Bên cạnh ý nghĩa “mua may bán rủi”, chợ Âm Dương làng Ó còn mang ý nghĩa tâm linh, tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau.
Chợ Âm Dương - nơi "mua may, bán rủi", nằm tại Làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh). Theo tương truyền, mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết.
Phiên chợ Âm Dương còn mang ý nghĩa tâm linh, tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau, trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của người dân Kinh Bắc.
Chợ Âm Dương làng Ó, lễ hội "độc nhất vô nhị" cho người âm và người dương gặp nhau.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học cho biết, theo truyền ngôn từ gần 2.000 năm trước, trên địa bàn Ma Ổ trang hay còn gọi là làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh ngày nay) đã hình thành một lễ hội đặc biệt, đó là phiên chợ Âm Dương.
Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) thì gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về chiến trường xưa tưởng nhớ người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm Dương.
Người dân tin rằng, hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ sẽ có cả hương hồn của ông cha, người thân hiện về tìm gặp lại mọi người.
Bà Cao Thị Tâm (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) chia sẻ, bây giờ cũng không ai còn nhớ phiên chợ Âm Dương đầu tiên bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng ngày xưa, làng Ó còn nghèo lắm, thiếu ăn, thiếu mặc nên con cháu phải kéo nhau đi làm thuê ở những tỉnh xa. Dù có đi đâu, nhưng nhớ phiên chợ Âm Dương, họ lại rủ nhau về dự đêm chợ và để có cơ may gặp lại người đã mất. Người dân nơi đây tin rằng, hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ đêm nay sẽ có cả hương hồn của ông cha, người thân hiện về để tìm gặp lại gia đình, bạn bè.
"Chợ Âm Dương của làng Ó chúng tôi có nhiều nét đặc biệt, chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, gọi là chợ, nhưng không có lều, quán, cũng không sử dụng đèn. Ở đây chợ chỉ bán hàng mã, hương dùng để đốt cho người đã khuất. Ngoài ra, ở đây còn có gà đen, biểu tượng cho sự thần bí, tâm linh được bầy bán tại chợ", bà Tâm cho biết thêm.
Gà đen, mặt hàng đặc biệt tại chợ Âm Dương làng Ó.
Là phiên chợ đặc biệt nên chợ Âm Dương chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết. Ở đây thường không có những lời mặc cả của người mua hoặc những lời thách giá từ người bán. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Thuận, khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh cho biết, với người dân làng Ó, ngày mùng 5 Tết rất ý nghĩa vì vừa là ngày hội làng, vừa là phiên chợ Âm Dương. Theo truyền ngôn, tại phiên chợ người sống sẽ thắp hương, đốt vàng mã, đốt nến hoặc ngọn đèn dầu để kết nối với người đã mất với quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết, mong cuộc sống tâm linh của họ sẽ được thanh thản hơn.
"Trong phiên chợ Âm Dương, không có cảnh kỳ kèo, trả giá, phiên chợ không đơn thuần là bán - mua những hàng hóa thường ngày mà còn bao hàm ý nghĩa cầu may, mọi người đến chợ để mua chút lộc đầu năm", ông Thuận cho biết thêm.
Người tham gia phiên chợ đốt vàng mã gửi cho người cõi âm.
Với người dân Bắc Ninh, chợ Âm Dương mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc. Vào dịp đầu Xuân, năm nào cũng vậy, mọi người đến hội chợ chỉ cốt được cầu may; những điều rủi ro, phiền muộn sẽ được xóa tan khi vào phiên chợ với mong muốn công việc làm ăn được thuận lợi.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, phiên chợ độc đáo không còn tổ chức và chỉ đọng lại trong trí nhớ của người dân, thời gian làm mai một đi một nét đẹp truyền thống tâm linh.
Trước những giá trị văn hóa của phiên chợ Âm Dương, UBND TP Bắc Ninh đã phục dựng phiên chợ Âm Dương vào năm 2022 và năm 2023 phiên chợ trên tiếp tục được phục dựng và mở rộng quy mô hơn trước.
Vẻ huyền bí và câu chuyện xung quanh phiên chợ đã được lan rộng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước. Rất nhiều người đã cùng nhau đổ về làng Ó để cầu may, bày tỏ nỗi nhớ quê hương và lòng thương nhớ đối với những người đã khuất trong dịp đầu năm mới.
https://vtc.vn/doc-dao-phien-cho-am-phu-noi-tieng-nhat-dat-bac-ar737510.html