 vào năm sau.
Khả năng làm chủ khí tài
Để có được thành tích tốt dần theo từng năm như thế, không thể phủ nhận sự nỗ lực tuyệt vời của thành viên các kíp lái, cũng như các huấn luyện viên. Tuy nhiên, có một yếu tố khác không thể bỏ qua đó là khả năng làm chủ khí tài.
Đến năm 2020, đội tuyển Việt Nam điều khiển xe tăng "như bay". |
Từ cuối năm 2018, Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận các xe tăng T-90S trong hợp đồng mua 64 xe tăng từ Nga. Khác biệt hẳn với các loại xe tăng T-55 và T-62 đang sở hữu, T-90S có nhiều điểm tương đồng với loại xe tăng T-72B3 được sử dụng trong thi đấu tại cuộc thi Tank Biathlon.
Xe tăng T-90 với tên sản xuất hàng loạt ban đầu là T-72BU chính là một biến thể hiện đại hóa rất sâu của dòng xe tăng T-72B, tương tự như xe tăng T-72B3. Nó có nhiều điểm tương đồng với xe tăng T-72B3 như đều sử dụng pháo 125 mm 2A46M5 với đạn đạo tương tự, kíp lái 3 người với hệ thống nạp đạn tự động, động cơ V92 công suất trên 1.000 mã lực...
Ngoài ra, các yếu tố khác như vị trí ngồi, sắp xếp vũ khí trang bị, cảm giác về không gian khi lái xe... cũng khiến kinh nghiệm vận hành xe tăng T-90S có giá trị lớn cho việc thi đấu trên xe tăng T-72B3.
Tuy nhiên, nhìn theo một chiều hướng khác, chính việc tham gia thi đấu trên những chiếc xe tăng T-72B3 cũng là 'cơ hội vàng' giúp làm chủ hoàn toàn những chiếc xe tăng T-90S trong trang bị của QĐND Việt Nam. Bất cứ giáo trình lý thuyết nào, dù tự soạn hay được bạn hỗ trợ đào tạo cũng không thể bổ sung đầy đủ cho những kinh nghiệm “thực chiến” rút ra từ những lần tham gia thi đấu có tính đối kháng cao trong một cuộc thi như Tank Biathlon.
Từ thi đấu, các các bộ chiến sĩ tham gia không chỉ được thực hành các kỹ thuật xạ kích, được làm quen với các loại địa hình phức tạp, kỹ thuật tránh bãi mìn khi hành tiến tốc độ cao... mà còn phải đối phó với những sự cố, hỏng hóc của thiết bị, những điều chắc chắn ít xảy ra trong những bài huấn luyện mô phạm, đảm bảo yếu tố “giữ tốt dùng bền”.
Đây là những kinh nghiệm quý báu hiếm khi thu nạp được từ sách vở, có thể truyền lại cho các chiến sĩ khác, giúp chúng ta không chỉ phát huy được tính năng sẵn có của khí tài mà thậm chí còn có thể chiến đấu “vượt tính năng”.
Sau mỗi cuộc thi, bên cạnh các giải thưởng, niềm vui chiến thắng thì còn có cả những kinh nghiệm cọ xát thực tế, không chỉ thu hoạch từ thành công mà còn rút ra được từ những lần mắc lỗi, những trục trặc cả chủ quan và khách quan. Kinh nghiệm này sẽ rèn giũa những người lính xe tăng Việt Nam cả về trình độ, cũng như bản lĩnh chiến đấu, từ đó khai thác tối đa được khả năng của khí tài hiện đại, xây dựng lực lượng tinh nhuệ, vững mạnh, sẵn sàng đối phó với mọi kẻ thù.